Thứ Ba, 04/11/2008 14:12

Thị trường nội địa lên ngôi

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã dẫn tới suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, điều này đang ảnh hưởng khá lớn đến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ra thị trường thế giới. Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, không cần đợi đến năm 2009 mà từ đầu tháng 10/2008 đến nay, xuất khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu giảm sút. Nếu 9 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 5,4 tỷ USD/tháng thì trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 5,1 tỷ USD, giảm 300 triệu USD.

Đi tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ông Tuyển cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng, quay lại thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân vốn đang bị bỏ ngỏ là một lời giải tốt cho doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trong bối cảnh hiện nay, mà còn trong tương lai lâu dài.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp dệt may, trong đó có Tổng Công ty May Việt Tiến đang chú trọng đầu tư mạnh vào hệ thống phân phối cũng như lập kế hoạch kinh doanh bài bản tại thị trường trong nước. Thị trường nội địa hiện chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của May Việt Tiến với hệ thống trên 2.000 cửa hàng bán lẻ tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Năm 2008, Tổng công ty còn đầu tư mua thương hiệu thời trang từ nước ngoài để sản xuất hàng sơmi nam, nữ cao cấp bán tại thị trường nội địa. Với mục tiêu trở thành một thương hiệu được ưa thích tại thị trường nội địa, Công ty Dệt may Agtex 28 chuyên xuất khẩu đã liên tiếp mở hàng loạt đại lý, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc…

Dù xuất khẩu không nhiều, nhưng Vinamilk cũng là một trong số ít doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm sản lượng xuất khẩu từ năm 2007 để tập trung nguyên liệu cho sản xuất các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao trên thị trường nội địa. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận năm 2007 của Vinamilk tăng mạnh so với năm 2006. Nhưng quan trọng hơn, khi cơn "bão giá" nguyên liệu đang hoành hành khiến nhiều doanh nghiệp cùng ngành khốn khổ thì Vinamilk lại khá tự tin đối phó vì đã có nguyên liệu trữ sẵn cho sản xuất.

Dù lạm phát hay nguy cơ thiểu phát thì thị trường với hơn 80 triệu dân của Việt Nam vẫn luôn được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là còn độ mở lớn và rất hấp dẫn. Điều tra mới đây của Công ty chuyên nghiên cứu thị trường Taylor Nielsen Sofres (TNS) Việt Nam cho thấy, hơn 60% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng, mức sống của họ sẽ tốt hơn trong thời gian tới. Tầng lớp trung lưu có thu nhập trên 500 USD/tháng chiếm trên 1/3 hộ gia đình ở thành thị. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP. HCM, có trên 90% hộ gia đình có tiền mua sắm ở siêu thị.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức xếp hạng A&T Kearny, Việt Nam là thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất, bởi Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng hàng tiêu dùng lớn thứ 2 ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Giá trị hàng hóa tiêu dùng theo loại hình bán lẻ ở Việt Nam năm 2007 tăng 22%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phát triển kinh doanh tại thị trường nội địa cho rằng, dù còn rất nhiều dư địa, nhưng để thực hiện được cũng không dễ "ngon xơi". Nếu không có nghiên cứu thật cụ thể từ sản xuất đến phân phối theo đúng nhu cầu thị trường nội địa thì doanh nghiệp cũng khó mà tồn tại, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Trao đổi với ĐTCK mới đây, đại diện một số doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, thủy sản, nhựa cho biết, xuất khẩu khó khăn nhưng tiêu thụ nội địa cũng không dễ, doanh thu nội địa trong bối cảnh hiện nay đang suy giảm mạnh, khiến một số doanh nghiệp thuộc các ngành hàng này phải hoạt động cầm chừng và có nguy cơ phá sản.

Tại cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức tại TP. HCM, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp cuộc suy thoái kinh tế thế giới trở nên xấu hơn, Nhà nước cần kích cầu kinh tế trong nước bằng các gói kích thích tài chính và chính sách tín dụng lãi suất thấp. Ông Tuyển cũng cho rằng, để kích thị trường nội địa, chính sách của Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và điều hành chính sách tỷ giá có lợi cho doanh nghiệp cũng là một biện pháp cần nhắm tới.              

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Những lưu ý khi xuất khẩu cao su sang Nhật (04/11/2008)

>   Quảng Trị phát triển thương mại và du lịch (04/11/2008)

>   Khách quốc tế đến Việt Nam tăng thấp trong 10 tháng (04/11/2008)

>   Mổ xẻ yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước (04/11/2008)

>   Việt Nam tham dự Hội chợ Quốc tế La Habana FIHAV 2008 tại Cu-ba (04/11/2008)

>   Khai trương Phòng Thương mại Hồng Công-Việt Nam (04/11/2008)

>   Xuất khẩu lao động: Đài Loan hấp dẫn nhất (04/11/2008)

>   Chung cư Phú Lợi tranh giành nhà để xe với các hộ dân (04/11/2008)

>   Nguy cơ mới đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ (04/11/2008)

>   Các siêu thị, trung tâm thương mại cam kết không tăng giá (04/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật