Thứ Ba, 11/11/2008 22:50

Mở cửa thị trường phân phối: nỗi lo trước giờ G

Theo cam kết WTO, từ khi gia nhập, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp (DN) phân phối liên doanh với tỷ lệ vốn góp đến 49%, từ 1/1/2008 là không hạn chế tỷ lệ vốn góp và đặc biệt từ 1/1/2009 cho phép thành lập DN phân phối 100% vốn tại Việt Nam. Đây là thời điểm đánh dấu sự mở cửa hoàn toàn đối với thị trường phân phối.

Vẫn còn những điểm "hở"

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, các văn bản quy định, hướng dẫn về thực thi cam kết WTO trong lĩnh vực phân phối đã được ban hành khá đầy đủ. Về cơ bản đây có thể xem là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và DN khi đầu tư vào đây phải đáp ứng các tiêu chí do các cơ quan quản lý đưa ra.

DN nước ngoài vào thị trường Việt Nam được tự do lập cơ sở thứ nhất sau khi đáp ứng được các tiêu chí là: số lượng các cơ sở bán lẻ trên địa bàn; sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư, sự phù hợp quy hoạch... Các địa phương cũng dựa trên các tiêu chí này để cấp phép.

Tuy nhiên, một chuyên gia phân phối cho biết, lo ngại cũng nảy sinh từ đây, do hầu hết là quy định chủ yếu là định tính. Khi các địa phương cấp phép, nếu không có một sự nhạy cảm và "nhìn xa", mà chỉ muốn thu hút được vốn đầu tư thì những yếu tố định tính lại có thể rất dễ vượt qua. Và chuyện này sẽ xảy ra trong thực tế khi các DN phân phối 100% vốn vào Việt Nam nhiều hơn khi quyền cấp phép trong lĩnh vực phức tạp này lại thuộc về địa phương - nơi vốn được xem là chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý.

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Tuyết Hoa - Vu phó Vụ Kế hoạch thừa nhận, cấp phép hiện nay do địa phương làm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều lỏng lẻo. Cần nhìn nhận vấn đề ở đây là không chỉ khuyến khích đầu tư mà còn phải mở cửa dịch vụ phân phối cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, bà Hoa cũng chỉ ra một điểm hở cần chú ý, theo các quy định việc bán hàng của doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ phân phối là hai vấn đề khác nhau. Hiện nay, các DN đầu tư nước ngoài có sản xuất tại Việt Nam được quyền nhập khẩu hàng để bán. Vậy các DN này có được bán hàng trên hệ thống bán sản phẩm của họ có sẵn trước đây hay không?

Đặc biệt, có một kẽ hở lớn rất có thể sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng để vượt qua các rào cản kỹ thuật đó là sử dụng hình thức nhượng quyền thường mại. Luật quy định nhà đầu tư nước ngoài khi mở điểm phân phối thứ hai phải xin phép và được chấp thuận. Tuy nhiên, họ có thể thực hiện việc nhượng quyền thương mại, đưa thương hiệu, công nghệ.. tham gia vào thị trường phân phối dưới danh nghĩa một công ty trong nước. Và về lâu dài sẽ có những cách khác để họ có thể nắm quyền thực chất hơn mà không cần phải giải trình về các điều kiện như yêu cầu mở thêm một điểm mới.

Vấn đề này càng trở nên đáng ngại đối với những lĩnh vực nhạy cảm mà Việt Nam kéo dài thời gian mở cửa hay loại trừ vĩnh viễn không mở cửa. Tuy nhiên, ngay cả đối với các DN Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không mở cửa theo cam kết, số liệu thống kê không chính thức cho thấy, hiện có khá nhiều DN trong ngành dược đã bán tới 30% cổ phần cho các tập đoàn nước ngoài. Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và một số DN ngành hàng khác cũng không loại trừ có thể họ đã và sẽ bắt tay với DN nước ngoài vì luật không cấm…

Và trong cả hai trường hợp trên, sự hiện diện của nước ngoài là không thể chối cãi và một khi họ trở thành cổ đông lớn trong các DN này thì mọi quy định về hạn chế hay loại trừ đều bị vượt qua.

Quy hoạch là gốc rễ

Trước những vấn đề này, ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước cho rằng đã có sự chuẩn bị về cơ bản. Tuy nhiên, có những phát sinh mới trong thực tế thì cần phải có sự liên hệ, thống nhất để trao đổi giải quyết. Chuẩn bị cho ngày 1/1/2009, Bộ Công Thương sẽ thành lập một tổ phối hợp công tác giữa các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề cần thiết.

Ông Xuân cũng nhấn mạnh đã có cam kết và có các văn bản quy định hiện thực hóa các cam kết đó. Đó là thông điệp nói với các nhà đầu tư rằng, sự hiện diện thương mại ở Việt Nam buộc phải có các điều kiện và họ phải thoả mãn các điều kiện đó. Cam kết cho phép chúng ta có quyền đặt ra các tiêu chí và nhà đầu tư phải đáp ứng. Đây là cách mà nhiều nước đã làm. Vì thế, có thể nhà đầu tư trong nước được làm nhưng nhà đầu tư nước ngoài không được làm mà không thể thắc mắc.

"Tất nhiên, điều này không có nghĩa các DN trong nước muốn làm sao cũng được mà quan trọng là các DN phải mạnh lên. Nếu chuẩn bị tốt chắc chắn chúng ta sẽ không đến nỗi mất bình tĩnh"- ông Xuân khẳng định.

Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng các địa phương phối hợp rà soát và xây dựng các quy hoạch về phân phối, thương mại. Đến cuối quý 1/2009 sẽ hoàn thành để phê duyệt. Theo đó, Bộ sẽ thực hiện các quy hoạch lớn, các vùng trọng điểm, cơ sở mang tầm cỡ quốc gia, địa phương thực hiện chi tiết, cụ thể. Làm sao quy hoạch của địa phương và của Bộ không trái nhau. Có quy hoạch là cơ sở quan trọng để định hướng phát triển thị trường phân phối, kêu gọi DN trong nước hợp lực để phát triển, cạnh tranh tốt hơn.

"Với sự chuẩn bị như thế, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN và nhà quản lý đã nhận thức được vấn đề. Cái lo bây giờ không phải là không có sự thống nhất, rồi đến lúc nào đó mỗi nơi nói một kiểu, các vấn đề cụ thể sẽ rất khó giải quyết"- ông Xuân nói.

Phước Hà

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Đắc Lắc: Lượng cà phê xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp giảm đáng kể (11/11/2008)

>   Các tổ chức kinh tế Nhật Bản đóng góp quan trọng tại VN (11/11/2008)

>   Marketing thời khủng hoảng (11/11/2008)

>   Cacao Việt Nam có tiềm năng sản xuất đạt giá trị 200 triệu USD (11/11/2008)

>   Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ (11/11/2008)

>   Kích cầu tiêu dùng nội địa: Nhà nước-doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay (11/11/2008)

>   Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp liên danh triển khai công nghệ 3G (11/11/2008)

>   Cộng hoà Séc sẽ là đối tác quan trọng, cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào Liên minh Châu Âu (12/11/2008)

>   VIFF 2008: Quảng bá sản phẩm dệt may tới người tiêu dùng trong nước (11/11/2008)

>   Giá xăng giảm không đủ sức kéo giá hàng hóa hạ theo (11/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật