Xuất khẩu đồng loạt xin hạ chỉ tiêu
Những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khiến xuất khẩu ba tháng cuối năm của Việt Nam gặp khó khăn lớn. Do vậy, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều đồng loạt xin hạ chỉ tiêu và giảm thuế.
Đồng loạt đề nghị hạ chỉ tiêu
Xuất khẩu là một trong hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên thế giới.
Bộ Công Thương nhận định: “Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ suy giảm”. Trước hết, Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nhu cầu của nền kinh tế Mỹ bị thu hẹp, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn trong vòng nhiều năm nay và chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn thế nữa, nguy cơ lan truyền suy thoái kinh tế từ Mỹ và EU sẽ ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam cũng chiếm tỷ trọng kim ngạch lớn. Cụ thể, thị trường EU chiếm khoảng 19,8% và Nhật Bản chiếm thêm 12% tổng kim ngạch của Việt Nam.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương tại cuộc họp với lãnh đạo các hiệp hội, ngành hàng mới đây tại Hà Nội, đã xuất hiện tình trạng một số nhà nhập khẩu Mỹ và EU ngưng đặt hàng. Có trường hợp hợp đồng đã ký thì hoãn xuất hàng hoặc dừng hẳn do tình hình khủng hoảng và thắt chặt tín dụng tại các nước và ngân hàng không chịu bảo lãnh nhập khẩu.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã giảm mạnh trong tháng 10. Cụ thể, nếu so với các tháng đầu năm, giá mặt hàng gạo đã giảm 60%, cà phê giảm khoảng 30%, cao su giảm 55%, giá dầu thô cũng giảm 60%, tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu quí 4 năm nay.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm chủ yếu là do tăng giá và tăng lượng. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt mức 48,67 tỉ đô la Mỹ (tăng13,6 tỉ đô so với cùng kỳ năm trước) thì có tới 6,5 tỉ đô la Mỹ nhờ tăng giá (chiếm 47,8%) và 71,1 tỉ đô la Mỹ do tăng lượng (chiếm 52,2%).
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn thực hiện nốt các đơn hàng đã ký từ trước nhưng vì các lý do nói trên nên hầu hết các hiệp hội, doanh nghiệp đều xin hạ chỉ tiêu xuất khẩu so với mục tiêu đầu năm.
Theo dự tính của ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may năm nay sẽ giảm khoảng 300 triệu đô la Mỹ, tức là mức tối đa chỉ đạt khoảng 9 tỉ đô la Mỹ hoặc 9,2 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn so với dự tính 9,5 tỉ đô la Mỹ.
“Diến biến hiện tại cho thấy không thể tăng hơn được”, ông Giang nói và dẫn chứng trong 20 ngày đầu tháng 10-2008, kim ngạch xuất khẩu dệt may mới đạt 420 triệu đô la Mỹ trong khi dự kiến cả tháng ở mức 820 triệu đô la Mỹ. Những tháng tới xuất khẩu dệt may sẽ còn sút giảm hơn nữa do các đơn hàng từ Nhật và Mỹ đã dừng, chỉ có thị trường châu Âu còn tăng, nhưng điều kiện giao hàng đã khó khăn hơn trước rất nhiều.
Ông Giang lấy ví dụ một đơn hàng của công ty Việt Tiến thông thường kể từ ngày đặt hàng đến ngày giao hàng là một tháng nhưng nay đối tác yêu cầu giao hàng trong vòng 15 ngày, trừ đi các công đoạn chỉ còn đúng 7 ngày sản xuất là một điều kiện rất khó khăn.
Tuy nhiên, trường hợp Việt Tiến là doanh nghiệp có thương hiệu lớn còn đơn hàng, chứ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã cắt giảm 90% số lượng các nhà gia công và nhà cung cấp thì việc doanh nghiệp Việt Nam trụ được trong số 10% còn lại cũng là rất cố gắng. “Tôi dự tính năm tới dệt may sẽ giảm kim ngạch từ 5% đến 7%”, ông Giang lo lắng.
Còn tại Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), theo lời ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch thì ngành cũng không thể đạt đến mục tiêu 4,5 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu mà cao nhất chỉ đạt mức 4,25 tỉ đô la Mỹ như cam kết. Theo giải thích, trong 9 tháng đầu năm với các điều kiện thuận lợi ngành thủy sản mới xuất khẩu được 3,35 tỉ đô la Mỹ, do đó với 3 tháng cuối năm thì con số 1,15 tỉ đô la Mỹ là một thách thức lớn.
Vasep cũng không dám đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu trị giá 5 tỉ đô la Mỹ cho năm 2009 nữa mà chỉ phấn đấu tăng thêm 10% so với năm nay.
Tương tự, lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam cũng chỉ dự tính xây dựng chỉ tiêu năm tới bằng mức xuất khẩu năm nay, nhưng nếu giá tiếp tục rớt và các thị trường có dấu hiệu từ chối vì cắt giảm nhu cầu thì chỉ tiêu này cũng là điều khó nói trước.
Đồng loạt xin cắt giảm thuế
Trong mục tiêu tháo gỡ bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị bỏ thuế nhập khẩu xơ sợi hiện ở mức 3% để bớt chi phí cho doanh nghiệp vì năng lực sản xuất sơ xợi trong nước chỉ vỏn vẹn 3-4% nhu cầu.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng đề nghị mức tăng giá điện chỉ khoảng 3 đến 4% trong năm tới để doanh nghiệp có thể trụ nổi, vì ngoài tiền điện ra họ còn giải bài toán tăng lương công nhân như quy định, nếu không sẽ tiếp tục phải cắt giảm lao động để hạ bớt chi phí trong khó khăn hiện tại.
Về phía Vasep tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước sửa quyết định 09 về việc chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu vay tiền đồng theo lãi suất đô la Mỹ chứ không cho vay ngoại tệ trực tiếp, đồng thời không đánh thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản ở mức từ 35 đến 40% như hiện tại vì sau đó được hoàn thuế, mất thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Điện tử Việt Nam nhân cơ hội này cũng đề xuất thuế nhập khẩu linh kiện từ mức 6-7% xuống mức 0% vì doanh nghiệp xuất khẩu điện tử Việt Nam thực tế rất yếu, do 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng xem ra đề nghị này là khó thuyết phục nhất vì nếu việc điều chỉnh các sắc thuế không tính toán hợp lý, có thể gây thiệt hại cũng như làm lợi không đúng chỗ cho doanh nghiệp, hoặc làm tăng nhập siêu.
Bộ Công Thương dự kiến những việc có tác dụng tốt nhất từ phía cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm khó khăn hiện tại là kịp thời giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, hải quan, nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường cũng như có các biện pháp vượt qua các hàng rào kỹ thuật mà các quốc gia đặt ra để hàng xuất khẩu trong nước rộng đường ra quốc tế.
tbktsg online
|