Thanh Hóa phấn đấu nâng cao sức cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu
Có ba vùng kinh tế với nguồn hàng hóa nông, lâm, thủy sản dồi dào, đa dạng, lao động cần cù và nhiều ngành, nghề thủ công truyền thống là thế mạnh của Thanh Hóa phát triển hàng xuất khẩu. 10 15
Thị trường chưa ổn định
Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh phát triển năng động, cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm sau cao hơn năm trước và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu nhập xã hội. Năm 2006, giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt 133,67 triệu USD, đến năm 2007 tăng lên 170,5 triệu USD và dự kiến năm 2008 xuất khẩu đạt 212 triệu USD.
Trong số 40 mặt hàng, nhóm mặt hàng xuất khẩu đi 29 nước, vùng lãnh thổ có một số mặt hàng đạt giá trị lớn như dụng cụ thể thao, hàng may mặc, đá ốp lát, thịt lợn, thủy sản đông lạnh.
Ðứng đầu là nhóm hàng dệt may, ước đạt 50,2 triệu USD, chiếm 28% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là sản phẩm đá ốp lát đạt khoảng 28 triệu USD.
Tuy nhiên, cạnh đó mặt hàng cói nguyên liệu giá giảm mạnh, đời sống hàng vạn hộ sản xuất các sản phẩm từ cói gặp khó khăn.
Những tháng cuối năm 2008, thị trường tiêu thụ lạc nhân, sản phẩm đá ốp lát chững lại. Một số doanh nghiệp (DN) tồn đọng sản phẩm trị giá hàng chục tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Thanh Hóa vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước, kim ngạch mới đạt khoảng 46 USD/người/năm.
Từ năm 2006 đến 2008, Thanh Hóa có thêm 23 thị trường xuất khẩu mới nhưng bạn hàng lớn nhất của các DN xuất khẩu Thanh Hóa là các thương nhân, DN Trung Quốc, chiếm 38% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, sức mua giảm sút, sản xuất nguyên liệu, gia công, sơ chế cây cói ở Thanh Hóa lâm cảnh khó khăn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội đá Thanh Hóa thông tin thêm: Các DN Trung Quốc có tiềm lực mạnh, mức độ liên kết cao đang chiếm lĩnh thị phần đá ốp lát của một số nước từng là bạn hàng truyền thống của các DN Việt Nam. Thí dụ trên thị trường châu Âu, đá ốp lát của Trung Quốc có giá bán khoảng 2 USD/m2, chỉ bằng một phần tư giá bán của các DN xuất khẩu Thanh Hóa.
Năng lực cạnh tranh còn yếu
Thanh Hóa có 96 DN xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, chiếm 2,2% trong tổng số hơn 4.350 DN trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, một số DN chủ lực đang trong quá trình chuyển đổi, giải thể; 42 DN xuất khẩu chưa ổn định.
Nhìn chung, DN xuất khẩu có tăng trưởng về số lượng nhưng năng lực, quy mô còn nhỏ bé, chưa xác định được chiến lược đầu tư, tạo dựng thương hiệu. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tuy phong phú nhưng chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh của các DN hạn chế, mức độ liên kết không cao.
Ðến nay, Thanh Hóa chưa có DN được xếp hạng DN xuất khẩu uy tín của cả nước. Một số DN từng là đơn vị đứng đầu của ngành hàng xuất khẩu, nhưng sau cổ phần hóa hoạt động yếu kém, có DN thua lỗ kéo dài, vi phạm pháp luật. Do chưa có DN chủ lực giữ vai trò điều tiết, hoạt động của các hiệp hội nghề nghiệp, ngành hàng mờ nhạt. Trong giới kinh doanh, có tâm lý mạnh ai người ấy lo tìm bạn hàng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nảy sinh hiện tượng tranh mua, tranh bán.
Thêm vào đó, hàng xuất khẩu của các DN ở Thanh Hóa hiện nay chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm mới qua sơ chế nên giá trị không cao. Ngoài nhóm hàng xuất khẩu thô như lạc, cói, sắn lát, mủ cao-su, hải sản đông lạnh, các mặt hàng qua sơ chế, bán thành phẩm có hàm lượng công nghệ không cao như cói, kén tằm, tinh bột sắn, hàng mây tre đan. Chủng loại thủy sản phong phú, nhưng khâu bảo quản sau khi đánh bắt còn theo phương thức thủ công, nên thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản qua chế biến đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Riêng ngành may mặc, 80% số DN làm hàng gia công cho nước ngoài, giá trị gia tăng chỉ đạt 20% và sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Trong tương lai, tỉnh đặt hy vọng vào một số dự án sản xuất hàng xuất khẩu lớn đang triển khai như chế biến Ferocrom, men thực phẩm, đóng tàu để tạo "cú hích". Tuy nhiên, các dự án này tiến độ thực hiện quá chậm. Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu
Cùng với việc ban hành một số chính sách như hỗ trợ DN áp dụng công nghệ mới, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, tỉnh Thanh Hóa còn có hình thức khen thưởng xuất khẩu, hỗ trợ đào tạo lao động, dành từ hai đến ba tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Từ năm 2006 đến nay, 11 đề tài, dự án khoa học công nghệ có tổng kinh phí 3 tỷ 659 triệu đồng đã được triển khai, ứng dụng phục vụ chương trình xuất khẩu. Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ đào tạo tay nghề cho 13.300 lao động tại các DN, địa phương và đưa vào hoạt động Cổng thông tin thương mại DN, nhằm giúp các DN quảng bá thương hiệu, giao dịch qua mạng internet.
Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng còn thực hiện chính sách ưu tiên cho vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, phục vụ xuất khẩu. Ðến giữa năm 2008, tổng dư nợ tín dụng xuất khẩu đạt gần 230 tỷ đồng, trong đó có hơn 136 tỷ đồng cho vay xuất khẩu hàng hóa.
Ông Ngô Xuân Nhân, Trưởng Văn phòng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa khẳng định: Cái gốc của xuất khẩu là sản xuất, sau đó mới đến yếu tố thị trường. Thời gian tới, Thanh Hóa cần thực thi đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất gắn với chế biến sâu. Ðể đạt mục tiêu xuất khẩu 350 triệu USD vào năm 2010, Thanh Hóa cần coi trọng công tác dự báo, khảo sát thị trường, chỉ đạo phát triển sản xuất, chế biến các nhóm hàng, ngành hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, từng bước nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Nhóm giải pháp hỗ trợ người sản xuất, các DN thu mua, chế biến xuất khẩu cũng phải được triển khai theo cơ chế "một cửa liên thông". Trong đó, chú trọng hỗ trợ DN xây dựng một số thương hiệu hàng hóa, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề, cảng biển, kho vận, chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng, nhất là các đối tác nước ngoài, phát triển thị trường mới. Từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hiệp hội, thắt chặt mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bản thân các DN, địa phương cần chủ động tìm cho mình hướng đi, cách làm hiệu quả.
Mai Luận
Nhân dân
|