Thứ Ba, 31/03/2009 10:38

Cổ phiếu Than Hà Tu, vì sao giá rẻ?

Mặc dù được đánh giá là cổ phiếu có tiềm năng lớn, nhưng trên thị trường niêm yết, Than Hà Tu (THT) vẫn bị định giá thấp.

Kết quả kinh doanh năm 2008 ấn tượng

Ngành than là ngành kinh tế trọng điểm, cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành kinh tế khác, như điện, giấy, xi măng... Năm 2008, 5 DN ngành than niêm yết trên HASTC đều có tốc độ tăng trưởng tài sản, doanh thu, lợi nhuận cao. Tính bình quân, lợi nhuận sau thuế của các DN này tăng khoảng 77,43% so với năm 2007, trong đó 2 đơn vị tăng lớn nhất là TC6 và THT với mức tăng tương ứng so với năm 2007 là 162,03% và 163,27%. Cổ phiếu của cả 5 DN nói trên đều đạt cả yếu tố tăng lợi nhuận và mức lợi nhuận cao, với tốc độ tăng EPS bình quân ngành là 69,88%. Ấn tượng nhất là thu nhập của NBC lên tới 13.176 đồng/cổ phiếu (năm 2007 là 9.463,6 đồng), hay của THT lên tới 9.037 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh kinh tế năm 2008 có nhiều khó khăn, (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu - ROE) của THT ở mức gần 47% và lợi nhuận thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trên 9.000 đồng là con số mơ ước đối với tất cả các DN. ROE cao một phần được giải thích từ việc Công ty đã vận dụng đòn bẩy tài chính (thể hiện qua tỷ lệ nợ trên tổng tài sản) khá hiệu quả để mang lại lợi suất lớn cho các cổ đông. Với mức ROE của năm 2008, THT thuộc nhóm 5 DN có ROE lớn nhất. Tính trong ngành than, THT đứng vị trí thứ nhất, tiếp sau là TC6, TDN, NBC và TCS.

Ngành than đầy triển vọng

Sản lượng than trung bình toàn Việt Nam là 40 triệu tấn/năm, trong đó 50% được xuất khẩu. Mỗi năm các nhà máy nhiệt điện tiêu thụ khoảng 6 triệu tấn/năm và dự tính sẽ tăng lên 20 triệu tấn/năm đến năm 2020, không chỉ do nhu cầu điện trong nước tăng cao, mà còn do công nghệ lạc hậu của các nhà máy nhiệt điện xây dựng từ những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước tiêu hao rất nhiều nhiên liệu. Bên cạnh đó, những tính toán từ Bộ Công thương cho thấy, các ngành xi măng, giấy, phân bón... cũng có tốc độ tiêu thụ than tăng mạnh, từ 3 triệu tấn hiện tại lên tới 15 triệu tấn vào năm 2025.

Tính đến trước tháng 11/2008, giá bán than cho 4 ngành tiêu thụ than lớn (điện, xi măng, giấy, phân bón) chỉ bằng 38 - 79% giá thành. Tuy nhiên, theo tinh thần Công văn 13564/BTC - QLG của Bộ Tài chính, bắt đầu từ quý II/2009, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã được chấp thuận bán bằng giá thị trường cho 3 ngành sản xuất giấy, xi măng và phân bón.

Bất chấp những thông tin trên, cổ phiếu THT vẫn được định giá thấp hơn so với một số cổ phiếu khác có EPS hoặc ROE tương đương (như FPT có EPS là 9.047 đồng, TC6 có EPS là 8.918 đồng)... Việc định giá thấp như vậy, có thể do những nguyên nhân sau:

Một là, THT trích quá ít lợi nhuận để trả cổ tức. THT trích lợi nhuận bằng 16% vốn điều lệ để trả cổ tức, nghĩa là mỗi cố phiếu nhận được 1.600 đồng. Thoạt nghe tỷ lệ này có vẻ cao, nhưng với EPS 9.037 đồng, tỷ lệ lợi nhuận dành chi trả cổ tức chỉ là 17,7% (1.600/9.037). So sánh với thị giá THT, tỷ lệ chi trả cổ tức chỉ đạt 9,09% (1.600/17.600).

Trên 82 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Công ty đã quyết định trích tới 32 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển (chiếm 38,8%) và 13,6 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng - phúc lợi (chiếm 16,6%). Thông thường tỷ lệ trích chia cổ tức từ lợi nhuận ở mức 50 - 75%. Như vậy, THT trích chia cổ tức quá ít, chỉ bằng 30% lợi tức kỳ vọng.

Trái ngược với THT, Công ty cổ phần Viglacera Đông Anh (DAC) đã công bố trả cổ tức đợt 2 năm 2008 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. Công ty cổ phần Viglacera Từ Sơn (VTS) cũng công bố trả cổ tức đợt 2 năm 2008 với tỷ lệ 50% và cũng bằng tiền mặt.

Hai là, THT hoạt động dưới sự điều tiết và quản lý của TKV. Hiện TKV nắm giữ cổ phần chi phối THT (51%). Hàng năm, Công ty khai thác than theo các hợp đồng ký kết với TKV và giá bán than cũng như phân chia lợi nhuận sẽ do TKV điều phối quyết định. Chính điều này đã làm giảm tính chủ động trong kinh doanh của DN và có lẽ vì thế, THT sẽ kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Ba là yếu tố trữ lượng và công nghệ khai thác. Theo bản cáo bạch của THT, Công ty đang khai thác mỏ lộ thiên trữ lượng 20 triệu tấn than và đang thăm dò hơn 40 triệu tấn nữa. Với sản lượng gần 3 triệu tấn năm 2007, thì chỉ trong vòng 6 năm nữa là trữ lượng mỏ lộ thiên sẽ hết. Việc khai thác than hầm lò sẽ đẩy chi phí lên cao, hiệu quả giảm thấp. Nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu có phải THT đang giữ lại phần lớn lợi nhuận để đầu tư vào công nghệ khai thác hầm lò hay không?

Tóm lại, mặc dù THT được đánh giá là cổ phiếu có tiềm năng lớn, nhưng trên thị trường niêm yết, THT vẫn bị định giá thấp. Riêng nhà đầu tư nước ngoài đã bán hết 5% cổ phần sở hữu THT (455.000 cổ phần) trong vòng 2 tháng qua. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng những lời giải thích thỏa đáng từ ban điều hành trong kỳ đại hội cổ đông sắp tới.

Tống Phi Trường - Trương Trần Dũng - TVSI

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Hội nhập và vấn đề quản trị doanh nghiệp (31/03/2009)

>   DNNY: Chuyển biến khả quan trong quý I/2009 (31/03/2009)

>   Nỗi niềm tháng 3 (31/03/2009)

>   Lo cho ngày đại hội (31/03/2009)

>   DPR: Bổ sung thông tin họp ĐHCĐ 2009 (30/03/2009)

>   PGC: GD cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến tổ chức niêm yết (30/03/2009)

>   HAP: Ngày đăng ký tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2009 (30/03/2009)

>   ASP: Giải trình chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán trong bảng cân đối kế toán (30/03/2009)

>   TCT: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (30/03/2009)

>   GMD: Ngày ĐKCC họp ĐHCĐ thường niên năm 2009 (30/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật