Thứ Sáu, 03/04/2009 09:34

Báo cáo kiểm toán 2008: Rối rắm chuyện trích lập dự phòng

Theo quy định, chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn DN niêm yết phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán cho niên độ 2008. Theo thông tin từ Sở GDCK TPHCM (HoSE) công bố ngày 1.4, hiện số báo cáo kiểm toán được đăng tải tính đến 31.3 mới đạt con số 60.

Tuy nhiên, đã có khá nhiều báo cáo xuất hiện chênh lệch về số liệu, thậm chí có DN từ lãi biến thành lỗ. Theo cách giải trình của DN thì bên nào cũng có lý và NĐT chẳng biết tin ai.

MPC "bốc hơi" trên 43,6 tỉ đồng

Cty Thủy hải sản Minh Phú (mã CK: MPC) từ ngày 1.4 đã bị HoSE đưa vào diện kiểm soát vì một lý do tương tự với 16 DN niêm yết khác trong danh sách: Lợi nhuận phát sinh âm trong năm 2008. Tuy nhiên, điểm khác biệt của MPC và cũng là cú sốc lớn với NĐT là CP này mới tháng trước còn công bố con số lãi (chưa kiểm toán) 11,8 tỉ đồng.

Kiểm toán lại yêu cầu MPC phải trích lập thêm các khoản khiến lợi nhuận trước thuế giảm trên 43,6 tỉ đồng. Như vậy từ mức lãi, MPC đột ngột chuyển thành lỗ tới 31,8 tỉ đồng. Việc CP bị đưa vào diện kiểm soát như REE, SAM... không còn được thị trường chú ý nhưng cách mà MPC "được" vào danh sách này khiến thị trường đặt câu hỏi: Liệu đâu là căn cứ để NĐT tin tưởng?

Theo giải trình của MPC, ba điểm chưa thống nhất giữa DN và đơn vị kiểm toán đã dẫn đến con số lỗ gấp nhiều lần lợi nhuận kia. Thứ nhất, MPC hợp nhất kết quả kinh doanh trong cả năm tài chính 2008 của cơ sở kinh doanh ở nước ngoài (Mseafood) trong khi kiểm toán chỉ tính hợp nhất kết quả doanh thu từ thời điểm MPC thực sự sở hữu cổ phần của Mseafood (1.6.2008).

Thứ hai, kiểm toán vào cuối tháng 2.2009 nên đã tiến hành xét giá bán hàng tồn kho sau niên độ để làm căn cứ tính dự phòng giảm giá hàng tồn kho vào cuối năm tài chính 2008. Tuy nhiên MPC cho rằng tại thời điểm lập báo cáo quý IV/2008, chưa xảy ra phát sinh đó nên Cty không có giá bán hàng tồn kho để dự phòng giảm giá.

Điểm thứ ba là bất đồng về phương pháp tính trích lập dự phòng giảm giá CK chưa niêm yết. MPC tính theo giá trị sổ sách thực tế đầu tư vì cho rằng các CP đó không có giá trên thị trường tự do hoặc giá không đảm bảo tin cậy. Cty kiểm toán thì lại dựa vào giá tham chiếu của các CTCK hoặc theo giá CP các Cty cùng ngành tại thời điểm kiểm toán.

Dù DN có giải thích cách nào thì báo cáo kiểm toán vẫn là kết luận cuối cùng và bằng chứng là HoSE đã chấp nhận số lỗ, đưa MPC vào "danh sách đen". Xui xẻo cho MPC là con số chênh lệch quá lớn, vượt cả số lãi khiến cảm giác hụt hẫng càng mạnh. NĐT yêu thích MPC đã có tháng 3 ngọt ngào khi giá CP này tăng tới 40%, từ mức 10.000đ/CP lên 14.000đ/CP. Tuy nhiên, khi thông tin trên được công bố, MPC ngày 2.4 đã rớt sàn và bị bán tháo mạnh. Trừ các NĐT "thạo tin", chắc hẳn những ai đã mua vào MPC đúng đỉnh hai ngày qua đang phải "gặm nhấm" nỗi đau mà họ không thể lường trước được.

Mặc dù các chênh lệch kiểm toán trên không xuất phát chủ yếu từ lĩnh vực kinh doanh chính nhưng rõ ràng việc quay ngoắt 180 độ như vậy là điều khó có thể tưởng tượng, trừ "tấm gương" của Bông Bạch Tuyết.

Khoảng mờ trích lập

Những sai lệch số liệu giữa báo cáo do DN công bố và báo cáo kiểm toán có khá nhiều, nhưng chủ yếu là sai lệnh không đến mức làm lợi nhuận âm nặng như MPC. Trước trường hợp này, STB cũng gây sốc khi lợi nhuận sau kiểm toán của ngân hàng này cũng bị "bốc hơi" 133 tỉ đồng: DN báo cáo lãi trước thuế 1.243 tỉ đồng nhưng kiểm toán chỉ chấp nhận lãi có 1.110 tỉ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là phương pháp tính trích lập cho các CK chưa niêm yết. STB cho rằng giá thị trường không đảm bảo độ tin cậy nên tính giá hợp lý của CK bằng cách chiết khấu dòng cổ tức. Đơn vị kiểm toán thì lại tính theo giá thị trường được tham chiếu từ các CTCK.

Tuy nhiên, cũng có một số Cty "né" được các khoản trích lập dự phòng tương tự vì chính đơn vị kiểm toán cũng chịu, không biết lấy giá tham chiếu ở đâu vì có loại CP chẳng tìm thấy CTCK nào giao dịch. Hay như trường hợp của DTT. Cty này có đầu tư vào Xưởng bê tông 620 Bến Tre nhưng đơn vị kiểm toán không thu thập được báo cáo tài chính của đơn vị trên nên không thể xem xét được mức độ lỗ lãi của khoản đầu tư này.

Trong xu hướng mở rộng đầu tư tài chính mà đặc biệt là mua CK, góp vốn liên doanh như thời gian qua, khoản trích lập dự phòng khoản đầu tư với nhiều DN có thể sẽ rất lớn. Với các CK niêm yết, việc xác định giá không khó. Nhưng với CP chưa niêm yết, những khác biệt về cách chấp nhận giá có khoảng cách lớn. Thông thường giá CK trên OTC sẽ được căn cứ vào giá tham chiếu từ các CTCK.

Hiện các quỹ đầu tư như VF1, VF4... cũng đang tính giá trị tài sản ròng (NAV) hằng tuần theo cách này. Tuy nhiên, báo giá của các CTCK chính xác tới mức nào và mang tính đại diện đến đâu cũng là câu hỏi, nhất là với thị trường ảm đạm như vừa qua, OTC gần như đóng băng.

Không chỉ khác biệt về cách tính, ngay cả thời điểm chốt giá để làm căn cứ tính cũng tạo nên sự sai lệch, thậm chí rất lớn. Hay như với những khoản góp vốn nhỏ vào một DN khác, cả DN lẫn đơn vị kiểm toán khó có thể lấy được báo cáo tài chính để tính lỗ lãi khoản đầu tư.

Với NĐT, mục đích cuối cùng là sự minh bạch. Thị trường không sợ thông tin lỗ mà chỉ sợ những gì không ước đoán được hay mang tính bất ngờ. Nhiều DN lỗ nặng vì đầu tư tài chính vừa qua vẫn được NĐT tin tưởng và giá CP vẫn tăng nếu DN đó công bố rõ ràng, minh bạch các khoản lỗ. Nên chăng trong thuyết minh báo cáo tài chính, DN cần công khai các khoản đầu tư, cách thức tính trích lập dự phòng hoặc giải thích vì sao không trích lập để NĐT có cơ sở đánh giá.

Hoàng Nguyên

Lao Động

Các tin tức khác

>   SHC: Thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của cổ đông lớn (02/04/2009)

>   TPC: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2009 (02/04/2009)

>   HMC: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2008 (02/04/2009)

>   SZL: Giải trình các vấn đề chưa thống nhất với kiểm toán (02/04/2009)

>   TTP: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (02/04/2009)

>   ABT: Báo cáo thường niên năm 2008 (02/04/2009)

>   PAC: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (02/04/2009)

>   DXP: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2009 (02/04/2009)

>   Lợi nhuận giảm nhưng chi phí không giảm (03/04/2009)

>   Thâu tóm doanh nghiệp: Vừa làm vừa tính (02/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật