Bạc đầu vì… cá tra
Noel và Tết Dương lịch 2009 đã gần kề, thế nhưng thị trường tiêu thụ cá tra, ba sa hết sức ảm đạm. Chưa bao giờ nghề nuôi cá ở ĐBSCL bị dồn vào chân tường như lúc này, khi người nuôi và doanh nghiệp khốn đốn do đầu ra ách tắc, chỉ tiêu xuất khẩu năm nay coi như đỗ vỡ không thể hoàn thành.
Tiêu điều làng cá
Ở làng cá Thới Thuận (Thốt Nốt, TP Cần Thơ), lão nông Bảy Nhân, người có thâm niên nuôi cá nhiều năm rầu rĩ: “Chưa bao giờ nghề nuôi cá khốn khó như năm nay, tôi nuôi chưa đầy 200 tấn vừa bán xong lỗ gần 1 tỷ đồng, lâm nợ hàng trăm triệu đồng chưa biết trả cách nào?”.
Đồng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Đông, chủ hầm cá hơn 120 tấn lắc đầu: “Mới tháng rồi các doanh nghiệp đặt mua với giá 16.200đ/kg nhưng cá còn nhỏ nên chưa bắt, nay đến kỳ thu hoạch thì giá sụt chỉ còn 13.800đ/kg, vậy mà bán chẳng được”.
Theo ông Đông, chi phí giá thành đã lên mức từ 16.000đ - 16.500đ/kg, tính ra người nuôi đang chịu lỗ bình quân 2.000đ/kg trở lên. Bà Trần Thị Ngoặt cho biết, vay 400 triệu đồng lo cho hầm cá, bây giờ xin vay thêm nhưng ngân hàng lắc đầu vì chưa trả nợ cũ. Cá đang trong giai đoạn lớn nên buộc phải hỏi “nợ nóng” bên ngoài để lo chi phí thức ăn từ 8 - 10 triệu đồng/ngày.
Nếu như năm 2007, người dân làng cá Thới Thuận hò reo, tiệc tùng liên hoan nhộn nhịp vì trúng giá, thu lời bạc triệu, nhưng nay mọi chuyện lại “đổi chiều”. Lỗ cá, nợ nần… đang bao trùm cả làng cá khiến hàng loạt hộ mất ăn mất ngủ. Cùng với Thới Thuận, làng cá Tân Lộc (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng chung số phận.
Ông Trần Phước Đời, một đại gia nuôi cá chua chát: “Năm nay thua trắng rồi, ai nuôi ít nợ ít, nuôi nhiều nợ… ngập đầu”. Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, hầu hết người nuôi cá đều te tua, nặng nhất là những hộ mới vào nghề bị “đánh ụp” mất cả chì lẫn chài và không khả năng phục hồi vì kiệt sức.
Doanh nghiệp lao đao
Hiện tại tình hình xuất khẩu sang thị trường Nga đang bị ách tắc, hàng trăm container đang ứ đọng tại cảng St Petersburg nhiều ngày mà không “giải phóng” được. Một doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL cho biết: “Sản phẩm cá tra bị kẹt ở cảng càng lâu thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng bởi chi phí vận chuyển, kho bãi, lãi ngân hàng…”.
Nguyên nhân dẫn đến hàng trăm container tồn đọng là do một số ngân hàng ở Nga bị khủng hoảng, nhiều nhà nhập khẩu không vay được tiền nên không có vốn mua cá. Mặt khác, tình hình kinh tế thế giới biến động khiến người dân Nga phải hạn chế tiêu dùng. Hiện tại, các nhà nhập khẩu Nga từ chối nhận hàng làm cho doanh nghiệp Việt Nam như ngồi trên lửa.
Cùng với Nga thì thị trường Hoa Kỳ cũng đang bị trục trặc. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Tình hình xuất khẩu vào Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn bởi sức mua giảm mạnh và khả năng thanh toán của các nhà nhập khẩu rất yếu”.
Đầu ra đang bị ách tắc nên nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải giảm công suất chế biến, thậm chí tạm đóng cửa nhà máy cho công nhân nghỉ việc. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, thừa nhận: “Hơn chục nhà máy thủy sản ở tỉnh đang uể oải, hoạt động giảm mạnh. Nếu kéo dài thế này thì người nuôi và cả doanh nghiệp đều khốn đốn”.
Tại Đồng Tháp, Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỏ ra lo lắng khi nhiều nhà máy thủy sản rơi vào cảnh “chợ chiều”. Thống kê ban đầu đã có trên 200ha đất nuôi cá tra, ba sa phải “treo hầm” vì lỗ nặng, không khả năng nuôi lại. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày tới.
Trong lúc chờ các ngành chức năng hỗ trợ thì hàng loạt hộ nuôi cá tra, doanh nghiệp chế biến và hàng chục ngàn công nhân… đều lo “bạc đầu” vì tết này nhiều người sẽ không có… tết!.
Nguyễn Duy
sài gòn giải phóng
|