Kích cầu tiêu dùng nội địa: Nhà nước-doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay
Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, để kích cầu tiêu dùng một cách hiệu quả cần một giải pháp mang tính phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Lần đầu tiên kể từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2008 đã giảm 0,19%. Xu hướng giá tăng chậm rồi có dấu hiệu giảm đã khiến có sự lo ngại tình hình kinh tế từ lạm phát có dấu hiệu chuyển sang thiểu phát.
Đã đến lúc kích thích tiêu dùng nội địa
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian qua, do kiềm chế lạm phát, chúng ta đã hạn chế các khoản đầu tư, các khoản tiêu dùng và bài toán kiềm chế lạm phát đã bước đầu phát huy hiệu quả và sức ép chống lạm phát đã giảm.
Trong 4 loại lạm phát tiền tệ, lạm phát cơ cấu, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát hội nhập thì lạm phát hội nhập và lạm phát tiền tệ đã giảm do giá dầu trên thế giới giảm và các chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua phát huy hiệu quả. Còn lạm phát cơ cấu và lạm phát chi phí đẩy thì chưa hạn chế được nhiều, dẫn đến chênh lệch cung cầu.
Mặt khác, do mức độ tiêu thụ hàng hóa trong nước và nước ngoài đang suy giảm; doanh nghiệp gặp khó khăn sau một thời gian thắt chặt đầu tư...
Tất cả đã dẫn đến việc người dân hạn chế chi tiêu, doanh nghiệp khó tiêu thụ hàng hóa, sức mua giảm...
Theo ông Phong, ở thời điểm này, chúng ta vẫn cần tiếp tục chống lạm phát và đề phòng giảm phát. Bên cạnh việc kiên trì các chính sách kiểm soát lạm phát cần có những chính sách linh hoạt để điều hành hiệu quả kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới hiện nay.
Ông Phong cho rằng, một trong những giải pháp hữu hiệu trước mắt nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng trưởng sản xuất là phải kích thích tiêu dùng nội địa.
Theo ông Phong, tiêu dùng nội địa có 2 bộ phận: tiêu dùng của nhân dân ( tiêu dùng cá nhân) và tiêu dùng của doanh nghiệp (với tư cách là tăng đầu tư và tăng tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế). Cần phải thúc đẩy tiêu dùng ở cả 2 bộ phận này.
Cần giải pháp phối hợp có tổ chức
Ông Phong đề xuất, để kích cầu tiêu dùng một cách hiệu quả cần một giải pháp mang tính phối hợp có tổ chức. Về phía Chính phủ, bằng công cụ xúc tiến đầu tư thông qua hệ thống thương vụ, ngoại giao, các hiệp hội và chính sách khuyến khích đầu tư để mở được những thị trường mới, hợp đồng xuất khẩu mới.
Sau khi có được hợp đồng thì phân bổ cho những tập đoàn, doanh nghiệp, đối tượng trong nước có khả năng thực hiện. Từ đó sẽ tạo ra tổng nhu cầu rất lớn về tiêu dùng. Ví dụ như hợp đồng về xây dựng thì sẽ thúc đẩy được cầu về xi măng, sắt thép trong nước; hợp đồng về xuất khẩu gạo, tiêu, điều sẽ tạo ra lượng cầu thanh toán lớn ở nước ngoài. Khi doanh nghiệp có các hợp đồng kinh tế, họ sẽ trả lương cho nhân viên cao, thì lập tức tăng sự tiêu thụ trong nước.
“Thực tế cho thấy, thị trường hơn 80 triệu dân của Việt Nam hiện nay chỉ là thị trường tiềm năng, chưa tạo ra lượng cầu tiêu dùng lớn”, ông Phong nhận xét.
Về phía doanh nghiệp, phải chủ động mở rộng đối tượng tiêu dùng, tìm thị trường mới thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, thay đổi mẫu mã, thích ứng thị trường để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Một giải pháp góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước là cần tuyên truyền một cách tích cực cho người dân với tinh thần: "Người Việt Nam yêu hàng Việt Nam". Điều này sẽ tác động trở lại doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải có những sản phẩm chất lượng và kết quả là thúc đẩy được sản xuất trong nước và hạn chế được nhập khẩu.
Giang Oanh
chính phủ
|