Giá thép tiếp tục giảm mạnh, tiêu thụ rất chậm
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, sang tháng 11, thị trường thép vẫn tiếp tục trên đà giảm giá, hiện dao động khoảng 10,2 – 10,5 triệu đồng/tấn, chỉ bằng 50% so với thời điểm đầu năm. Mức giá này, theo nhận định của ông Cường, đã ở dưới mức giá thành sản xuất rất sâu, nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn buộc phải bán để “cắt lỗ”, trang trải các chi phí và trả nợ ngân hàng.
Tuy giá giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ thép rất chậm, đến hết tháng 10 là tháng thứ năm liên tiếp, tiêu thụ thép cả nước giảm tới gần 70% so với trung bình các tháng đầu năm. Từ 7-11, mức thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép sẽ được điều chỉnh giảm xuống mức 0%, tuy chậm nhưng sẽ phần nào giảm áp lực đối với các DN thép.
Hiện nay, các DN thép đang tồn đọng khoảng một triệu tấn thép các loại, trong đó, lượng phôi hơn 500 nghìn tấn. Điều này đồng nghĩa với số vốn lưu động khổng lồ (khoảng một tỷ USD) bị “chôn” tại các DN, không còn khả năng quay vòng vốn và tái sản xuất. Hầu hết các DN thép phải thu hẹp sản xuất ở nhiều loại sản phẩm, một số buộc phải đóng cửa.
Đầu tháng 10, trong cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN thép, VSA đã kêu gọi các DN thống nhất không giảm giá thép, giữ ở mức 13,5 – 14 triệu đồng/tấn. Động thái này đã bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phản ứng và yêu cầu VSA phải giải trình việc này có vi phạm Luật Cạnh tranh và Pháp lệnh giá không.
Thực tế diễn biến thị trường cho thấy, biện pháp này chỉ mang tính chất kêu gọi cùng hiệp lực chống lỗ, còn từng doanh nghiệp trước áp lực phải trả nợ ngân hàng, dù giá thấp vẫn phải bán. Thông thường hằng năm, dịp cuối năm là mùa xây dựng, tiêu thụ thép rất mạnh nhưng dự báo, thị trường thép thời gian tới chưa có triển vọng gì khả quan do tốc độ giải ngân các công trình xây dựng còn chậm.
NHÂN DÂN
|