Báo động khả năng tăng nhập siêu
Theo Bộ Công Thương, thị trường đang xuất hiện nhiều yếu tố làm gia tăng nhập khẩu trong thời gian tới, kéo theo mức tăng nhập siêu.
Giá hầu hết các loại hàng hóa thế giới cần thiết và có thể nhập khẩu vào Việt Nam giảm rất mạnh và xu thế giảm giá để tăng cường bán được hàng (kể cả vàng) trên thị trường thế giới tiếp tục duy trì. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho từ nay đến cuối năm giảm dần sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường nhập hàng về để cân bằng với giá cao đã nhập.
Mặt khác, tỷ giá VND so với nhiều ngoại tệ mạnh như đồng euro, bảng Anh, đôla Australia giảm mạnh cũng sẽ khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này. Bên cạnh đó, theo thông lệ hàng năm, nhu cầu hàng hóa trong nước sẽ tăng mạnh vào dịp lễ, Tết cuối năm, đặc biệt là thực phẩm, rượu và một số mặt hàng xa xỉ như mỹ phẩm, quần áo, giày dép...
Trong khi đó, tình hình xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng vẫn trong xu hướng giảm. So với tháng 9, giá cà phê xuất khẩu trong tháng 10 giảm 11,7%, giá gạo giảm 20%, cao su giảm 13,2%, dầu thô giảm 4%. Xu hướng giảm giá hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục từ nay đến cuối năm khiến khoảng cách giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu gia tăng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng kim ngạch nhập khẩu hai tháng cuối năm khó tăng mạnh do tình trạng lạm phát khiến người dân thắt chặt chi tiêu khiến tiêu thụ hàng hóa trong nước chậm hơn mọi năm đồng thời lãi suất vay vốn ngân hàng cao vẫn là những yếu tố hạn chế nhập khẩu, khiến nhập siêu không tăng mạnh.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng qua đạt hơn 69,3 tỷ USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước và bằng 87,5% kế hoạch năm. Tổng mức nhập siêu hàng hóa trong 10 tháng đạt 16 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. So với kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu ở mức xấp xỉ 30%.
ttxvn
|