Thứ Ba, 11/11/2008 22:18

Marketing thời khủng hoảng

Chuyên gia Nguyễn Trần Quang trao đổi về chiến lược marketing của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay

Chuyên gia marketing Nguyễn Trần Quang có bề dày kinh nghiệm qua tư vấn xây dựng và phát triển các thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Dệt Thái Tuấn, cà phê Trung Nguyên, cà phê G7, Bia Saigon Special, nước tăng lực Number 1, tã giấy Bino, sữa Elovi, Vinamilk, nước hoa Miss Saigon, đồ hộp Hạ Long, bia Bến Thành, bia Laser….

PV: Ông đánh giá như thế nào về marketing của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Trần Quang: Trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước hơn 10 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể. Về mặt tiếp thị, nhiều thương hiệu mạnh đã nổi lên. Và những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam hiện nay đều có những chiến lược, phương thức làm marketing, làm tiếp thị khá độc đáo. Có những thương hiệu nhỏ nhưng cũng đã được người tiêu dùng biết đến qua cách làm marketing của họ.

Tuy nhiên để có thể vươn ra thế giới như mong muốn phát triển nền kinh tế trong thời toàn cầu hóa này, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ còn phải có một tầm cao mới về mặt hiểu biết. Cần phải hiểu thị trường thế giới, thị trường ngoài địa phương mình, vươn ra khỏi đất nước. Thời gian qua, hàng hóa của chúng ta đến các thị trường châu Á xung quanh, hay cả thị trường Hoa Kỳ, thì hầu hết chúng ta xuất khẩu dưới mô hình làm cho thương hiệu của người khác chứ không phải của chúng ta (tức là chỉ làm gia công, rồi xuất khẩu với thương hiệu nước ngoài).

Cho nên theo tôi, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý 3 góc độ: Thứ nhất, sản phẩm phải tốt. Thứ hai, phải xây dựng được hệ thống phân phối. Thứ ba là các hoạt động marketing và quảng bá. Làm được như vậy sẽ có hướng phát triển bền vững.

PV: Thưa ông, đã có lúc người ta cho rằng trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam vốn hiểu biết về thị trường Việt Nam hơn và sẽ không bị “thua trên sân nhà”, nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy?

Ông Nguyễn Trần Quang: Thì đúng rồi! Chúng ta hiểu biết thị trường theo kinh nghiệm của chúng ta nhưng lại không có hệ thống, trong khi doanh nghiệp nước ngoài lại có những cuộc nghiên cứu hệ thống, rất chuyên môn về tâm lý khách hàng. Có thể có những điểm họ không hiểu sâu sắc như chúng ta nhưng họ có những điểm nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng rất nhạy bén, áp dụng chính sách địa phương hóa, nên sản phẩm của họ có thể đến với người tiêu dùng nhanh, trong thời gian ngắn có thể đạt được điều mà chúng ta phải làm trong mười năm, hai mươi năm…

Ví dụ thương hiệu Honda với điệp khúc “Tôi yêu Việt Nam”, quả là dễ đi vào lòng người, đúng không?.

PV: Ông có khuyên doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào bao bì?

Ông Nguyễn Trần Quang: Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư bao bì tương đối tốt như Vina Mit, Kinh đô (Kido), Trung Nguyên… Nhưng con số đó vẫn còn nhỏ. Đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đầu tư trong hình thức sản phẩm, bao bì, thiết kế, logo… chứ chưa nói tới là đầu tư cho quảng bá.

Như vậy, tính chuyên nghiệp, tính quốc tế của chúng ta so với đối thủ cạnh tranh là kém hơn hẳn. Nếu chừng nào chúng ta bước vào siêu thị, chỉ nhìn qua thôi đã biết sản phẩm nào của nước ngoài, sản phẩm nào của Việt Nam thì chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thành công trong thiết kế bao bì sản phẩm.

PV: Trong các cuộc nói chuyện chuyên đề về marketing, ông cũng khuyên các doanh nghiệp nên thuê chuyên gia nước ngoài, lý do vì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Quang: Theo tôi trong chiến lược hành động của doanh nghiệp nên xác định 3 yếu tố: hệ thống hóa, chuyên môn hóa và quốc tế hóa.

Chúng ta cần có khả năng giao tiếp với người nước ngoài, có thể mời quản lý nước ngoài để chúng ta có thể thay đổi cách làm, nắm vững được những quan niệm mới và tìm cách xuất khẩu sản phẩm của chúng ta.

PV: Nhưng thuê chuyên gia nước ngoài thì sẽ tốn kém, nhất là trong thời buổi khó khăn như hiện tại?

Ông Nguyễn Trần Quang: Trong thời buổi khó khăn, doanh nghiệp phải lựa chọn: tiếp tục phát triển thương hiệu hay thu hẹp và cắt giảm chi phí? Nếu anh muốn nắm lấy cơ hội táo bạo, trong khi mọi người thu hẹp lại, nếu anh có một nguồn lực để xây dựng thương hiệu thì anh sẽ nổi bật lên. Đó là cơ hội, là ăn thua chiến lược, đòi hỏi tư tưởng táo bạo, còn đa số người ta phải thu hẹp lại trong thời buổi khó khăn này.

PV: Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp vừa nhỏ Việt Nam trong năm 2009 về lĩnh vực marketing ?

Ông Nguyễn Trần Quang: Tôi luôn nói, việc đầu tiên doanh nghiệp cần là xác dịnh mục tiêu của mình trong 5 năm, 10 năm tới là gì, sẽ đi về đâu, làm những gì, tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Khi biết chắc mình sẽ về đâu, lúc đó chúng ta chọn những mục tiêu. Qua mục tiêu rõ ràng sẽ có chiến lược và phương pháp thực hiện.

Như tôi vừa nói, giai đoạn này các doanh nghiệp hãy xác định lựa chọn xem sẽ “thắt lưng buộc bụng” hay táo bạo tìm cơ hội? Cần đánh giá lại hiệu quả công tác marketing của mình, rồi lựa chọn những gì phải làm.

PV: Ông có đánh giá gì về đội ngũ làm marketing Việt Nam hiện nay ?

Ông Nguyễn Trần Quang: Đã tốt hơn nhiều. Vì có một giai đoạn các bạn trẻ làm marketing đi làm tại các đơn vị quốc tế, sau 5,7 năm sau đó làm tại các công ty Việt, họ đã thu được khá nhiều kinh nghiệm.

PV: Vậy ông cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải làm gì để cạnh tranh được với thương hiệu nước ngoài?

Ông Nguyễn Trần Quang: Tôi cho rằng cần có sự phối hợp. Về phía Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ thương hiệu trong nước. Các doanh nghiệp cần có định hướng chiến lược, chuyên môn hóa, hệ thống hóa, quốc tế hóa; và cần có sự liên kết với nhau. Đặc biệt, người tiêu dùng cần phải “yểm trợ”, biết tự hào với thương hiệu trong nước để dùng hàng trong nước. Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng đều vận động và liên kết mới có được một khối sức mạnh, chứ nếu để doanh nghiệp tự thân vận động sẽ rất chậm.

PV: Xin cảm ơn ông.

Từ năm 1998, ông tham gia thành viên tổ tư vấn thị trường của tuần báo Sài Gòn Tiếp thị trong nhiều năm và là một trong những người đầu tiên xây dựng chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được tổ chức hàng năm trên nhiều tỉnh thành. Ông cũng là thành viên sáng lập câu lạc bộ “Sáng tạo vì thương hiệu Việt”.

Nguyễn Trần Quang tốt nghiệp ngành Thương mại Quốc tế đại học Texas, Austin, Hoa Kỳ. Từ năm 1994, ông đã đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo các doanh nghiệp đa quốc gia như Giám đốc điều hành Hennessy Vietnam, Giám đốc Kinh doanh Công ty Triumph, Tư vấn Đào tạo cho công ty Kodak và Giám đốc Điều hành Golden Advertising.

Năm 2006, ông sáng lập công ty FutureOne và đã phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và Việt Nam Marcom sáng lập “Hành trình tiếp thị hình ảnh Việt Nam” để tổ chức nhiều chương trình đối thoại với sinh viên tại nhiều đại học toàn quốc trong việc xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.

Hiện nay, ông Nguyễn Trần Quang là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty FutureOne, và là thành viên Hội đồng quản trị của Golden Communication Group.

Ngoài công việc điều hành doanh nghiệp, ông còn là giảng viên chuyên về Thương hiệu và Chiến lược Marketing tại Vietnam Marcom cũng như thỉnh giảng tại các khoá đào tạo của PACE, Hanoi Business School, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

 

Nguyễn Thúy Hoa

vov 

Các tin tức khác

>   Cacao Việt Nam có tiềm năng sản xuất đạt giá trị 200 triệu USD (11/11/2008)

>   Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ (11/11/2008)

>   Kích cầu tiêu dùng nội địa: Nhà nước-doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay (11/11/2008)

>   Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp liên danh triển khai công nghệ 3G (11/11/2008)

>   Cộng hoà Séc sẽ là đối tác quan trọng, cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào Liên minh Châu Âu (12/11/2008)

>   VIFF 2008: Quảng bá sản phẩm dệt may tới người tiêu dùng trong nước (11/11/2008)

>   Giá xăng giảm không đủ sức kéo giá hàng hóa hạ theo (11/11/2008)

>   Bổ sung 3 KCN của tỉnh Nam Định vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam (11/11/2008)

>   Bạc đầu vì… cá tra (11/11/2008)

>   Nhật Bản cân nhắc dự án thép 5 tỷ USD vào Việt Nam (11/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật