Thứ Hai, 10/11/2008 10:43

Kinh tế VN 2009: Chưa thể lạc quan

Đó là thông điệp mà nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra khi nghiên cứu về nền kinh tế nước nhà sau gần 2 năm Việt Nam gia nhập WTO và trước những tác động của kinh tế thế giới hiện nay.

Nguy cơ vẫn rình rập

Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, ông Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch& Đầu tư) thừa nhận: Biểu hiện tăng chậm lại của nền kinh tế và suy giảm là có dấu hiệu, và Chính Phủ đã đề ra các biện pháp cho năm 2009, trong đó có việc điều chỉnh lại mục tiêu tổng quát.

Theo ông Phúc, khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 ở mức khoảng 6,5%.

Có thể nói, với 8 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra, tình hình kinh tế nước nhà những tháng gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Tháng 9/2008 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,18% so với tháng 8, và đây là mức tăng thấp nhất từ nhiều tháng nay. Bên cạnh đó, nhập siêu giảm, xuất khẩu tăng đưa cán cân thương mại dần đi vào ổn định; Đầu tư 9 tháng bằng cả năm 2007…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cho dù đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng còn quá sớm để tuyên bố Việt Nam đã thắng lợi trong việc kiểm soát bất ổn kinh tế. Cụ thể là với trận lụt lịch sử tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vừa diễn ra, đã, đang và sẽ gây thêm những hậu quả xấu cho nền kinh tế đất nước cũng như những khó khăn cho đời sống người dân.

Tiến sỹ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong phát biểu mới đây tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2008 bàn về “Ổn định kinh tế vĩ mô- Thách thức và giải pháp” cho rằng: Mặc dù kinh tế vĩ mô của nước ta gần đây đã có những biểu hiện tích cực, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi chịu sự tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp của nền kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (CIEM) phân tích cụ thể hơn khi dẫn chứng: Với ngành xây dựng, mức tăng 6 tháng đầu năm 2008 là 0,9%, thấp nhất trong 20 năm qua và có thể là “âm” nếu tính đến thời điểm này là một nguy cơ lớn tiềm ẩn sự bất ổn.

Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định: Nếu không có cảnh báo đủ mạnh về nguy cơ rủi ro của nền kinh tế Việt Nam sẽ dễ dẫn đến sự ảo tưởng trong hoạch định chính sách phát triển năm 2009 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ rõ các nguy cơ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế như: Chất lượng tăng trưởng kém, nhiều ách tắc trong phát triển hạ tầng, đầu tư vẫn dựa nhiều vào huy động vốn từ bên ngoài…

Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế của CIEM cảnh báo: Nguy cơ lạm phát cao trong năm 2009 vẫn rình rập.

Ông Võ Trí Thành lý giải nguyên nhân: Thời gian qua, chúng ta bỏ quên việc phát triển thị trường vốn cho vay dài hạn, do đó thiếu nền tảng cơ bản để chủ động ổn định thị trường tài chính. Bên cạnh đó, giải pháp chống lạm phát của Việt Nam hiện nay chủ yếu dồn vào chính sách tài chính với công cụ lãi suất, vì thế gánh nặng cho doanh nghiệp là rất lớn…

Biện pháp quản lý hành chính cần được cân nhắc

CIEM đã đưa ra dự báo: Năm 2008, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,5%- 6,6%, lạm phát khoảng trên dưới 25%; mức tăng trưởng năm 2009 có thể ở mức 6% hoặc trên dưới mức 6,5%.

Theo nhìn nhận chung, cho dù bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam được dự báo là sáng sủa trong dài hạn, nhưng trước mắt tình hình vẫn còn nhiều thách thức khó khăn và diễn biến phức tạp, nhất là khi chưa thể đo lường hết tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ tới Việt Nam.

Các chuyên gia khuyến nghị: Cần bám sát và đánh giá chuẩn diễn biến tình hình để đảm bảo xử lý hai áp lực lớn là bất ổn kinh tế vĩ mô và áp lực chính trị, xã hội. Theo họ, không nên chỉ nhìn nhận và đưa ra các giải pháp đối phó chống lạm phát trước mắt mà song hành với nó là các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều quan điểm cũng cho rằng, tới thời điểm này, khi 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhắm ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát đã có tác dụng, việc giảm dần các biện pháp quản lý hành chính cũng cần được cân nhắc.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính), ông Đỗ Việt Đức cho rằng: Sản xuất kinh doanh trong nước đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, do thị trường thiếu ổn định, giá cả tăng… vì thế, năm 2009 việc đảm bảo kiểm soát chi tiêu công, tăng đầu tư xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu và giảm bội chi ngân sách sẽ là những giải pháp hữu hiệu cho nền kinh tế.

Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, về ngắn hạn, việc giảm dần các biện pháp hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ chuyển sang đầu tư công, chi tiêu công là cần thiết. Về dài hạn, theo ông Thiên, cần phân tích nền kinh tế một cách đồng bộ với tư duy phát triển thị trường, do đó cần tránh đầu tư theo xu hướng, dựa vào thế mạnh để “cá lớn nuốt cá bé”…

Ông Holgef Seubrt- Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam- góp ý: Để tiếp tục kiềm chế lạm phát, Việt Nam cần tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là: ổn định giá, giải quyết việc làm cho người lao động và đảm bảo cán cân thanh khoản…

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, vì thế hơn bao giờ hết những cải cách nội địa quan trọng về tài chính, luật, ngân hàng, thương mại…đóng vai trò quyết định đến sự phát triển ổn định và bền vững.

Vân Thành

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Định giá "khu đất vàng" phải sát với giá thị trường (10/11/2008)

>   Tuần này, giá cước taxi giảm ít nhất 500 đồng/km (10/11/2008)

>   Giá cước vận tải biển "rơi tự do" (10/11/2008)

>   Rau xanh tăng giá mạnh (10/11/2008)

>   Lãng phí kho bãi (10/11/2008)

>   Hàng nội phát huy ưu thế sân nhà (10/11/2008)

>   Tivi LCD đại hạ giá (10/11/2008)

>   Nhiều rào cản với DN xuất khẩu gỗ (10/11/2008)

>   Giám sát “con cưng” (10/11/2008)

>   Giá cước vận tải sẽ giảm khoảng 16%? (09/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật