Phát triển bền vững hạ tầng viễn thông bằng cách nào?
Thế nào phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia? Những giải pháp cụ thể là gì? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với vấn đề rất mực quan trọng này? Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đã trả lời rất rõ ràng tại cuộc trực tuyến ngày 11/11/2008.
8 yếu tố then chốt
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, trước hết, hạ tầng viễn thông này phải là cơ sở hạ tầng hiện đại đồng bộ, băng thông rộng, tốc độ cao, vùng bao phủ rộng.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng đó phải cung cấp đầy đủ các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân.
Thứ ba, chất lượng dịch vụ phải ổn định và đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia.
Thứ tư, giá cước của tất cả các dịch vụ trên nền hạ tầng đó phải hợp lý và phù hợp với thu nhập để đảm bảo quyền truy cập của mọi người dân.
Thứ năm, sự phát triển của hạ tầng viễn thông phải gắn liền với việc giảm khoảng cách số, giảm sự khác biệt giữa các vùng miền.
Thứ sáu, phát triển cơ sở hạ tầng phải gắn với việc bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên viễn thông.
Điều quan trọng thứ bảy là cơ sở hạ tầng đó phải tuyệt đối an toàn, an ninh thông tin.
Và cuối cùng, hạ tầng cơ sở viễn thông của một quốc gia phát triển bền vững nghĩa là nó bảo đảm được sự phát triển ổn định của thị trường viễn thông, trên cơ sở hài hoà lợi ích của xã hội, doanh nghiệp và người sử dụng.
3 giải pháp đồng bộ
Tuy nhiên, để "hiện thực hóa" được những yêu cầu trên, ngành viễn thông Việt Nam phải thực hiện những giải pháp đồng bộ như sau:
Một là, hoàn thiện môi trường pháp lý và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về viễn thông và Internet.
Môi trường pháp lý về viễn thông và Internet ở VN cần tiếp tục hoàn thiện những hệ thống văn bản pháp luật, nhằm phát huy nội lực, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Ngoài ra, Luật Viễn thông và các quy định về an toàn, an ninh thông tin cũng là những yêu cầu cấp bách cần sớm hoàn thiện và ban hành.
Nâng cao hiệu lực, quản lý nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về viễn thông và Internet từ trung ương đến địa phương, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên trách về viễn thông, tần số vô tuyến điện, Internet và an toàn, an ninh thông tin.
Hai là, xây dựng cơ chế chính sách và thực thi pháp luật để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và Internet:
Cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet: Quy hoạch số lượng doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: phát triển thị trường lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn, duy trì và mở rộng kinh doanh; tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên viễn thông và các nguồn lực quốc gia.
Có cơ chế, chính sách cấp phép phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bán lại dịch vụ, cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị, dịch vụ Internet trên cơ sở hạ tầng mạng lưới đã được đầu tư; phát triển hạ tầng mạng nội hạt để cung cấp các dịch vụ truy cập băng rộng, kết nối mạng máy tính, tận dụng cở sở hạ tầng sẵn có (truyền hình cáp, thông tin trên đường dây điện lực…) để cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet kết hợp với các dịch vụ khác.
Giá cước, phí và lệ phí: Thực hiện việc cân đối lại giá cước dịch vụ viễn thông và Internet trên cơ sở giá thành và quan hệ cung cầu trên thị trường. Từng bước điều chỉnh giá cước các dịch vụ hiện nay còn thấp hơn giá thành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Từng bước điều chỉnh giá cước kết nối và giá cước thuê kênh giữa các doanh nghiệp trên cơ sở giá thành. Xác định rõ phần đóng góp cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong giá cước kết nối.
Tiêu chuẩn, chất lượng mạng lưới và dịch vụ: Đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực viễn thông và Internet phù hợp với pháp luật Việt Nam, thông lệ và quy định quốc tế. Tăng cường quản lý chất lượng mạng lưới, dịch vụ viễn thông và Internet thông qua hình thức công bố chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng hoặc do các doanh nghiệp viễn thông và Internet tự nguyện áp dụng. Tăng cường quản lý chất lượng thiết bị đầu cuối, thiết bị thông tin vô tuyến điện và các thiết bị khác có khả năng gây nhiễu cho thông tin vô tuyến điện thông qua các hình thức: công bố phù hợp tiêu chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn, thừa nhận lẫn nhau (MRA), quản lý tương thích điện từ trường (EMC).
Kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet: Xây dựng và ban hành quy định về kết nối mạng viễn thông công cộng nhằm tạo thuận lợi cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận kết nối giữa các doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá năng lực mạng lưới và các cơ chế kinh tế, tài chính phục vụ cho việc thực hiện kết nối và giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp. Khuyến khích sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet bao gồm: vị trí lắp đặt thiết bị kết nối, thiết bị trung chuyển, ống cáp, bể cáp, cáp, sợi cáp, cột trụ ăng ten, thiết bị phụ trợ trong nhà và các phương tiện khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông thuê hạ tầng của các ngành khác như truyền hình, điện lực để thiết lập mạng cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.
Tài nguyên viễn thông và Internet: Quy hoạch tài nguyên viễn thông và Internet trên cơ sở đảm bảo đầu tư, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả. Ưu tiên quy hoạch và phân bổ tài nguyên cho công nghệ, dịch vụ mới như Internet thế hệ sau, thông tin di động thế hệ mới, truy nhập vô tuyến băng rộng… Nghiên cứu thử nghiệm các hệ thống tài nguyên mới như Ipv6, ENUM… nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển nhanh của mạng lưới và dịch vụ. Từng bước nghiên cứu, xem xét áp dụng các cơ chế giữ nguyên số thuê bao khi chuyển mạng (number portability), cơ chế chọn trước nhà khai thác (carrier pre-selection) đường dài trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ.
Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin: Xây dựng và hoàn thiện các quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông và Internet. Xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống ứng cứu, khắc phục sự cố máy tính và phòng chống tội phạm trên mạng. Áp dụng các công nghệ và giải pháp kỹ thuật mật mã làm tăng độ tin cậy, an toàn cho các giao dịch trên mạng viễn thông và Internet.
Thực thi pháp luật: Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh viễn thông và Internet, đặc biệt các hoạt động liên quan đến kết nối mạng, giá cước, chất lượng dịch vụ. Áp dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ, đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động kinh doanh lậu trong lĩnh vực viễn thông và Internet. Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và internet. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và Internet theo quy định hiện hành.
Và điều mấu chốt cuối cùng là đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, với những việc làm cụ thể như: Triển khai tích cực hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nhằm phân định rõ việc kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010 nhằm từng bước nâng cao mức độ phổ cập dịch vụ và giảm khoảng cách phát triển về viễn thông và Internet giữa các vùng, miền trong cả nước. Thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet cho các cơ quan Đảng, Nhà nước để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và độ an toàn thông tin đối với mạng viễn thông chuyên dùng của Đảng, Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thắng lợi.
H.C (tổng hợp)
vietnamnet
|