Thứ Ba, 31/03/2009 09:56

Nỗi niềm tháng 3

Khi sợ hãi và tiêu cực, nhà đầu tư rẻ rúng nhiều thứ đáng giá. Tháng 3, TTCK toàn cầu có được giai đoạn tươi tỉnh trong bức tranh kinh tế toàn cầu đã, đang và còn tiếp tục xám xịt. Các chuyên gia kinh tế luôn có cách giải thích, dù nghe có thỏa đáng hay chưa.

Tuần qua, 2 quỹ đầu tư đại chúng đình đám nhất tại Việt Nam là VFMVF1 và PRUBF1 tổ chức đại hội nhà đầu tư. Cho dù tổng giá trị tiền mặt và trái phiếu (coi như tiền mặt) của 2 quỹ này đều vượt quá tổng giá trị chứng chỉ quỹ trên sàn và danh mục đầu tư có mức tăng không tệ hơn VN-Index, nhưng giá giao dịch trên sàn HOSE vẫn quá bèo, bằng 50% giá trị tài sản ròng (NAV). Không ngoa khi nói bạn có thể mua cổ phiếu blue-chip với 1/2 giá (hay VN-Index dưới mức 150 điểm) và trái phiếu chính phủ giảm giá 50% bằng việc mua chứng chỉ 2 quỹ trên. Nhưng việc nhà đầu tư không mặn mà với khoản đại hạ giá đó cũng có cách giải thích hợp lý.

Tươi tỉnh!

Rằng có tin chỉ số bán lẻ của Mỹ (nơi dân chúng đang khổ vì chủ nghĩa tiêu dùng) đã khả quan hơn, mang lại sắc xanh cho các TTCK mới nổi. Cả gói hơn 1.200 tỷ USD đổ ra mua nợ xấu tại Mỹ vừa bất ngờ được công bố, kiểu như trên trời rơi xuống, khiến cho TTCK vui cả tuần. Tin 7.500 công nhân của General Motor chấp nhận nghỉ việc và đồng ý nhận trợ cấp thôi việc khiến cổ phiếu này tăng 14% trong phiên liền sau đó.

Trong nước, nhà đầu tư lướt sóng cũng hoan hỉ với khoản lời 10 - 30%. VN-Index hiện trở về mức xuất phát hồi đầu tháng 2/2009, HASTC-Index lên lại “mặt đất”, mức 100 điểm (cũng là điểm xuất phát 4 năm trước). Nhiều chuyên gia tài chính trong nước nhanh chóng kết luận rằng, tiền đã quay lại TTCK và nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực.

Đến đâu?

Báo chí bắt đầu có những con số thống kê thật lạc quan như: chỉ số S&P 500 tăng 11% trong tháng 3/2009, hướng tới tháng tăng điểm mạnh nhất từ năm 1991 (Bloomberg ngày 26/3); chỉ số MSCI của TTCK châu Á - Thái Bình Dương tăng 21%, từ mức thấp nhất trong 5 năm thiết lập ngày 9/3 (Bloomberg ngày 26/3); quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định, suy thoái kinh tế Mỹ đang ở thời kỳ cuối cùng (Reuters ngày 27/3)…

Nước Mỹ dẹp qua tính tự ái của kinh tế tư bản và Chính phủ chấp nhận can thiệp trực tiếp vào kinh tế. Hàng ngàn tỷ USD giải cứu kinh tế, hỗ trợ ngân hàng và mua lại nợ xấu đã được công bố trong 6 tháng qua. Nhưng khoản tiền khổng lồ hơn 1.000 tỷ USD để mua lại nợ xấu được công bố trong tuần qua là không được chờ đợi. Thật vui là khi có thêm tiền đổ vào, màu xanh dễ thương của đồng USD có thể giúp hồi sinh TTCK Mỹ và thế giới nhanh và sớm hơn. Mặt còn lại của mỗi gói cứu trợ khẩn cấp như thế, lại cho thấy tình hình khủng hoảng có thể nguy cấp hơn người ta vẫn hiểu. Ít nhất thì các chính trị gia cũng cho rằng, tình hình vẫn nguy cấp, vẫn phải bơm thêm hàng ngàn tỷ USD.

Giá trị

Đầu tháng 3/2009, cổ phiếu Ngân hàng Citi Group giao dịch dưới 1 USD/CP, giá trị thị trường của ngân hàng hàng đầu thế giới này chỉ là 6 tỷ USD (không lớn gì cho lắm so với giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD của một ngân hàng của Việt Nam như là ACB). Người ta cũng ghi nhận có khoảng 1/2 quỹ đầu tư chứng khoán toàn cầu có nguy cơ đổ vỡ trong năm 2009, riêng một số quỹ đầu tư vào Việt Nam được niêm yết chứng chỉ tại nước ngoài thuộc VinaCapital, Dragon Capital… cũng bị giảm giá gần 50% so với NAV và cũng gặp sức ép thanh lý nhằm chia tiền.

Điều thú vị là ngay trên sàn HOSE, có những doanh nghiệp đáng ra phải phá sản từ lâu do lỗ đến mức cụt vốn hoặc ngưng hoạt động nhiều tháng (trường hợp Bông Bạch Tuyết, Tribeco…) đều đang giao dịch không đến nỗi tệ, đôi lúc còn tốt hơn nhiều so với các quỹ đầu tư như VF1, VF4, BF1. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh có lời ngược lại không mấy thanh khoản, thị giá dưới cả mệnh giá.

Quay lại trường hợp 2 quỹ đầu tư đang niêm yết tại HOSE là VFMVF1 và PRUVF4, báo ĐTCK ghi nhận được có nhiều kế hoạch thu gom chứng chỉ quỹ, chủ yếu là thương lượng giữa các cổ đông lớn, ngân hàng hoặc quỹ đầu tư nước ngoài nhằm thu hẹp khoản giảm giá đến 50% của thị giá và giá trị sổ sách hoặc… giảm vốn hay giải thể để lấy tiền chia nhau. Về nguyên tắc, quỹ đóng như VFMVF1 từng có tiền lệ tăng vốn thì việc giảm vốn cũng có thể thực hiện được, nhưng phải chờ đèn xanh từ cơ quan quản lý. Còn trong lúc này, nhà đầu tư dài hạn coi đầu tư vào chứng chỉ quỹ như đi mua hàng đại hạ giá 50%.

Con đường

Mùa đại hội cổ đông thường niên của doanh nghiệp niêm yết có thể xem như lúc ghi nhận thành tích một năm doanh nghiệp "chiến đấu" trên con đường đã chọn và vạch ra hướng đi mới trên con đường đó. Chẳng thế, mùa đại hội hàng năm, rơi vào trung tuần tháng 3 đến cuối tháng 4, năm nào cũng lắm chuyện để rồi cổ đông… chẳng có chuyện gì để chờ đợi trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 8.

Còn nhớ rằng mới chỉ vài tuần trước, những bộ óc siêu việt về kinh tế toàn cầu như Tổng thống Mỹ, Chủ tịch FED, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ… vẫn còn bi quan về khả năng hồi phục của nền kinh tế và TTCK năm 2009, thậm chí đến năm 2010 và sau đó. Nếu không, gói 1.200 tỷ USD mua nợ xấu của ngân hàng mới đây có lẽ không cần thiết. Nói thế để biết rằng, con đường phía trước của nước Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung còn gian nan, nền kinh tế dựa khá nhiều vào xuất khẩu của Việt Nam càng nhiều thử thách.

Thông điệp

Nhà nước không có chủ trương phá giá VND. Điều này không có lý gì để bàn cãi. Nhưng việc Nhà nước điều chỉnh linh hoạt tiền đồng với xu hướng chung, khi mà các đồng tiền châu Á đã mất 10 - 30% giá trị trong 2 năm qua là điều tất yếu. Và việc điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% mới đây nên được hiểu như việc Việt Nam chấp nhận tiếp cận gần hơn đến phương án tỷ giá linh hoạt chung, điều tối cần thiết để Việt Nam không nhập khẩu thêm lạm phát và tạo lợi thế cạnh trên thị trường xuất khẩu. Cũng vậy, xuất siêu trong 3 tháng đầu năm 2009 có thể kém ý nghĩa một chút khi khoản đóng góp từ việc tái xuất vàng quá lớn, nhưng như thế còn tốt hơn việc Việt Nam chưa giàu mạnh đã là nước nhập khẩu vàng nhất, nhì thế giới.

Rồi chúng ta hiểu gì về việc các đại gia ngân hàng, bảo hiểm, ôtô của Mỹ vẫn chông chênh trên bờ vực tồn tại và phá sản. Chúng ta nghe khả năng Citi Group hay AIG phá sản như một mẩu chuyện góp vui, nhưng có thể đối với người Mỹ thì tin này giống ở ta khi dân tình bán tín, bán nghi rằng, Vietcombank hay BIDV bị như thế.

Kịch bản tốt nhất được chờ đợi hiện nay là khủng hoảng đã đến đáy và kinh tế phục hồi sau năm 2009. Nghĩa là ít nhất còn 9 tháng để hiện thực và từng đó thời gian để quan sát và hành động. Sớm một chút chưa chắc đã hay bằng chậm một chút.

Tâm Thiện

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lo cho ngày đại hội (31/03/2009)

>   DPR: Bổ sung thông tin họp ĐHCĐ 2009 (30/03/2009)

>   PGC: GD cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến tổ chức niêm yết (30/03/2009)

>   HAP: Ngày đăng ký tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2009 (30/03/2009)

>   ASP: Giải trình chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán trong bảng cân đối kế toán (30/03/2009)

>   TCT: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (30/03/2009)

>   GMD: Ngày ĐKCC họp ĐHCĐ thường niên năm 2009 (30/03/2009)

>   VTO: Thay đổi CT HĐQT (30/03/2009)

>   HBD: Thông báo địa chỉ website (30/03/2009)

>   FBT: GD cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến tổ chức niêm yết (30/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật