Lúa ngoại "hại" lúa nội?
Lúa ngoại "hại" lúa nội, lúa ngoại tràn đường biên, lúa ngoại "lấn" lúa nội... chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cơ quan ngôn luận đồng loạt phản ánh tình trạng lúa từ đất nước chùa tháp tràn vào Việt Nam.
Cùng với số lượng hàng ngàn tấn lúa mỗi ngày tràn vào Việt Nam, các cơ quan ngôn luận cảnh báo: Chở củi về rừng! Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng trong thời điểm mùa lũ như hiện nay, việc có hàng trăm ngàn tấn lúa tràn qua biên giới mỗi ngày là chuyện không thể. Vậy đâu là sự thật?
An Giang: Sôi động lúa ngoại
Từ cầu sắt Hữu Nghị ra cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang nhộn nhịp cảnh xe máy kéo thùng chở lúa từ bên kia biên giới vào các nhà kho nằm dọc kênh Vĩnh Tế. Ông Nguyễn Văn Túc - tự Túc Dừa, người có quy mô làm ăn lớn nhất trong 4 đại gia kinh doanh lúa, gạo trên tuyến biên giới Tịnh Biên - khẳng định: Toàn bộ lúa nhập hiện nay là lúa cấy (sóc) trên các vùng đất cao ven chân núi mới thu hoạch và tổng lượng nhập vào Tịnh Biên không vượt con số hàng chục tấn/ngày. Đây là lúa bán ngay sau thu hoạch, nên giá thu mua được tính trên cơ sở khấu trừ tiền công phơi, sấy nên giá thực mua rất "mềm": 2.300-2.500đ/kg.
Theo ông Túc, sẽ rất sai lầm khi nhìn vào quy mô khổng lồ của các kho lúa ven khu vực cầu Hữu Nghị để suy đoán lúa Campuchia (CPC) nhập vào nhiều. Bởi thực chất đây là kho "ôm" lượng lớn lúa hè thu tồn đọng lại.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Út - chủ Nhà máy Đại Thành 4, một đại gia chuyên mua lúa CPC ở huyện Tân Châu - cho biết: Gần 2 tháng nữa CPC mới vào vụ lúa mùa. Lúc đó, lúa CPC mới thực sự tràn vào An Giang qua các "ngõ" quen thuộc: Vạt Lài, Long Bình (An Phú), Cây Mít, Đường Sứ, cửa khẩu (Tịnh Biên), Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn). Mặt khác, tuy tiếng là lúa sóc, nhưng lúa CPC có chất lượng gạo thấp (25% tấm) nên chủ yếu phục vụ một phần nhu cầu cái ăn trong nước và xuất khẩu vào thị trường bình dân.
Long An: Sẽ chuyển hướng trồng lúa
Ở Long An, từ thị trấn Vĩnh Hưng đi xã Khánh Hưng, thỉnh thoảng có những chiếc xe hàng, còn dưới kênh thì ghe thuyền, đều chở đầy lúa, chạy từ hướng biên giới vào nội địa. Chủ "hàng xáo" tên Chín Truyền (DNTN Chín Truyền, phường 5, thị xã Tân An) cho biết, hầu hết là lúa thơm, chất lượng cao, chủ yếu được chuyển về từ bên kia biên giới. Nông dân Vĩnh Hưng trồng lúa thơm rất ít, và đều bán ngay sau khi thu hoạch, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa đang thiên dần về lúa thơm, gạo ngon - nhất là ở khu vực thành thị. Vì vậy hiện nay lúa thường thì thừa, trong khi lúa thơm lại hút hàng, giá rất cao, từ 5.000đ đến 9.000đ/kg tùy loại. Chính vì vậy, nguồn lúa thơm từ CPC đang là sự lựa chọn của nhiều nhà kinh doanh lúa gạo phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa.
Ông Hồ Văn Bún cho biết, hiện nông dân 2 tỉnh Svây Riêng và Prây Veng (CPC) đang thu hoạch vụ lúa chính năm, phần nhiều là lúa thơm như jasmin, khaodakmal... Nông dân CPC vẫn canh tác chủ yếu 1 vụ/năm, có nhiều diện tích giáp với VN trồng 2 vụ/năm, hầu hết trồng lúa thơm, năng suất thấp, khoảng 2 tấn/ha/vụ. CPC chưa xuất khẩu gạo, nên lúa gạo hàng hóa hoặc đi Thái Lan, hoặc qua VN. Nay đang là giai đoạn thu hoạch lúa của ruộng trồng 1 vụ/năm.
Nhiều thương lái của VN đã tổ chức mạng lưới thu gom lúa từ sâu trong đất CPC, rồi chuyển về VN vừa công khai, vừa lén lút. Có không ít nông dân VN sống cặp biên giới qua CPC mướn ruộng trồng lúa (khoảng 3 triệu đồng/ha/năm), đây cũng là thời điểm họ thu hoạch lúa, chuyển hàng về VN. Đường biên giới quá dài (Long An có gần 140km đường biên giới với CPC), chủ yếu là đồng trống, người dân qua lại làm ruộng rất đông, vì vậy việc kiểm soát lúa, gạo qua biên giới là rất khó khăn.
Gợi ý cần thiết
Giám đốc Sở NNPTNT Long An - ông Nguyễn Quốc Lý - cho biết, lượng lúa hàng hóa còn tồn trong dân lên tới hàng trăm ngàn tấn. Theo ông, lúa thơm từ CPC tràn về không phải là nguyên nhân làm cho lúa thường trong nước tồn ứ, không bán được, bởi lúa tồn ứ không phải là lúa thơm. Ngành NNPTNT Long An đã sớm nhận ra tình trạng này, nên đang khuyến khích nông dân tăng tỉ trọng trồng lúa thơm. Chương trình 40.000ha lúa chất lượng cao đã được triển khai ở vùng Đồng Tháp Mười.
Thật ra lâu nay "lúa ngoại" được xem như "sân sau", bổ sung cần thiết để giữ an toàn cái ăn cho cả nước dồn sức đưa hạt gạo vùng ĐBSCL xuất khẩu. Nhưng sự xuất hiện này lại rơi vào bối cảnh lúa trong nước rớt giá, khó tiêu thụ nên bị bao vây bởi cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí có ý kiến còn xem đây là căn nguyên gây tác động thiếu tích cực đến đầu ra của hạt lúa nội.
Hẳn sẽ không dễ để thuyết phục tất cả "đón nhận" hạt lúa ngoại trong bối cảnh hạt lúa trong nước đang khó đầu ra. Vấn đề quan trọng là cần nhìn nhận thấu đáo để hạt lúa ở vùng châu thổ này vừa làm tròn trọng trách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa có được hướng đúng: Doanh nghiệp có lời và người trồng lúa an tâm với thu nhập mang lại từ sản phẩm của mình.
Lục Tùng - Phấn Đấu
Lao Động
|