Thứ Tư, 05/11/2008 06:35

TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

Kéo giảm giá năng lượng mới: Cách nào?

Không công nghệ, không nhà máy sản xuất, không sản phẩm được nội địa hóa là nguyên nhân khiến giá thành đầu tư ngành năng lượng mới tại nước ta đang “ở trên trời”. “Kéo” giá thành này “xuống đất” là điều kiện để ngành năng lượng có thể phát triển nhưng kéo bằng cách nào thì cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp cụ thể.

Điện mặt trời khoảng 35- 40 UScents/kWh

Theo PGS-TS. Đặng Đình Thống, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng mới Đại học Bách khoa Hà Nội, cho đến nay chúng ta phải nhập ngoại tất cả các loại mô - đun pin mặt trời (PMT).

Ước tính tổng chi phí cho một hệ thống điện PMT hoàn thiện khoảng 9.500-10.500 USD/kWp, trong đó chi phí cho dàn PMT chiếm khoảng 50%-55%, bộ ắc quy 10% - 15%, các thiết bị, vật tư vật liệu khác 15% - 20%.

Nhân công chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Giá điện PMT hiện nay vào khoảng 35- 40 UScents/kWh, cao hơn khoảng 8-10 lần giá điện lưới. Mặt khác, trong quá trình sử dụng các hệ nguồn điện mặt trời, cần phải chăm sóc và thay thế định kỳ bộ ắc quy và các thiết bị điện tử có chi phí khá lớn, khoảng 2% - 3% tổng chi phí đầu tư ban đầu cho một năm. Ông Lê Trọng Đỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn chiếu sáng Kim Đỉnh, cho biết: hiện chi phí đầu tư trụ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng nắng và gió khoảng 4.000USD/cột đèn.

Trên thực tế, các dự án PMT được triển khai thời gian qua đều do Chính phủ các nước tài trợ. Điển hình như dự án điện mặt trời ở huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ lắp đặt 110 hệ PMT cho hộ gia đình thuộc các xã trong huyện, mỗi hệ có công suất 50Wp. Tổng kinh phí vào khoảng 1,3 tỷ VNĐ do tổ chức phi chính phủ CODEV Viet-Phap (Pháp) kết hợp với UBND huyện Hạ Hòa thực hiện. 80% tổng kinh phí do CODEV tài trợ, địa phương đối ứng 20%. Hoặc dự án lắp đặt điện mặt trời cho 110 hộ, mỗi hộ 1 hệ công suất 35Wp thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Dự án do Hội liên hiệp Phụ nữ trung ương thực hiện trong các năm 1999-2000. Tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Nguồn kinh phí dự án vay ưu đãi từ Quỹ Rôc-cơ-phen-lơ (Mỹ) và Ngân Hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Điều đáng nói là công nghệ nguồn điện PMT được nghiên cứu, ứng dụng ở nước ta khoảng từ trước năm 1990. Nhưng phải đến sau 1995 thì điện PMT mới được ứng dụng nhiều ở các khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa. Và cho đến nay, tổng công suất lắp đặt trên toàn quốc chỉ khoảng 1,3 MWp.

Rào cản vẫn là thiếu chính sách

Ông Thống cho rằng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có chính sách quốc gia về khuyến khích hỗ trợ các nghiên cứu ứng dụng nguồn điện PMT nói riêng và năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung. Khoảng gần 30%-35% trong tổng kinh phí cho các lắp đặt ứng dụng nói trên có được nhờ các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án hợp tác. Khoảng 40% - 45% số ứng dụng còn lại được thực hiện từ các nguồn kinh phí tự có của các doanh nghiệp cho các ứng dụng phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Phần kinh phí của nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng điện mặt trời trong thời gian qua còn quá khiêm tốn, tản mạn và manh mún.

Có thể nói, nguồn điện PMT phù hợp với điều kiện vùng sâu, vùng xa, nhất là các đảo nhỏ khu vực Đông-Bắc; các xã, bản ở các khu vực vùng sâu vùng xa còn lại chưa có điện lưới bị chia cắt, dân cư thưa thớt, không thể làm thủy điện.

Tuy nhiên, với giá thành khoảng 6-9 triệu đồng cho một hệ thống PMT có công suất 35-70Wp, đủ để cung cấp điện cho 2-3 bóng đèn nhỏ (10-20W), một ti vi đen trắng (14-15W) và một radio nhỏ hoạt động trung bình 4-5 giờ/ngày là quá cao so với thu nhập người dân khu vực trên.

Do đó, nhất thiết phải sớm xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ứng dụng năng lượng tái tạo nói chung và nguồn điện PMT nói riêng. Không có sự hỗ trợ này thì không thể triển khai rộng rãi công nghệ nguồn điện thích hợp với nông thôn vùng sâu vùng xa này. Hiện nay, gần như tất cả các nước phát triển và rất nhiều nước đang phát triển đều đã có chính sách hỗ trợ ứng dụng điện mặt trời. Đã đến lúc nước ta cần phải các chính sách, chiến lược quốc gia về vấn đề này.

Thế nhưng, liên quan đến vấn đề chính sách phát triển năng lượng, ông TS Trần Hồng Nguyên (Vụ Năng lượng Bộ Công thương) cho biết, hiện nước ta đã có chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trong đó đã xác định việc phát triển các dạng năng lượng mới là điều kiện để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng. Tuy nhiên, để có thể ban hành được Nghị định, chính sách cụ thể khuyến khích phát triển ngành này còn phải chờ Bộ Công thương nghiên cứu xây dựng. Dự kiến năm 2009, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định nói trên. Và trong khi chờ có chính sách cụ thể thì việc phát triển ngành năng lượng sẽ còn… ì ạch.

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Siết lại ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài (05/11/2008)

>   Nhiều nước muốn nhập khẩu vú sữa Lò Rèn (05/11/2008)

>   Xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm công nghiệp-du lịch- dịch vụ lớn của cả nước (04/11/2008)

>   PVN không hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí (04/11/2008)

>   Tây Nguyên: Cà phê rớt giá mạnh (04/11/2008)

>   Cho phép nước ngoài đầu tư dự án điện EVN trả lại (04/11/2008)

>   Xuất khẩu đồng loạt xin hạ chỉ tiêu (04/11/2008)

>   Du lịch thất thu vì thiếu khách sạn cao cấp (04/11/2008)

>   Denso đầu tư sản xuất linh kiện ôtô tại Hà Nội (04/11/2008)

>   Cưỡng chế Vedan nộp trên 127 tỷ đồng (04/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật