Đánh ảo tại sàn OTC Phố Wall
Không cần 100% tiền mặt hoặc chứng khoán, không bị gò bó về thời gian giao dịch, không bị lệ thuộc vào T+3, thủ tục cũng chẳng rườm rà, cơ hội gia tăng lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với thị trường niêm yết, đó là vài nét chấm phá về sàn OTC của CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS).
Một hàng, một chợ
Trên sàn OTC Phố Wall lúc 15h40 ngày 22/4 chỉ có lác đác vài NĐT ngồi lơ đễnh nhìn bảng điện tử. Trái ngược với khung cảnh tại sàn, không khí trên bảng điện tử thật sôi động khi các NĐT giao dịch từ xa tới tấp nhập lệnh. Đó thực sự là những đòn cân não của bên mua và bên bán khi mỗi bên thận trọng đưa ra giá mà bước nhảy chỉ là 10 đồng/CP. Do giá trị giao dịch lớn nên mặc dù chênh lệch giá ít, lợi nhuận thu được vẫn cao.
Nếu không có dòng chữ Bảng giá OTC Phố Wall thì chắc nhiều NĐT sẽ nhầm lẫn đây là bảng giá giao dịch vàng. Không có tên mã cổ phiếu, chỉ có giá chào mua, chào bán, khối lượng khớp, giá trị khớp lệnh… Trên bảng điện tử, giá yết là 17.950 (tức 17.950 đồng/CP) nên dễ nhầm với giá vàng. Lý do: tại sàn này chỉ giao dịch duy nhất một mặt hàng là cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MB). Một giao dịch viên tại sàn này cho biết, do mới đi vào hoạt động nên hàng hóa chưa phong phú. Hơn nữa, có thanh khoản trên thị trường OTC hiện vẫn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà sôi động nhất chỉ là cổ phiếu MB nên Công ty chọn duy nhất mã này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu NĐT, chợ này sẽ có thêm một số mã như Eximbank, Techcombank.
Giao dịch ảo, ăn theo sóng
Sàn OTC Phố Wall giao dịch 2 phiên trong ngày: sáng từ 8h đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 17h. WSS đang chuẩn bị cho phiên giao dịch tối kéo dài đến 23h.
Cách tổ chức sàn OTC của WSS không khác gì sàn giao dịch vàng. Khi giao dịch tại đây, NĐT chỉ cần ký quỹ 20%, được sàn này hỗ trợ 80% vốn (với sàn vàng, ký quỹ 7%, được hỗ trợ 93%). Khi vay tiền đầu tư, nếu giá chứng khoán giảm khiến tỷ lệ ký quỹ giảm xuống từ dưới 20% đến 15%, WSS sẽ thông báo cho khách hàng nộp thêm tiền hoặc chứng khoán để giữ tỷ lệ ký quỹ là 20%. Trong vòng 2 giờ kể từ khi thông báo, nếu NĐT không nộp tiền hoặc chứng khoán vào tài khoản mà giá chứng khoán tiếp tục giảm xuống khiến tỷ lệ này còn 10%, Công ty sẽ tự động tất toán tài khoản, mà không cần phải thông báo với khách hàng. Sau khi trừ đi lãi vay, các loại phí, nếu còn thừa Công ty sẽ trả lại, nếu thiếu NĐT phải nộp thêm. Với lãi suất vay 9,5%/năm (tương ứng 0,02%/ngày), NĐT có thể đầu tư gấp năm lần vốn tự có. Đặc biệt, NĐT có thể vay cổ phiếu để bán khống, với lãi suất 4,5%/năm. Chẳng hạn, đoán xu hướng giá cổ phiếu MB đi xuống, NĐT vay cổ phiếu của WSS để bán, sau đó mua lại cổ phiếu ở mức giá thấp hơn để trả lại. Phương thức giao dịch này cũng không khác gì giao dịch tại sàn vàng. Tuy nhiên, ở sàn này, rủi ro về tính thanh khoản lớn hơn. Bởi trên sàn vàng, NĐT có thể bán vàng ở bất cứ thời điểm nào, vì vàng có giá trị thực, lúc nào cũng có người mua. Còn đối với cổ phiếu, khi thị trường có diễn biến xấu, rất có thể xảy ra tình huống không có người mua, ngay cả khi bán với giá rất rẻ.
Môi giới tên Thắng tại sàn cho biết, trong trường hợp NĐT muốn nắm giữ cổ phiếu dài hạn (vào tên sổ cổ đông) thì phải báo trước cho WSS một ngày và phải nộp phí rút cổ phiếu. Chẳng hạn, giá cổ phiếu MB trên sàn WSS là 18.000 đồng/CP, nhưng giá ngoài sàn là 18.500 đồng/CP, thì NĐT phải nộp thêm 500 đồng/CP. Điều này nhằm hạn chế tình trạng NĐT rút cổ phiếu ra bán hưởng chênh lệch giá. Mặc dù áp dụng biện pháp thu chênh lệch giá, nhưng WSS cũng khống chế mỗi NĐT chỉ được rút tối đa 10.000 cổ phiếu MB/ngày. Ngoài ra, NĐT phải nộp thêm phí làm sổ cổ đông của MB 200.000 đồng/lô (10.000 cổ phiếu).
Trên thực tế, NĐT trên sàn này ít có nhu cầu rút cổ phiếu, họ trông đợi các đợt "sóng" để thu lợi nhuận. Như trong ngày 21/4, giá cổ phiếu MB tại sàn này "nhảy" từ hơn 15.000 đồng/CP lên gần 18.000 đồng/CP. Nếu đánh lên, NĐT có thể thu lợi gần 20% (chưa tính đòn bẩy tài chính). NĐT không quan tâm nhiều đến tình hình hoạt động của MB, mà buổi sáng theo dõi diễn biến trên sàn niêm yết, buổi chiều là những thông tin từ TTCK thế giới để đoán xu hướng giá (giống như trên sàn vàng).
Một ngày "bình lặng" như ngày 22/4, giá cổ phiếu MB ít biến động, nhưng khối lượng giao dịch tại sàn OTC Phố Wall vẫn đạt hơn 3 triệu cổ phiếu, trị giá 54,2 tỷ đồng. Với mức phí 0,1% cho mỗi lần giao dịch (0,2% cho cả mua và bán), trong ngày 22/4, WSS đã thu được hơn 100 triệu đồng tiền phí. Một khoản thu nhập đáng kể khác nằm ở mức lãi suất NĐT vay qua đêm mà WSS "ăn chia" với ngân hàng. Thực tế, việc cho vay cũng chỉ là ảo, vì ngân hàng không xuất tiền thật và NĐT cũng không nhận tiền thật để mua cổ phiếu. Giả sử NĐT có mua cổ phiếu thật thì họ cũng phải nộp 100% tiền mặt, khi đó WSS mới làm thủ tục vào sổ cổ đông.
Giao dịch cổ phiếu trên sàn OTC với đòn bẩy tài chính, được mua bán khống thực sự hấp dẫn NĐT. Nhưng không ít NĐT đặt câu hỏi về tính minh bạch, hợp pháp tại sàn này và rủi ro có thể xảy ra khi WSS có thể tạo ra cung - cầu ảo bằng những lệnh mua - bán của chính mình.
Trong khi Luật Chứng khoán không cho phép các CTCK tạo lập thị trường (mở sàn) thì WSS đã đi rất xa khung khổ pháp luật khi tổ chức sàn OTC với những nghiệp vụ phái sinh mà ngay sàn niêm yết cũng chưa được phép áp dụng. Thật khôi hài khi khoảng cách giữa sàn OTC Phố Wall và trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ là 500 m!
Đông Hải
đầu tư chứng khoán
|