Thứ Ba, 11/11/2008 07:17

ĐBSCL nhập khẩu gạo là lẽ thường (?!)

Chiều 10-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT) Nguyễn Trí Ngọc xung quanh tình trạng lúa gạo Campuchia ồ ạt đổ sang ĐBSCL và ông đã có nhận định như trên

- Phóng viên: Hiện nay, ở ĐBSCL xảy ra nghịch lý lúa, gạo Campuchia đang tràn sang, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này?

- Ông Nguyễn Trí Ngọc: Chuyện đó cũng là lẽ thường, như gạo VN cũng đang tràn sang Thái Lan. Đây là bản chất của cơ chế thị trường. Hiện, thương lái đang thu gom gạo phẩm cấp thấp của VN mang sang Thái Lan để bán được giá hơn. Ngược lại, ở ĐBSCL giá gạo cao hơn thì gạo Campuchia tràn sang.

- Nhưng vấn đề là giá lúa ở ĐBSCL đang xuống khoảng 2.500 đồng/kg mà người dân cũng không tiêu thụ được, nhưng lúa, gạo Campuchia lại đang tung hoành, thưa ông?

- Đấy lại là chuyện khác. Vì thời gian qua, sản xuất gạo của VN chỉ chạy theo năng suất mà không quan tâm đến sản xuất gạo chất lượng cao. Trong khi đó, Thái Lan, Campuchia chỉ sản xuất một vụ, chỉ sản xuất giống dài ngày, giống gốc của địa phương thường có chất lượng cao hơn nên dễ bán ở VN.

Nhưng mình không nên làm như họ, vì VN đất chật, người đông, phải thâm canh để có sản lượng nhiều. Đây cũng là mục tiêu của VN, việc này tưởng là vô lý nhưng lại rất có lý.

- Thưa ông, sao ta không chuyển một phần diện tích canh tác sang sản xuất giống lúa chất lượng cao để được giá, lại dễ tiêu thụ như họ?

- VN cũng đang làm chương trình một triệu tấn lúa chất lượng cao, tập trung ở ĐBSCL.

- Tại sao đến thời điểm này mới làm lúa chất lượng cao?

- Chương trình lúa xuất khẩu đã làm lâu rồi.

- Ông nói làm lâu nhưng tình trạng siêu thị khắp cả nước bán gạo Thái Lan từ nhiều năm nay, rồi bây giờ ngay cả vựa lúa của cả nước là ĐBSCL cũng bị lúa, gạo Campuchia tràn sang?

- Đúng là phải có giai đoạn nhất định, chứ không thể làm được ngay, vì quá trình thay đổi nhận thức của người dân. Rồi từ nhận thức đến hành động lại là chuyện khác.

- Gạo Thái Lan đổ sang VN từ chục năm nay, không phải mới đây. Vậy quá trình chuyển đổi của ta chậm vậy sao?

- Có từ lâu là chỉ xuất hiện lác đác. Gạo thấp cấp của VN cũng sang Thái Lan đấy chứ.

- Nhiệm vụ dự báo là của cơ quan Nhà nước, trong đó có Bộ NN-PTNT. Vậy để lúa, gạo Thái Lan, Campuchia "diễn ngay trên sân nhà", phải chăng tổ chức khuyến nông của VN đang có vấn đề khi không thể định hướng cho người dân sản xuất loại lúa chất lượng cao?

- Mình làm nhiều rồi nhưng vừa rồi nhu cầu gạo thế giới tăng, nông dân vẫn theo tập quán cũ là làm giống năng suất cao, không theo sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp.

- Bộ NN- PTNT có kiến nghị Chính phủ về việc điều tiết các địa phương giữ một diện tích lúa chất lượng cao, thưa ông?

- Bộ NN- PTNT đã có quy hoạch về sản xuất nông nghiệp và đã làm cách đây 5 năm.

- Nhưng vấn đề là người dân thiếu thông tin, kiến thức về thị trường hạn chế, do vậy, cơ quan Nhà nước phải có định hướng?

- Định hướng của Cục Trồng trọt rất rõ. Như giống MIR 50404, Cục Trồng trọt đã kêu gào giảm tuyệt đối, nhưng họ vẫn trồng.

- Khuyến cáo điều tốt sao người dân không nghe, phải chăng chúng ta chưa sâu sát, địa phương không vào cuộc?

- Tôi hỏi anh, đã có chủ tịch tỉnh nào bị cách chức vì chuyện này đâu. Nếu làm được thì chuyện này không xảy ra.

- Thủ tướng chỉ đạo phải mua lúa cho dân ở ĐBSCL trên 4.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giá rớt xuống 2.500 đồng thì sao, thưa ông?

- Chẳng biết làm thế nào. Lúc khó khăn doanh nghiệp kêu Chính phủ hỗ trợ, đến lúc Nhà nước khó khăn thì họ lại không cùng chia sẻ.

- Tại sao có chỉ đạo của Thủ tướng, rồi các bộ, ngành đốc thúc nhưng họ vẫn không làm, vậy ta vướng ở đâu?

- Nếu kỷ cương được như vậy thì nói làm gì. Vấn đề lúa, gạo Campuchia sang VN và gạo VN sang Thái Lan cũng là chuyện bình thường. Vấn đề là mức độ đến đâu và qua đó Nhà nước phải điều chỉnh cho kịp thời.

- Vậy, Bộ NN- PTNT có báo cáo Chính phủ chưa?

- Ta không thể ngăn sông cấm chợ.

- Như vậy là cứ đứng nhìn mà không có điều chỉnh về quy hoạch, chiến lược?

- Trước hết, chỉ đạo vụ đông xuân này là giảm tối đa diện tích lúa thấp cấp. Nhưng vấn đề là làm đúng được hay không thì còn lệ thuộc khâu tổ chức thực hiện.

- Vậy là vẫn không thể chắc chắn chủ trương được thực hiện?

- Phải tuyên truyền vận động người dân, phải xác định rõ vùng quy hoạch và phải có chế tài bảo đảm như hỗ trợ giống chất lượng cao. Việc này tùy thuộc các địa phương quyết định.

- Từ trước đến nay không có hỗ trợ?

- Có hỗ trợ nhiều.

- Nhưng sao dân vẫn không mặn mà với chủ trương chuyển đổi?

- Anh cứ hỏi tại sao. Bao nhiêu điều đang tồn tại, sẽ luôn có tại sao mà chẳng có bao giờ trả lời được.

- Vậy giá thu mua lúa cho dân vẫn rất thấp, hết cách, thưa ông?

- Anh phải hỏi Bộ Công Thương.

- Bộ NN-PTNT cũng có trách nhiệm trong đó, không thể đổ lỗi cho bộ khác được?

- Bộ NN-PTNT luôn nói phải thu mua hết lúa với giá cho nông dân hưởng lợi từ 40% trở lên, chí ít phải được 4.500 đồng/kg.

- Nhưng giá đang thấp, nông dân chỉ có lỗ, như vậy rất gay.

- Chính phủ và Nhà nước phải lo.

- Vậy là vẫn phải chờ?

- .... (Ông Ngọc im lặng).

Đã có chủ tịch tỉnh nào bị cách chức vì chuyện này đâu. Nếu làm được thì chuyện này không xảy ra.

Nguyễn Trí Ngọc

Thế Dũng thực hiện

người lao động

Các tin tức khác

>   Từ chối dự án thép tại vịnh Vân Phong (11/11/2008)

>   TPHCM: Giá gạo cao chót vót (11/11/2008)

>   Thị trường bất động sản giảm giá nhìn từ khuyến mãi (11/11/2008)

>   Giá vé xe khách đang giảm, taxi chuẩn bị giảm cước (11/11/2008)

>   Càng đắt giá, càng đắt hàng (11/11/2008)

>   Nhà đầu tư cảm thấy bị xúc phạm (11/11/2008)

>   Cắt giảm đầu tư cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước (11/11/2008)

>   Nông sản bớt thiệt hại (10/11/2008)

>   Bộ trưởng Công Thương sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên (10/11/2008)

>   Một tỉ đô la đầu tư sân bay Phú Quốc mới (10/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật