Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp liên danh triển khai công nghệ 3G
"Phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia" là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 11/11 tại Hà Nội, do Thứ trưởng Thường trực Lê Nam Thắng chủ trì. Thông qua buổi giao lưu này, Bộ mong muốn cung cấp, chuyển tải một số nội dung tập trung vào các vấn đề giá cước, quản lý thuê bao di động trả trước, triển khai 3G (công nghệ truyền thông thứ 3, cho phép truyền cả dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại)... thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ mà xã hội quan tâm. Nội dung toàn bộ buổi trả lời trực tuyến được đăng tải trên website Bộ và các phương tiện truyền thông của Bộ như: Báo điện tử ICTnews , Báo điện tử VietnamNet, Trang tin điện tử VTC...
Trước khi bước vào giao lưu trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc họp báo với các cơ quan thông tấn, báo chí về hai nội dung chính: Thi tuyển cấp phép thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ IMT-2000 (3G) trong băng tần số 1900-2200 MHz và Đề án điều chỉnh cước nội hạt, nội tỉnh.
Về việc thi tuyển cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ IMT-2000 (3G) trong băng tần số 1900-2200 MHz, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định: Đây là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ 3G vì sau 8 năm triển khai trên thế giới, giá thành của các thiết bị công nghệ đã hạ rất nhiều và gần như ngang bằng với các thiết bị của mạng 2G; trong khi đó, những lợi ích, tiên tiến của công nghệ 3G mang lại là rất lớn.
Việc chỉ lựa chọn 4 đơn vị để cấp phép triển khai công nghệ này, Thứ trưởng cho biết: vấn đề này liên quan đến tài nguyên tần số. Một băng tần 1900 - 2200 MHz có 60 MHz chỉ cấp đủ cho 4 doanh nghiệp. Chia đều cho 4 thì với độ rộng băng tần 15 MHz là đủ. Nếu chia nhỏ hơn hay lớn hơn đều không hiệu quả và không phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam. Phần lớn các nước trên thế giới cũng phân chia băng tần này thành 4. Song, cơ hội để phát triển băng tần còn nhiều, không phải chỉ 4 doanh nghiệp mà các doanh nghiệp khác cũng còn cơ hội để phát triển ở băng tần khác, với các tiêu chuẩn công nghệ khác trong tương lai. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng có thể liên danh với nhau để nộp hồ sơ thi tuyển. Nếu các hồ sơ liên danh đủ tiêu chuẩn thì Bộ luôn khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3G.
Về Đề án điều chỉnh cước nội hạt, nội tỉnh, Thứ trưởng cho rằng: Đề án là bước đột phá trong việc quản lý giá cước viễn thông Việt Nam, tạo điều kiện phát triển dịch vụ điện thoại cố định và là cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông cân đối lại bảng giá cước các dịch vụ, xoá bỏ bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông. Người sử dụng dịch vụ sẽ được hưởng một mức cước nội hạt trong toàn tỉnh, xoá bỏ cước nội tỉnh. Đề án sẽ được điều chỉnh theo từng lộ trình. Từ 1/1/2009, cước điện thoại cố định nội hạt sẽ là 200 đồng/phút.
Trong phần giao lưu trực tuyến, Thứ trưởng Thường trực Lê Nam Thắng cũng đã trả lời gần 30 câu hỏi của độc giả trong cả nước về các vấn đề liên quan đến viễn thông như: các tiêu chí đánh giá; các giải pháp để phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông; vấn đề quản lý hạ tầng phát thanh truyền hình; phát triển loại hình viễn thông công ích...Thứ trưởng khẳng định, để cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; Xây dựng cơ chế chính sách và thực thi pháp luật để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và Internet; Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
ttxvn
|