Đầu tư nhà máy điện: Trong chán ngoài thèm?
Trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục kêu lỗ và kiến nghị với Chính phủ cho phép tăng giá bán điện thì các DN tư nhân và cổ phần vẫn thi nhau đổ tiền đầu tư xây dựng nhà máy điện, liệu đây có phải là nghịch lý. Để phần nào làm rõ những điều trên, DĐDN đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Hưng – Phó Tổng GĐ Tập đoàn Hưng Hải xung quanh những sự việc trái chiều này.
- Có nghịch lý không thưa ông khi mà EVN từ chối dự án điện còn DN tư nhân lại lao vào đầu tư ?
Thực ra 2 việc trên là hoàn toàn khác nhau, bởi hiện nay giá bán điện của Việt Nam đang thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, ngoài việc kinh doanh, EVN còn phải phục vụ các nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao như kiềm chế lạm phát, phục vụ các vùng chính sách, miền núi, vùng sâu vùng xa. Nếu tính đúng, tính đủ và cộng thêm các chi phí như phí truyền tải, phí quản lý, phí hạ tầng kỹ thuật, và thất thoát điện... thì với giá bán như hiện nay EVN sẽ khó có lãi, thậm chí lỗ.
Trong khi đó, để huy động tối đa nguồn năng lượng điện phục vụ cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước, chắc chắn một mình EVN không thể tự đảm đương nổi. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa sản xuất điện, trong đó sự chung tay góp sức từ các nhà đầu tư tư nhân là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, đã là tư nhân thì tiêu chí đầu tiên phải là lợi nhuận, do vậy để khuyến khích đầu tư vào ngành điện buộc Chính phủ phải đưa ra một cái giá mua điện sao cho hợp lý nhất. Với giá trung bình khoảng hơn 600 đồng/kW/h mà các nhà sản xuất đang bán cho EVN như hiện nay là vừa đủ để DN duy trì sản xuất và có lãi, trong khi nhu cầu về điện, tức là đầu ra cho sản xuất là rất lớn và lâu dài nên việc các DN tư nhân vẫn đổ tiền để đầu tư vào ngành điện là điều rất dễ hiểu.
- Để tránh lỗ mà không phải tăng giá điện, tại sao EVN không yêu cầu các nhà đầu tư tư nhân chia sẻ bớt những chi phí mà họ đang phải gánh chịu thông qua giá mà EVN đang mua điện ?
Có ba cách để EVN có thể hòa vốn hoặc có lãi trong thời điểm này là giảm chi phí đầu vào, tức là giảm giá mua điện, thứ nữa là giảm chi phí quản lý và cuối cùng là tăng giá bán điện.
Cách thứ nhất, giảm giá mua điện từ các nhà đầu tư tư nhân là không thể thực hiện được trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua các loại nguyên nhiên vật liệu để phục vụ sản xuất đều đồng loạt tăng giá, trong khi giá bán điện cho EVN thì vẫn giữ nguyên nên lợi nhuận của các nhà đầu tư tư nhân đã giảm đáng kể. Nếu bắt họ cùng gánh với EVN một phần chi phí như truyền tải, quản lý, thất thoát... tức là đồng nghĩa với việc giảm giá bán điện của họ cho EVN xuống thấp hơn giá hiện nay, thì các nhà đầu tư tư nhân sẽ lỗ và chắc chắn sẽ không có nhà đâu tư nào dám bỏ vốn để xây dựng các nhà máy điện. Như vậy chủ trương xã hội hóa ngành điện sẽ phá sản và tình trạng thiếu điện sẽ ngày càng trầm trọng.
Cách thứ hai, giảm chi phí quản lý và thất thoát điện thì EVN đã làm liên tục trong suốt những năm qua, nhưng kết quả cũng không đáng là bao.
Vì vậy, cách thứ ba, khả thi và duy nhất lúc này chính là EVN tăng giá bán điện. Tôi nghĩ Chính phủ cùng các bộ ngành sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để có quyết định tăng giá điện vào lúc nào và tăng bao nhiêu cho phù hợp nhằm mục tiêu cao nhất là đảm bảo lợi ích quốc gia.
- Nhiều người cho rằng việc thiếu điện, cắt điện trong thời gian qua là do lỗi của EVN do họ đã không làm tốt nhiệm vụ. Ý kiến của ông thế nào về điều này ?
Tôi cho rằng nhận xét trên là đúng bởi EVN được Chính phủ giao cho dự báo, lập kế hoạch và thực hiện việc phát triển ngành điện cho đất nước, nhưng họ đã không có chiến lược và biện pháp kịp thời nên đã để tình trạng thiếu điện xảy ra. Nhưng với tư cách là một chuyên gia lâu năm trong ngành, tôi cho rằng để làm được điều đó cũng không đơn giản bởi chỉ trong vài năm qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp, nhu cầu về điện luôn tăng đột biến. Các nhà máy sản xuất thép, sản xuất xi măng... mọc lên nhanh chóng, kéo theo sức tiêu thụ điện là rất lớn, trong khi để xây dựng và đưa vào vận hành một nhà máy điện phải mất vài năm, thậm chí lâu hơn nữa nên việc thiếu điện cũng là điều khó tránh khỏi.
-Là một trong những nhà đầu tư tư nhân trong ngành này, ông đánh giá sao về những khó khăn mà DN gặp phải và hướng giải quyết như thế nào?
Có hai vấn đề lớn mà các DN đầu tư tư nhân trong ngành điện mắc phải đó là nhân sự và vốn.
Thời gian qua, Nhà nước đã cho phép thành lập cơ sở đào tạo chính quy và chuyên sâu nên các DN tư nhân đã phần nào khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn trong ngành điện. Hơn nữa chúng tôi cũng đã chủ động tạo ra cơ chế hấp dẫn nên cũng thu hút được chuyên gia giỏi về làm việc cho mình.
Nhưng một vấn đề vô cùng quan trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN và làm đình trệ nhiều dự án sản xuất điện là do thiếu vốn. Đầu tư vào điện vô cùng phức tạp và phải sử dụng một lượng vốn rất lớn. Nhưng trong thời gian qua, nhiều DN đã gặp phải khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng của hệ thống ngân hàng. Chúng tôi mong rằng Chính phủ tháo gỡ cho chúng tôi bằng cách xem xét cho các dự án khả thi được tiếp cận kịp thời với các nguồn tín dụng dài hạn trong và ngoài nước để chúng tôi sớm đưa các dự án vào hoạt động nhằm dần ổn định và điều tiết điện năng.
- Xin cảm ơn ông !
Ông Nguyễn Tiến Hưng là chuyên viên lâu năm và đã từng trải qua nhiều cương vị công tác trong ngành điện như: Cán bộ điện lực Yên Bái, Lào Cai; Cán bộ Ban quản lý Dự án Điện lực khu vực1 (EVN). Hiện ông là Phó Tổng GĐ Tập đoàn Hưng Hải – một DN hoạt động đa ngành và hiện có 7 dự án thủy điện đã được cấp phép, trong đó có 5 dự án đang triển khai có tổng công suất 200 MW với mức đầu tư lên đến gần 250 triệu USD.
diễn đàn doanh nghiệp
|