Thứ Ba, 11/11/2008 13:54

Phập phồng giá tết

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, do nền kinh tế nước ta bước vào cao điểm của "mùa tiêu dùng" sôi động nhất trong năm, giá cả "leo thang" là điều không có gì lạ trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, căn cứ vào những diễn biến rất mau lẹ gần đây của thị trường trong nước và thế giới, tuy ít có khả năng "gió sẽ đổi chiều" hoàn toàn như Tết Tân Tị 2001, nhưng giá tiêu dùng Tết Kỷ Sửu sắp tới sẽ "phá lệ" là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

"Ăn cơm mới nói chuyện cũ"

Trước hết, cho dù Tết Nguyên đán hằng năm có thể rơi vào các thời điểm khác nhau từ hạ tuần tháng 1 đến hạ tuần tháng 2 mỗi năm, nhưng các số liệu thống kê  13 năm trở lại đây nói chung đều cho thấy, giá tiêu dùng tháng 12 liền kề trước đó được coi là tháng chuẩn bị Tết đã rục rịch tăng mạnh và tháng 1 được coi là tháng "cận Tết" tiếp tục tăng mạnh hơn, còn tháng 2 được coi là cao điểm của "mùa tiêu dùng" sôi động nhất trong năm thì nói chung đều đạt mức "đỉnh". Trong đó, ngoại trừ "biệt lệ" Tết Tân Ti 2001 có giá tiêu dùng tháng "chuẩn bị Tết" chỉ tăng 0,1%; tháng "cận Tết" chỉ tăng 0,3% và tháng Tết cũng chỉ tăng 0,4% (tổng cộng hai tháng "cận Tết" và Tết chỉ tăng 0,71%), còn 12 cái Tết trong những năm khác nói chung đều có giá tiêu dùng tăng cao kỷ lục (trừ năm 2008).

Trong đó, kỷ lục cao nhất chính là Tết Mậu Tý đầu năm nay với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong "chuẩn bị Tết" 2,91%; tháng "cận Tết" 2,38%; tháng "Tết" 3,56% và tổng cộng hai tháng "cận Tết" và "Tết" là 6,02%. Ngoài ra, Tết Giáp Thân 2004 là cái Tết "về nhì" ở mức độ đắt đỏ với "bộ tứ" số liệu này lần lượt là 0,8%; 1,1%; 2,5% và 4,13%. Đây chính là thời điểm dịch cúm gia cầm lần đầu tiên bùng phát làm điêu đứng ngành chăn nuôi khiến giá thực phẩm tăng đại nhảy vọt, còn giá lương thực cũng tăng nóng do giá gạo thế giới ở vào thời điểm "giao mùa" giữa hai cơn sốt lạnh và sốt nóng chu kỳ 2000-2003 và 2005-2008.

Bên cạnh đó, ở trạng thái trung gian thì có tới 8 cái Tết trong các năm 1996; 1998; 1999; 2002; 2003; 2005; 2006 và 2007 với tổng mức tăng của giá tiêu dùng trong hai tháng "cận Tết" và "Tết" cũng dao động ở mức rất cao 3,12-3,83%. Trong khi đó, gần với trạng thái "biệt lệ" Tết Tân Tỵ năm 2001 như đã nói ở trên chỉ có hai cái Tết có tốc độ tăng giá tiêu dùng trong hai tháng "cận Tết" và "Tết" dao động ở mức tương đối "dễ chịu" trong khoảng 2,01-2,61% là các năm 2000 và 1997.

Nhìn từ góc độ khác, còn có thể thấy rõ hơn tính chất nóng bỏng của giá tiêu dùng trong dịp Tết từng năm. Đó là, nếu như trong những năm lạm phát càng cao thì sốt nóng giá cả càng phân bố nhiều hơn ở những tháng khác, thì ngược lại, trong những năm lạm phát càng thấp, đặc biệt là những năm giảm phát, giá tiêu dùng càng tập trung tăng vào hai tháng "cận Tết" và "Tết" nhiều hơn. Cụ thể là, ở trạng thái lạm phát cao, điển hình là 10 tháng đầu năm nay và năm 2007, tổng mức tăng của giá tiêu dùng trong hai tháng "cận Tết" và "Tết" nói trên chỉ chiếm 27,82% và 27,08% trong tổng mức của những năm này, còn trong ba năm lạm phát cao 2004; 1998 và 2005 thì các tỷ lệ này tăng rất mạnh lên 43,47%; 41,63% và 43,21%, nhưng trong năm lạm phát vừa phải 2006 cũng đã lên tới 50,45%. Trong khi đó, trong 4 năm lạm phát có thể nói là dao động trong khoảng "lý tưởng" 3,0%-4,5% vào các năm 1996; 1997; 2002 và 2003, thì tỷ lệ này còn vượt trội hơn hẳn với 76,00%; 72,50%; 90,75% và 104,00%.

Hơn thế, trong ba năm diễn ra tình trạng giá cả "đứng yên", hoặc hầu như không tăng, thậm chí giảm như 1999; 2000 và 2001, tỷ lệ này thấp nhất cũng là 87,50% (năm 2001), còn trung bình là cao gấp 36,30 lần (năm 1999); thậm chí năm 2000 còn diễn ra tình trạng giá tiêu dùng trong hai tháng này tăng 2,01%, trong khi cả năm giảm 0,60%. Điều này có nghĩa là, bất chấp giá tiêu dùng trong 10 tháng còn lại thường xuyên giảm, hoặc "đứng yên", hoặc chỉ tăng nhẹ, nhưng trong hai tháng "cận Tết" và "Tết" vẫn tăng mạnh theo "thông lệ".

"Ấm áp vừa phải" Tết Kỷ Sửu ?

Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng, sau gần như 5 năm liên tục lạm phát cao, đặc biệt là lạm phát phi mã trong hai năm vừa qua, hoàn toàn có lý khi các nhà quản lý nước ta, đặc biệt là ở các đô thị lớn nhất nhì cả nước, đã có những động thái rất tích cực để đề phòng cơn sốt nóng giá cả cứ "đến hẹn lại lên" trong dịp Tết Kỷ Sửu sắp tới.

Đó là, đối với TP HCM, trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, tuy lượng tiền được hỗ trợ lãi suất trong 6 tháng để dự trữ hàng Tết năm nay chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với cùng kỳ năm trước (409 tỷ đồng so với 400 tỷ đồng). Nhưng thay vì "vắt chân lên cổ" để thực hiện khi giá cả đã tăng cao vào tháng 11 năm trước, năm nay công việc này đã được khởi động ngay từ đầu tháng 9. Hơn thế, đối với Thủ đô Hà nội, thay vì đến hạ tuần tháng 12 năm trước mới khởi động chương trình dự trữ hàng Tết và quy mô dự trữ cũng chỉ vẻn vẹn có 50 tỷ đồng, năm nay chương trình này chẳng những đã được khởi động sớm hơn cũng khoảng hai tháng, mà quy mô còn được mở rộng gấp hơn ba lần (160 tỷ đồng).

Tuy nhiên, căn cứ vào những diễn biến quá nhanh gần đây của thị trường trong nước và thế giới, tuy ít có khả năng "gió đổi chiều" hoàn toàn giống như Tết Tân Tị 2001 có một không hai như đã nói ở trên, nhưng khả năng giá tiêu dùng Tết Kỷ Sửu sắp tới sẽ lặp lại "kịch bản ấm áp vừa phải" của Tết Canh Thìn 2000 (tháng 12/1999 tăng 0,5%; tháng 1/2000 tăng 0,4% và tháng 2/2000 tăng 1,6%) cũng là điều có thể.

Suy đoán này dựa trên những căn cứ chủ yếu sau đây:

- Thứ nhất, lạm phát phi mã trong một thời gian quá dài chắc chắn sẽ "cộng hưởng" với các giảm phát thắt chặt tiền tệ từ nhiều tháng nay tác động tiêu cực đến sức mua của thị trường xã hội. Các tính toán của các nhà quản lý cho thấy, nếu như vào thời điểm giữa năm 2007 tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực tế đạt 22,9%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá cũng tăng 15%, nhưng từ đầu năm đến nay, trong khi tốc độ tăng thực tế cao ngất ngưởng ở ngưỡng 30%, còn nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì đến giữa năm nay rơi tự do xuống chỉ còn 8% và hiện tiếp tục "co lại" chỉ còn 6,1% đủ cho thấy điều đó.

Mặt khác, tuy chỉ trong vòng 10 ngày gần đây Ngân hàng Nhà nước đã hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản từ 14%/năm xuống 12%/năm và các ngân hàng thương mại cũng đã cắt giảm mạnh lãi suất cả ở đầu vào và đầu ra, nhưng do các mức lãi suất này vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức hạ nhiệt thực tế và kỳ vọng của lạm phát, cho nên chắc chắn không tránh khỏi tình trạng thắt chặt chi tiêu của bộ phận dân cư khá giả trong xã hội để tập trung tiền gửi vào các ngân hàng thương mại hưởng lợi. Việc nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại chưa bao giờ tốt như lúc này như khẳng định của một vị lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng đủ cho thấy điều đó.

Bên cạnh đó, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay vẫn ước đạt 6,5-6,7% như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội và điều này đồng nghĩa với thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư vẫn tăng khá, nhưng rõ ràng đây là một bước tụt dốc chưa từng có trong vòng 8 năm trở lại đây, cho nên chắc chắn đây cũng là một yếu tố rất quan trọng khiến xu thế thắt chặt chi tiêu mạnh thêm, đặc biệt là ở ba nhóm 20% dân cư có thu nhập thấp nhất; thu nhập dưới trung bình và thu nhập trung bình của xã hội.

- Thứ hai, trong khi sức mua của thị trường xã hội đang có xu hướng "co lại" như vậy, cả hai tác nhân bên trong và bên ngoài nền kinh tế hiện đang khiến xu thế giá tiêu dùng của nước ta mạnh thêm.

Biểu đồ biến đổi về giá xung quanh thời điểm Tết từ tháng 11 đến tháng 1-2 hằng năm

Một mặt, ở phía đầu vào, do gía nguyên liệu thế giới đã hạ nhiệt rất mạnh, nhưng giá cả trong nước mới chỉ hạ "nhỏ giọt", cho nên khi gía thế giới tiếp tục hạ nhiệt thì tốc độ giảm gía trong nước chắc chắn sẽ buộc phải đẩy nhanh hơn. Việc giá nguyên liệu phi dầu mỏ thế giới trong hai tháng 8 và 9 chỉ mới hạ nhiệt 5,87% và 5,92%, còn giá năng lượng đã giảm gần gấp đôi (12,60% và 11,65%) đã bước đầu tạo ra "hiệu ứng" giảm giá trong nước, còn trong tháng 10 vừa qua đều đã rơi tự do gấp đôi và gấp ba (giảm 18,65% và 22,90%) đương nhiên sẽ khiến "hiệu ứng" này sắp tới còn mạnh hơn nhiều. Mặt khác, ở phía đầu ra, do giá hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ còn tiếp tục giảm sẽ khiến cho giá trong nước cũng phải giảm theo do xuất khẩu khó khăn, nhiều DN sẽ phải chuyển hướng sang tiêu thụ ở thị trường trong nước. Việc ngành thủy sản nước ta đang chật vật tái mở rộng thị trường trong nước do gặp khó khăn trong xuất khẩu giống như năm nào con cá tra và ba sa bị áp thuế chống bán phá giá một cách vô lý ở thị trường Mỹ cách đây chưa quá lâu đủ cho thấy rất rõ điều đó.

Trong khi đó, ở thị trường trong nước, do tác động tích cực của sốt nóng giá cả liên tục, quy mô sản xuất hàng loạt mặt hàng cũng đã được mở rộng, cho nên tình trạng cung vượt quá cầu chắc chắn sẽ khiến cho giá cả trong nước cũng sẽ hạ nhiệt trong điều kiện nhu cầu trong nước chỉ tăng chậm. Mặt hàng nông sản chiến lược lúa gạo là thí dụ tiêu biểu nhất cho xu thế này.

- Thứ ba, từ bài học giá cả tăng phi mã trong những tháng "cận Tết" và "Tết" nhiều năm qua, việc chủ động tăng cường dự trữ hàng hoá từ rất sớm vừa qua cũng là một yếu tố góp phần làm cho giá cả ít có khả năng tăng đột biến trong dịp Tết Kỷ Sửu sắp tới. Bởi lẽ, với việc chủ động dự trữ những khối lượng hàng hóa khá lớn sớm hơn hẳn ở thời điểm giá cả hàng hóa còn rất mềm, đương nhiên tác dụng hạ nhiệt giá cả của chúng trong dịp Tết chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với các năm trước.

Nói tóm lại, cho dù mưa lũ bất thường trên phạm vi hơn nửa nước trong những ngày vừa qua đã nhấn chìm một nửa diện tích cây vụ đông của miền Bắc khiến cho giá cả thị trường ít nhiều bị đảo lộn, nhưng với những động thái hiện nay của nền kinh tế, có nhiều khả năng Tết Kỷ Sửu sắp tới sẽ là cái Tết đầu tiên có giá cả khá "dễ chịu" sau bảy cái Tết ngày càng nóng đã qua. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu như "Ông Trời" không "nhấn chìm" một nửa nước trong biển nước thêm một lần nữa trong thời gian tới, còn các nhà quản lý thì không chọn thời điểm nhạy cảm này để "trả những món nợ về giá vẫn còn tồn đọng" của nền kinh tế do chống lạm phát trong thời gian qua.

Nguyễn Đình Bích

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Báo động khả năng tăng nhập siêu (11/11/2008)

>   Pizza Hàn Quốc “tấn công” vào thị trường Việt Nam (11/11/2008)

>   Sự cân bằng trong quản trị nhân lực (11/11/2008)

>   Khi các ông lớn “bắt tay” (11/11/2008)

>   Đẩy mạnh quan hệ thương mại Việt Nam - Ai Cập (11/11/2008)

>   Doanh nghiệp Hàn và lao động Việt: Làm gì để hiểu nhau? (11/11/2008)

>   Ngành thép Việt Nam có “ảo tưởng”? (11/11/2008)

>   Nguồn cung giảm, giá rau xanh tăng mạnh (11/11/2008)

>   Lúa ngoại "hại" lúa nội? (11/11/2008)

>   CPI tháng 11 sẽ không tăng? (11/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật