Lo cho ngày đại hội
CTCP Nhựa Bình Mình (BMP) sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 17/4. Chủ tịch HĐQT BMP cho biết, trước khi diễn ra đại hội, BMP sẽ tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài. Cuộc gặp mặt này có thể coi là phiên họp trù bị để đảm bảo ĐHCĐ của BMP sẽ thành công ngay từ lần tổ chức đầu tiên, mà không phải triệu tập lần 2.
Cổ đông nhà nước hiện chiếm 30% vốn cổ phần của BMP, CBCNV chiếm 10%. Với 40% số phiếu, lãnh đạo BMP khó có thể đảm bảo chắc chắn có đủ 65% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự đại hội và cũng khó có đủ số phiếu để thông qua những quyết định lớn cần ĐHCĐ thông qua.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn là các tổ chức đầu tư, chiếm tới 43% cổ phần của BMP. Vì vậy, cuộc họp trù bị với các cổ đông lớn trước đại hội dường như là cần thiết để đại hội diễn ra đúng kế hoạch.
SAM là công ty điển hình mà việc tổ chức ĐHCĐ phải rời lại do mức độ đại chúng hóa của Công ty khá lớn. Tuy chi phí chuẩn bị cho mỗi kỳ đại hội không lớn, nhưng tính sơ sơ cũng phải mất vài chục triệu đồng cho đăng báo lịch họp, thuê hội trường, bố trí nhân sự chuẩn bị cho đại hội… Vấn đề là chừng nào ĐHCĐ chưa được tổ chức thành công thì lãnh đạo công ty còn chưa yên tâm để triển khai kế hoạch kinh doanh đã xây dựng.
ĐHCĐ của REE hôm thứ Sáu tuần trước phải chờ đợi 2 giờ đồng hồ mới đủ số lượng cổ đông cần thiết để diễn ra đại hội. Những công ty có số lượng cổ phiếu lớn, số cổ đông nhỏ chiếm đa số thì ĐHCĐ ngày càng có nguy cơ khó tổ chức thành công ngay trong lần đại hội đầu tiên.
Nhưng việc triệu tập cổ đông lớn họp trù bị cũng chưa hẳn là một phương án được đồng thuận nếu xét từ góc độ của cổ đông nhỏ. Phải chăng như vậy, cổ đông lớn sẽ tiếp cận kế hoạch sản xuất - kinh doanh, nhận định tình hình năm tài chính mới trước cổ đông nhỏ. Với số vốn chiếm áp đảo thì cuộc họp của các cổ đông lớn mới là cuộc họp chính thức quyết định những vấn đề quan trọng, còn ĐHCĐ với sự tham gia của cổ đông nhỏ chỉ là hợp thức hóa những quyết định này. Tuy nhiên, nếu không có sự trù bị trước thì quả là mất thời gian cho một đại hội thành công. Số công ty rơi vào tình huống của SAM sẽ ngày càng nhiều hơn.
Xét cho cùng, quan hệ giữa các cổ đông trong công ty cổ phần là quan hệ đối vốn. Cổ đông lớn có quyền lợi và trách nhiệm lớn hơn cổ đông nhỏ tương ứng với tỷ lệ góp vốn.
Cổ đông nhỏ có quyền lớn nhất là quyền đầu tư hoặc thoái vốn đầu tư thông qua TTCK. Còn cổ đông lớn cần cổ đông nhỏ nếu muốn tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu. Tính thanh khoản cao, giá cổ phiếu ổn định thì khả năng huy động vốn của doanh nghiệp càng lớn.
Như vậy, xét cho cùng, khó có một phương án nào là vẹn cả đôi bề, mà việc đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ xuất phát từ ý thức của cổ đông lớn, từ đó chi phối hành động và quyết định của cổ đông lớn nhiều hơn là các giải pháp mang tính thủ tục hay kỹ thuật.
Một số ĐHCĐ gần đây cho thấy, có nhiều cách để cổ đông lớn qua mặt cổ đông nhỏ hoặc ép cổ đông nhỏ theo ý mình, trong khi vẫn tuân thủ các quy định pháp lý. Vì thế, lo cho ĐHCĐ, ban lãnh đạo công ty (đồng thời là cổ đông lớn) có thể có những biện pháp như gặp gỡ trước các cổ đông lớn, nhưng sẽ là hoàn hảo hơn nếu tài liệu ĐHCĐ được công bố công khai để cổ đông nhỏ có thể tiếp cận thông tin đồng thời. Có nhiều cách để vẹn cả đôi đường, một khi cổ đông lớn thực sự muốn thế.
Thành Nam
Đầu tư chứng khoán
|