Không hoàn thành kế hoạch, lãnh đạo OCB nhận lỗi
(Vietstock) – Ngày 25/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2008 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Quan Tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc bày tỏ lời xin lỗi chân thành tới toàn thể cổ đông vì không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2008.
Khi Lãnh đạo nhận lỗi
Trước tình hình khó khăn của năm 2008, Ngân hàng Phương Đông đã không hoàn thành nhiều chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông năm 2007 đã giao phó. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 81.48 tỷ đồng, tổng tài sản là 10,095 tỷ đồng và cổ tức 5%.
Theo giải trình của ban lãnh đạo, nguyên nhân là do tình hình lãi suất biến động dẫn đến thu nhập tín dụng thấp; rủi ro tín dụng gia tăng với việc thực hiện trích lập cho vay tín dụng lên đến 79 tỷ đồng. Điều này tác động đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán giảm điểm khiến OCB phải trích lập 46.8 tỷ đồng cho danh mục đầu tư 115.6 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Châu cho biết thêm, danh mục trên gồm 9 cổ phiếu và trong quý 1/2009, ngân hàng tiến hành tái cơ cấu danh mục đã bán 5 mã cổ phiếu, thu lãi 1.6 tỷ đồng.
Về kế hoạch tăng vốn, Ngân hàng Phương Đông đề ra chỉ tiêu nâng vốn điều lệ lên 1,700 tỷ đồng nhưng năm 2008 chỉ thực hiện tăng từ 1,111 tỷ đồng lên 1,474 tỷ đồng. Ông Châu nhận xét: “Sự đi xuống của thị trường chứng khoán là nguyên nhân dẫn đến kế hoạch trên thất bại”.
Ngoài ra, ngân hàng cũng chưa hoàn thành kế hoạch phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm trước.
Tổng tài sản hoạt động của OCB là 10,095 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2007, tương ứng 1,660 tỷ đồng. Mức giảm này chủ yếu là do giảm vốn vay liên ngân hàng (OCB gọi đây là thị trường 2). Năm 2008, số dư các khoản vốn nhận từ các tổ chức tín dụng là 1,466 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18%, thấp hơn so với 41% của năm 2008.
Tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng OCB là 8,262 tỷ đồng, trong đó số dư tiền gởi của các tổ chức kinh tế và cá nhân là 6,796 tỷ đồng (OCB gọi đây là thị trường 1), chiếm tỷ trọng 82% tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,024 tỷ đồng so với năm 2007.
Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ cho vay của OCB là 8,597 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2007. Trong khi nguồn vốn huy động đạt thấp, dư nợ tín dụng tăng khiến tỷ lệ cho vay/huy động của thị trường 1 là 126.5%. Đây là tỷ lệ cao so với nhiều ngân hàng khác. Một cổ đông bày tỏ sự lo ngại về rủi ro của ngân hàng OCB khi con số trên được công bố. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng OCB trong năm 2008 là 2.87% dư nợ cho vay, cao hơn so với mục tiêu đề ra là dưới 2%.
Dù vậy, nhiều cổ đông tỏ ra cảm thông trước hành động nhận khuyết điểm của lãnh đạo ngân hàng. Ông Nguyễn Quang Tiên, Chủ tịch HĐQT đã bày tỏ lời xin lỗi cổ đông ngay khi đại hội bắt đầu vì không hoàn thành kết quả kinh doanh năm 2008. Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao cử chỉ trên của ông,
Thành quả đáng khích lệ
Mặc dù không hoàn thành kế hoạch, nhưng OCB đã thực hiện hiệu quả một số công việc quan trọng trong năm 2008. Ông Châu nhận xét, việc giảm tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường 2 là hướng đi tích cực của OCB nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Điều này cũng phù hợp với phương châm của ngân hàng là trở thành một ngân hàng bán lẻ.
Ngoài ra, Ngân hàng đã xây dựng thành công dự án Data Center để nối mạng online trong toàn hệ thống OCB. Trung tâm thông tin này được đối tác chiến lược BNP Paribas (BNPP) đánh giá cao. Ngân hàng cũng đang triển khai dự án Core Banking System và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2009. Đây là cơ sở để ngân hàng phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng cũng đạt ở mức cao. Năm 2008, tỷ lệ này là 21.64% cao hơn so với mức 20.78% của năm 2007 và 16.84% trong năm 2006.
Phương hướng hoạt động trong năm 2009
Trong năm nay, Ngân hàng OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Tiên cho biết, lợi nhuận trước thuế của OCB đã đạt 44.7 tỷ đồng trong quý 1/2009.
Nguồn vốn huy động tăng bình quân 30%, dư nợ cho vay tăng bình quân 25% so với năm 2008. Trong đó, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% và mức cổ tức lên 10%.
Về kế hoạch tăng vốn, ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng vốn điều lệ lên 2,000 tỷ đồng. Theo đó, OCB sẽ bán cho cổ đông hiện hữu, trong đó có đối tác chiến lược là BNPP, nâng tỷ lệ sở hữu lên 15% hoặc 20% vốn điều lệ so với mức 10% như hiện nay và bán cho các đối tác muốn mua cổ phiếu của OCB.
Giá cổ phiếu của OCB hiện nay đang giao dịch ở mức 8,000-9,000 đồng/cổ phiếu.
Trương Gia Huy
|