Đồng Nai:
Phân bón không tan, dân "tán gia bại sản"
Mua phân về bón cây, tới mùa thu hoạch, trái rụng đỏ vườn. Phân bón ngâm dưới đất, ngập trong mưa, mà chẳng tan. QLTT lấy mẫu xét nghiệm, phân nào cũng đạt chất lượng.
Dân "khóc ròng" vì phân bón
Bà Nguyễn Thị Sáu (ấp 1 xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, Đồng Nai) - khách hàng "thủy chung" của đại lý phân bón Nam Hà (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) - cho biết: "Nửa tháng trước, tôi ra đại lý này mua 10 bao phân lân, 3 bao urê, 3 bao phân Con cò vàng về rải cho cây.
Từ đó đến nay, mưa tầm tã mà đống phân bón vẫn không tan...". Theo đội QLTT số 9 (Chi cục QLTT Đồng Nai), có rất nhiều đơn thư kêu cứu của dân huyện Tân Phú về phân bón. Nhà vườn ở Tân Phú, ít thì mỗi vụ cũng đầu tư 30-40 triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu, nên thiệt hại không nhỏ.
Có lẽ may mắn nhất là nông dân ấp 3 xã Tà Lài. Tháng 7.2008, người dân ở đây mua tổng cộng 800 bao phân Cahumate do chính nhân viên Cty P.H (TPHCM) giao tận tay. 3 tháng chăm bón, chất lượng phân bón lúc này mới "lộ diện". Trong lá đơn xin khắc phục hậu quả gửi công an xã Tà Lài mới đây, nhân viên Cty P.H xin thu hồi lại phân bón và "xin" bồi dưỡng cho dân, cứ 100 bao phân bón là 5 triệu đồng.
Phân bón đạt chất lượng, sao cây tàn?
3 tháng trước, UBND huyện Tân Phú đã kiểm tra 11 điểm, kết quả giám định của Trung tâm 3 (TPHCM), chỉ 1 cơ sở Bội Thu (ấp Phú Bình, xã Phú Thành) có mẫu phân NPK Con ó không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Phân không dỏm sao bón cây lại tàn? Đổ lỗi cho nông dân thiếu kinh nghiệm với hàng chục năm trồng cây, thì khó thuyết phục. Đổ lỗi cho đại lý phân bón thì lời giãi bày của ông Tô Nam (chủ đại lý phân bón Nam Hà) cũng có cơ sở: "Tôi sống ở đây bằng nghề này, mặt mũi nào mà mua bán phân bón dởm. Tôi toàn lấy phân bón ở các Cty, đại lý lớn có uy tín".
Đổ lỗi cho nơi sản xuất, thì kết quả giám định 7 mẫu phân bón lấy tại đại lý Nam Hà đều đạt chất lượng. Kết quả giám định 6 cơ sở kinh doanh phân bón khác ở Tân Phú, các mẫu phân bón vẫn đạt chất lượng, chỉ vi phạm về nhãn mác hàng hóa.
Phát hiện của PV, cũng chính là băn khoăn của ngành chức năng huyện Tân Phú, chính là việc lấy mẫu phân bón đi giám định. Đa phần mua phân bón về 3-4 tháng sau dân mới phát hiện ra có vấn đề, nhưng ít ai giữ được phân bón để giám định.
QLTT chỉ còn cách đến lấy mẫu phân bón cùng loại, cùng hãng ở đại lý rồi gửi kiểm tra trong khi lô hàng đại lý bán cho dân không đạt chuẩn, có thể đã hết ngay từ đầu vụ. Nên kết quả giám định, không hẳn có giá trị với phân đã bón xuống vườn nông dân.
NGÔ SƠN
LAO ĐỘNG
|