Thủ tướng: Nhà nước sẽ "chia lửa" với doanh nghiệp
Bản báo cáo giải trình trước Quốc hội hôm nay (13-11) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói rằng nhà nước đã và đang chuẩn bị những giải pháp mới vì nhận ra sự cần thiết của việc “chia lửa” với doanh nghiệp, giúp họ vượt qua những khó khăn trong đình đốn sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp
Khác với rất nhiều văn bản trước đó từ Chính phủ, bản báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội lần này được đánh giá đã có những nhìn nhận thẳng thắn, bám sát thực tiễn và trực tiếp vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, thay cho những biện pháp mang tính chủ trương, định hướng trước đó.
Trong báo cáo trình Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng mức độ trầm trọng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và chiều hướng suy thoái đang tác động rõ nét đến nền kinh tế trong nước và tác động này nhiều hơn so với dự báo.
Theo đó, từ xuất khẩu đến du lịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp, vay nợ và bảo lãnh nhập khẩu cũng khó khăn. Cụ thể, xuất khẩu những tháng gần đây đã giảm rõ rệt, như tháng 10 thấp hơn mức bình quân 9 tháng 300 triệu đô la Mỹ, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp liên tục giảm từ tháng 6 đến nay. Do vậy, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm tới đã được Quốc hội thông qua và điều chỉnh giảm như đề nghị của Chính phủ.
Chính phủ đã chủ động các biện pháp kích cầu đầu tư thông qua việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng khẳng định việc thực hiện kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ được thực hiện bởi đây là các địa chỉ đã được Quốc hội chọn là trọng điểm trong chương trình giám sát năm 2009.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất, Thủ tướng nhận định: “Đành rằng doanh nghiệp giữ vai trò hàng đầu nhưng không thể tự quyết định tất cả. Nhà nước phải “chia lửa” với doanh nghiệp”. Ông nói rằng, ngoài việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt để đảm bảo vốn và lãi suất phù hợp, Chính phủ sẽ khẩn trương xác định các tiêu chí cụ thể về giảm thuế và giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp, đồng thời thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tướng: “Việc tạm dừng xuất khẩu gạo hồi tháng 4 là cần thiết”
Vấn đề tạm dừng xuất khẩu gạo trong tháng 4 vừa qua được xem là nội dung “nóng” nhất trong suốt hai ngày chất vấn các bộ trưởng tại hội trường nhưng phần trả lời của các bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chưa làm các đại biểu thoả mãn. Do vậy, phần giải trình của Thủ tướng hôm nay cũng dành một nửa nội dung để nói về quyết định này.
Theo ông, ngay từ đầu năm, Chính phủ đề ra chỉ tiêu định hướng điều hành xuất khẩu gạo cho cả năm là 4 đến 4,5 triệu tấn và sẽ được xem xét điều chỉnh vào đầu quí 3-2008. Tuy nhiên, Chính phủ cũng lưu ý tiến độ giao hàng phải phù hợp với việc cân đối nguồn cung trong nước. Trên thực tế, sáu tháng đầu đã ký hợp đồng xuất khẩu 2,4 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá lương thực thế giới lên cao, nhiều doanh nghiệp trong nước lại tăng mua vào để tích trữ cho xuất khẩu, trong khi tình hình diễn biến thiên tai, dịch bệnh trong nước thời điểm tháng 3-2008 còn diễn biến phức tạp, chưa đủ căn cứ để dự báo kết quả thu hoạch. Do vậy, Chính phủ đã quyết định tạm dừng ký các hợp đồng mới để tập trung thực hiện hết các hợp đồng đã giao và cân đối cho nguồn cung trong nước.
“Tóm lại, việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5 và 6 là cần thiết”, ông kết luận.
Sau thời điểm này, Thủ tướng Dũng nói thêm, tình hình sản xuất trong nước bội thu, Chính phủ đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Đến ngày 10-11 các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu được trên 4,5 triệu tấn và đang đàm phán ký tiếp thêm 1,5 triệu tấn giao hàng ngay từ tháng 12 năm nay. Cũng theo Thủ tướng, ước năm nay sẽ xuất khẩu được 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 200 ngàn tấn so với năm trước, đạt kim ngạch trị giá 2,8 tỉ đô la Mỹ (giá xuất khẩu trung bình 600 đô la Mỹ/tấn, tương đương với giá gạo xuất khẩu Thái Lan).
Ông dẫn ra điều tra của Bộ Tài chính, mặc dù chi phí đầu vào cho nông nghiệp tăng mạnh nhưng do giá bán lúa lên cao nên tỷ lệ lãi sau khi trừ đi chi phí đạt trên 85%, tăng đáng kể so với vụ đông xuân năm ngoái (năm ngoái 70%). Vụ hè thu đạt tỷ lệ lãi thấp hơn, khoảng 20%. Tính bình quân cả hai vụ, tỷ lệ lãi vẫn đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, ông nói rằng: “Với thu nhập này thì người trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn, vì điều kiện lạm phát tăng cao.”
Không để vấn đề môi trường chỉ là chỉ tiêu trên giấy
Quốc hội đã dành nửa ngày để các đại biểu tiếp tục chất vấn Thủ tướng về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế chống đỡ với cơn khủng hoảng từ kinh tế toàn cầu. Nhưng thay vì đi vào những vấn đề chất vấn theo nhóm, mang tính tập trung, các đại biểu đặt rất nhiều vấn đề với Thủ tướng, từ việc hỗ trợ cho nông dân, nâng cao chất lượng cán bộ ở doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính, thay đổi luật, chống tham nhũng, giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước... cho đến vấn đề môi trường.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về vấn đề xử lý các doanh nghiệp vi phạm môi trường thế nào để không rơi vào tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”. Người đứng đầu Chính phủ nói rằng: “Xử lý họ là mong muốn nhưng còn phụ thuộc vào các điều kiện khác nữa”. Ông lấy ví dụ như xử lý Vedan còn tính đến các dự án đầu tư trị giá nửa tỉ đô la Mỹ ở đây, tính đến công ăn việc làm (của gần 3.000 lao động), vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
Khi đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi cơ quan nào sẽ là tổng chỉ huy xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường này và số tiền thực hiện việc khắc phục hậu quả môi trường, cải tạo môi trường lấy ở đâu ra, Thủ tướng nói đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc thực hiện quyết định xử phạt Vedan, để họ không xả nước thải ra môi trường. “Việc xử lý ô nhiễm môi trường quan trọng là ngăn chặn vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà để ảnh hưởng đến lâu dài,” ông nói và đưa ra ví dụ về việc Chính phủ mới từ chối cấp phép cho dự án thép vào vịnh Vân Phong (Nha Trang) trị giá gần 5 tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc).
Hay như vấn đề rác thải y tế, Thủ tướng nói cần chia sẻ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương vì phần lớn trong số hơn 1.000 bệnh viện là do tỉnh quản lý. "Điều kiện phân bổ ngân sách như thế nào Quốc hội biết cả, nên rà soát kế hoạch phân bổ ngân sách, Chính phủ không để các chỉ tiêu môi trường “chay", nghĩa là đề ra chỉ tiêu mà không có tiền”.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) rằng Chính phủ có bổ sung thêm 5.000 tỉ đồng vào kế hoạch năm tới để hỗ trợ bà con nông dân hay không, Thủ tướng cho rằng Quốc hội đã quyết ngân sách và Chính phủ không có quyền cùng lúc chi một gói tiền lớn như vậy. Tuy nhiên, hôm 12-11, ông đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chuẩn bị các biện pháp cụ thể hỗ trợ người nông dân và người chăn nuôi, kể cả nguồn kinh phí lấy từ đâu.
Đại biểu Nguyễn Quốc Anh (Đồng Nai) chất vấn Thủ tướng về việc liệu có nên tin vào con số mà Thủ tướng vừa trình bày là hiện nay cả hai vụ sản xuất lúa trong năm, người nông dân lãi đến hơn 60%? Ông cũng bày tỏ sự nghi ngờ về việc dự báo và con số của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định đây là con số mà Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra, có thể ở điều kiện cụ thể thì không đúng nhưng lấy số liệu bình quân ở ĐBSCL nên tin được. Và ông khẳng định rằng không cần lập thêm cơ quan dự báo nào cho Chính phủ ngoài những cơ quan hiện có, bởi vấn đề quan trọng lúc này là nâng cao chất lượng của dự báo chứ không phải số lượng.
Thủ tướng cũng không nói thẳng vào vấn đề nhận trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ đến đâu trong việc điều hành nền kinh tế, với vai trò “nhạc trưỏng” như chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) vì cho rằng trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội đã nói rất rõ bảy nhược điểm của Chính phủ, tức là nhận khuyết điểm và phần trách nhiệm cụ thể của Chính phủ.
Ngoc Lan
“Tập đoàn Điện lực EVN năm nay đạt tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 3% do giá điện chưa tăng. Nhà nước cũng không bù lỗ cho họ mà họ phải bù chéo giữa các công ty”, Thủ tướng nói và nhận định độc quyền của ngành điện là độc quyền tự nhiên từ khi hình thành đến nay. Vấn đề là sắp tới Chính phủ sẽ đề nghị tách truyền tải và phân phối điện riêng nhưng nhà nước vẫn độc quyền phân phối và bán điện để kiểm soát được giá bán, đảm bảo cho kinh tế và an sinh xã hội.
tbktsg online
|