Thứ Tư, 05/11/2008 06:40

Doanh nghiệp ngành điện tử trước giờ “G” : “Nội” né đối đầu “ngoại”

Theo cam kết khi gia nhập WTO, khoảng 2 tháng nữa Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm, trong đó mặt hàng điện tử (ĐT) được đánh giá là sẽ bị tác động mạnh nhất. Hiện tại, các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng ĐT nội địa đang sốt vó tìm hướng “đối phó”, song lạc quan ít mà ưu tư lại nhiều! Ngược lại, nhiều thương hiệu ĐT ngoại nhập đang bắt đầu “đổ bộ” vào thị trường nội địa.

Cuộc đổ bộ của hàng ngoại

Mấy tháng gần đây, dạo quanh thị trường, dễ bắt gặp những thương hiệu ĐT ngoại nhập, tha hồ cho người tiêu dùng lựa chọn. Một vài khu vực có thâm niên bán lẻ hàng kim khí điện máy như ngã sáu Gò Vấp, ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình)… đã bày bán hàng loạt nhãn hiệu ti vi, tủ lạnh, máy vi tính nhập khẩu với những thương hiệu “lạ hoắc” như Lafen, Ject… với giá khá mềm, chỉ nhỉnh hơn 1 triệu đồng/cái ti vi 14 inches và trên dưới 2 triệu đồng 1 cái tủ lạnh… Có lẽ vì vậy, vào giờ cao điểm, các cửa hàng kinh doanh hàng ĐT khu vực này thu hút khá đông khách hàng bình dân đến mua sắm.

Trong khi đó, khách đến các siêu thị kim khí điện máy nổi tiếng như Nguyễn Kim, Chợ Lớn… như sa vào một mê hồn trận khá hoành tráng với những dòng sản phẩm ĐT đời mới như ti vi LCD siêu mỏng, tủ lạnh hai cửa của các thương hiệu đã có tiếng như Samsung, Tosiba, LG…

Chỉ cần hơn 10 triệu đồng đã có thể sở hữu ngay chiếc ti vi LCD “loại chiến” hoặc chi chừng 4 - 5 triệu đồng là có ngay 1 tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ mới toanh và còn được phục vụ tận nơi. Tình hình cũng tương tự đối với các mặt hàng máy vi tính, điện thoại di động…

Ông Lê Vũ Vương, Phó phòng marketing Siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn cho biết, dù kinh tế đang gặp khó khăn nhưng mãi lực bán hàng của đơn vị vẫn không giảm. Giá nhiều mặt hàng ĐT trong nước và hàng nhập khẩu đang giảm khá mạnh, từ 10% - 30% so với những tháng trước. Bên cạnh đó còn có rất nhiều chương trình khuyến mãi lớn của các DN trong nước nhằm “xả” hàng vào dịp cuối năm, cũng như tránh “chạm mặt” những sản phẩm ĐT đời mới nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia do giá rẻ, mức thuế nhập khẩu thấp.

Các siêu thị, trung tâm điện máy khác cũng cho hay, đã có một số đơn vị nhập khẩu mới liên hệ chào hàng sản phẩm điện máy, điện lạnh có xuất xứ từ châu Âu, Mỹ với nhiều sản phẩm khá độc đáo, chưa từng xuất hiện tại thị trường trong nước. Một “trùm” kinh doanh hàng ĐT tại TPHCM cho hay, hiện đã có một số tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào thăm dò đầu tư lĩnh vực này.

Và như vậy, từ bây giờ đến sau ngày 1-1-2009 – thời điểm thuế suất từ 3% - 5% của hàng ĐT hạ xuống còn 0% theo cam kết WTO - sẽ là cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng với nhiều sản phẩm ĐT giá thấp, song lại là thách thức lớn đối với DN sản xuất hàng ĐT trong nước.

Tránh cạnh tranh trực diện

Theo một lãnh đạo trong Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) điện tử Việt Nam, đến thời điểm mở cửa hoàn toàn theo cam kết của WTO, có ít nhất 20% - 30% DN sản xuất hàng ĐT bị “khai tử”. Đó là những DN quen với lối làm ăn chụp giựt, thiếu bài bản và không đầu tư chiều sâu, dài hạn. Riêng những DN đang có thương hiệu hoặc quy mô tương đối, nếu biết chuyển đổi hướng kinh doanh sản xuất hợp lý sẽ ít bị tác động hơn.

Ông Ngô Văn Vị, Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình (VTB) cho rằng, sắp tới ngành ĐT trong nước sẽ bị ảnh hưởng nặng, do quy mô thường nhỏ lẻ, lại hoạt động phân tán nên không thể hỗ trợ lẫn nhau.

Trong khi đó, những DN nước ngoài lại dày dạn kinh nghiệm, vốn lớn, do đó khi tràn vào có rất nhiều lợi thế. Vì vậy, ngay từ bây giờ DN trong nước phải chuyển hướng bằng cách kinh doanh sản xuất những cái mà thị trường có nhu cầu lớn và tận dụng được nguồn nhân lực trong nước, giá trị gia tăng cao…

Để tránh cuộc đối đầu với các hãng ti vi lớn trên thế giới trước khi tràn vào Việt Nam, cách đây khá lâu VTB đã cắt dần sản phẩm chủ lực trước đây là sản xuất ti vi qua đầu tư vào điện lạnh, máy tính và các dịch vụ, giải pháp phần mềm... “Khi mới chuyển đổi có thể doanh thu DN sẽ không đạt kế hoạch đề ra, nhưng bù vào đó lợi nhuận sẽ khá hơn nhờ ít cạnh tranh. Mặt khác, đây là những lĩnh vực người Việt Nam làm rất tốt mà DN nước ngoài cũng đang cần. Thay vì họ phải nhập khẩu hoặc thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao để sản xuất những sản phẩm này”, ông Vị tự tin cho biết.

Là một DN 100% vốn nước ngoài, nhưng Vũ Hoàng Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty JVC Việt Nam, cũng cho rằng, nếu DN ĐT Việt Nam không sớm chuyển hướng mà cạnh tranh trực diện với các DN, sản phẩm ngoại nhập là xem như… tự sát. Ngay như JVC cũng đang hướng tới giảm nhập khẩu những sản phẩm mà người dân ít sử dụng. Ngược lại, mặt hàng ĐT nào nhu cầu trong nước đang cao thì tiếp tục đầu tư, tăng cường sản xuất…

Việc chuyển hướng sản xuất kinh doanh là cần thiết, nhưng để DN ĐT có thể tự tin và đủ sức cạnh tranh khi hội nhập thế giới, không thể thiếu chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Các DN ĐT đều mong Chính phủ “chiếu cố”, tạo chính sách thông thoáng hơn trong đầu tư sản xuất, đặc biệt là về vốn, thuế… Mặt khác, Việt Nam cũng nên xây dựng “giấy phép con” đối với các mặt hàng ĐT nhập khẩu. Cách làm này cũng giống như Mỹ, EU… cấm những nước nhập khẩu các mặt hàng kém chất lượng, bán phá giá vào khu vực của họ.

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Kéo giảm giá năng lượng mới: Cách nào? (05/11/2008)

>   Siết lại ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài (05/11/2008)

>   Nhiều nước muốn nhập khẩu vú sữa Lò Rèn (05/11/2008)

>   Xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm công nghiệp-du lịch- dịch vụ lớn của cả nước (04/11/2008)

>   PVN không hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí (04/11/2008)

>   Tây Nguyên: Cà phê rớt giá mạnh (04/11/2008)

>   Cho phép nước ngoài đầu tư dự án điện EVN trả lại (04/11/2008)

>   Xuất khẩu đồng loạt xin hạ chỉ tiêu (04/11/2008)

>   Du lịch thất thu vì thiếu khách sạn cao cấp (04/11/2008)

>   Denso đầu tư sản xuất linh kiện ôtô tại Hà Nội (04/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật