IPO “nóng” và “lạnh”
Cùng thời điểm nhưng cổ phần (CP) của doanh nghiệp này đưa ra đấu giá lần đầu (IPO) thì nhà đầu tư (NĐT) nườm nượp đặt mua trong khi CP của doanh nghiệp khác bị chê ỏng chê eo để rồi kết cục chỉ là một phiên đấu giá... buồn. Vì sao?
Thắng đậm
Hơn 19 triệu CP của Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSC) đã được đặt mua với giá đấu thành công bình quân là 10.455 đồng/CP (giá bán khởi điểm là 10.200 đồng/CP). Trước đó, VietinbankSC thông báo sẽ tổ chức phiên đấu giá CP tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 31/3 nhưng sau đó tạm hoãn, dời đến 22/4. Vì vậy, các nhà đầu tư (NĐT) và một số chuyên gia nhận định sự thành công của đợt đấu giá này là do đã chọn đúng thời điểm.
Thời gian đăng ký và đóng tiền đặt cọc mua CP của VietinbankSC nằm trong tháng 3 khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang khởi sắc được xem là điều kiện thuận lợi đầu tiên. Điều đó có thể giải thích cho việc có đến hơn 5.500 NĐT đăng ký tham gia với tổng khối lượng đặt mua đến 26,65 triệu CP (gấp 1,4 lần số lượng CP đưa ra đấu giá). Sau khi đấu giá, chỉ có gần 2.000 NĐT trúng giá (trong đó có 6 tổ chức) với tổng giá trị CP bán được hơn 200 tỷ đồng.
Không chỉ riêngVietinbankSC, phiên đấu giá hơn 1,5 triệu CP của Công ty Bưu chính Viettel trước đó cũng được bán hết với giá đấu thành công bình quân là 10.771 đồng/CP (giá khởi điểm 10.100 đồng/CP). Tổng khối lượng CP của Bưu chính Viettel mà NĐT đăng ký mua cũng cao hơn số CP đưa ra bán, đạt 2,12 triệu CP.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC nhận định, đơn vị bán đấu giá đã chọn đúng thời điểm nên góp phần tạo thành công cho đợt IPO này. Ngoài ra, theo ông Tuấn, tâm lý NĐT từ tháng 3 đến nay đã bớt bi quan và doanh nghiệp với quy mô lớn cũng được quan tâm.
Cơ hội cho hàng hóa tốt
Thế nhưng, việc chọn đúng thời điểm để IPO chưa hẳn đem lại sự thành công. Cũng tổ chức đấu giá CP trong tháng 4 nhưng Công ty Cho thuê tài chính I - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chỉ bán được 3,9 triệu CP trong số 9,7 triệu CP đưa ra đấu giá; giá đấu thành công cũng chính là mức giá khởi điểm đưa ra 10.300 đồng/CP.
Hay như Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương TP.HCM tổ chức đấu giá ngày 31/3 tại Sở GDCK TP. HCM chỉ bán được 379.500 CP (chiếm khoảng 0,03% tổng khối lượng CP đưa ra đấu giá)...
"NĐT hiện nay đã đưa ra những tiêu chí cao hơn để mua CP. Những doanh nghiệp hoạt động tốt, mức lợi nhuận ổn định cùng với giá IPO hợp lý mới được quan tâm đón nhận", ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng (trường ĐH Mở TP.HCM) cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là tình hình hoạt động, chiến lược phát triển của doanh nghiệp đó có thu hút được sự quan tâm của NĐT hay không. "Thời điểm để tiến hành IPO chỉ là một yếu tố vì hơn lúc nào hết, NĐT hiện nay còn quan tâm đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp ngành viễn thông như MobiFone, VinaPhone, Viettel... mà đưa ra đấu giá CP thì sẽ thu hút được nhiều NĐT tham gia, kể cả các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên giá bán cũng phải hợp lý chứ đưa ra giá quá cao bất hợp lý, NĐT cũng sẽ chùn tay", ông phân tích.
Các chuyên gia này cũng lưu ý trong tình hình hiện nay, khi thị trường vẫn chưa phục hồi chắc chắn, một số NĐT tổ chức vẫn bán ra CP và chưa có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào chứng khoán thì số lượng IPO dồn dập hay IPO với số lượng quá lớn cũng sẽ khó được hấp thụ hết. Vì vậy các doanh nghiệp phải cân nhắc thời điểm, số lượng CP cũng như giá bán để kế hoạch IPO của mình có khả năng thành công cao nhất, góp phần huy động vốn cho doanh nghiệp.
Thanh Niên
|