XD nhà máy điện hạt nhân đầu tiên: Công suất bao nhiêu là “vừa sức”?
Để bảo đảm an ninh năng lượng, cụ thể là điện, Việt Nam có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên tại Ninh Thuận. Dự án này được trình Quốc hội trong năm 2009 và dự kiến phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2020. Tuy nhiên, với tiềm lực khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế của Việt Nam hiện nay, việc xây dựng nhà máy quy mô ra sao là câu chuyện không hề đơn giản.
Một hay bốn tổ máy?
Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch tổng thể dự án xây dựng nhà máy ĐHN với 4 tổ máy có công suất là 4000 MW tại Phước Dinh và Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Việt Nam phấn đấu từng bước nâng tỉ lệ ĐHN đạt mức cân bằng trong tổng sản lượng điện năng quốc gia, tức khoảng 11% vào năm 2025...
Tuy nhiên, nhận định của nhà khoa học nhiều năm công tác tại Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam, GS Phạm Duy Hiển cho rằng, chúng ta nên thận trọng với mục tiêu này. Theo GS, ĐHN xuất hiện ở Việt Nam sau 2020 là hợp lý và cần quyết tâm thực hiện. Nhưng trong lịch sử phát triển ĐHN trên thế giới, chưa có nước nào vào cuộc một lúc với 4000 MW. Trung Quốc là nước thiếu điện nặng nề, có nhà máy ĐHN năm 1991 công suất 300 MW, nhưng sau 17 năm họ mới có thêm 2800 MW. Trong 5 năm đầu phát triển ĐHN, Hàn Quốc cũng chỉ đưa hai nhà máy công suất 1200 MW vào hoạt động. Nên lưu ý rằng tiềm lực công nghệ và hạt nhân của Việt Nam hiện còn kém Hàn Quốc 30 năm trước.
Thế hệ lò phản ứng thế hệ thứ ba được xác định rất khó xảy ra tai họa như tại Chéc-nô-bưn năm 1986, song không thể loại trừ những sự cố hạt nhân ở nhiều cấp độ khác nhau. Xác suất xảy ra sự cố càng cao khi nội lực không tăng theo kịp tốc độ gia tăng đậm đặc số lò phản ứng, như phương án hiện nay của ta.
“So với những nước hiện đang có ĐHN, tiềm lực hạt nhân của Việt Nam chưa có gì đáng nói. Số người am hiểu lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, năng lực nghiên cứu chuyên ngành về ĐHN chưa hề có. Muốn phát điện năm 2020 thì phải động thổ công trình không chậm hơn năm 2015, nghĩa là ngay từ bây giờ chuyên gia cao cấp của ta phải bắt đầu vào cuộc... Theo tôi, trước tiên chỉ nên khởi động một lò phản ứng (tương đương 1000 MW) và tận dụng trường học thực tiễn này để xây dựng hạ tầng, chuyên gia, học cách thực thi pháp luật hạt nhân rồi trong quá trình đó tính tiếp” - GS Phạm Duy Hiển kết luận.
Cũng cần nhắc thêm rằng, một trong bốn lò phản ứng hạt nhân Việt Nam dự kiến vận hành năm 2020 có công suất nhiệt gấp 6.000 lần lò phản ứng đang vận hành tại Đà Lạt. Chất phóng xạ chứa trong lò cũng nhiều hơn hàng nghìn lần. Điều đó buộc tiềm lực KHCN, nhân lực của ta phải tăng mạnh mới đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho các nhà máy ĐHN trong tương lai.
Bài toán nhân lực
Theo PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KHCN), dựa trên các tiêu chí của Cơ quan NLNT quốc tế thì Việt Nam ở mức có thể sẵn sàng đưa ra cam kết về phát triển ĐHN, đang trong giai đoạn có thể sẵn sàng đấu thầu hoặc chỉ định thầu xây dựng nhà máy ĐHN. Để đáp ứng nhu cầu cho chương trình phát triển ĐHN, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nhất là trong đào tạo nhân lực.
Hiện nay nước ta mới có 4 trường ĐH có khoa hay bộ môn về hạt nhân với chương trình đào tạo chưa phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu để đào tạo công nghệ ĐHN. Việt Nam hiện có 10 viện nghiên cứu có điều kiện phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo về hạt nhân nhưng chủ yếu về ứng dụng trong y tế. Nước ta cũng chưa đủ điều kiện đào tạo về công nghệ an toàn ĐHN ở trong nước và nguồn nhân lực này chủ yếu được cử đi đào tạo theo nhiều chương trình khác nhau tại nước ngoài.
Ông Tấn cho biết thêm: Nhân lực thực hiện dự án nhà máy ĐHN cần rất nhiều, có thời điểm là 10.000 người làm việc trên công trường. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này chủ yếu là công nhân và do các nhà thầu xây dựng đảm nhận. Lực lượng này không đáng lo, quan trọng nhất là phải có được đội ngũ lao động nòng cốt làm nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu và hỗ trợ kĩ thuật. Công nghệ ĐHN cho nhà máy đầu tiên chưa được quyết định nhưng Viện NLNT đã có 3 phương án đào tạo cho lực lượng này, dao động từ 650 đến 1.175 người tùy từng công suất của nhà máy sẽ xây dựng. Theo quy định, Nhà nước sẽ phải có chương trình đào tạo phát triển nhân lực hạt nhân đáp ứng các yêu cầu này. Dự kiến cuối năm 2008 thì chương trình này mới hoàn thành để trình Chính phủ.
Rõ ràng, phát triển nhà máy ĐHN là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với nước ta, nhất là đối với ngành KHCN. Những thận trọng, đánh giá đúng tiềm lực nội sinh để từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời là cần thiết trong thời điểm hiện nay.
hà nội mới
|