Giá cước vận tải biển "rơi tự do"
Sau một thời gian dài tăng chóng mặt, trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá cước vận tải biển giảm tới 90%. Cơn bão giá cước theo chiều đi xuống được nhận định là khủng khiếp và chưa từng có trong vài chục năm trở lại đây, đang khiến các Cty vận tải biển lao đao.
Giá cước... rơi tự do"
Ông Tạ Hoà Bình - GĐ Cty vận tải biển Đồng Đô - cho rằng, đây là một đợt giảm giá tệ hại nhất trong vài chục năm trở lại đây của ngành vận tải biển thế giới. Giá cước vận tải biển lên - xuống theo chu kỳ là chuyện thông thường, nhưng giảm kiểu "rơi tự do" như hiện nay thì quả là chưa từng có.
Loại tàu hàng khô có trọng tải từ 40.000 tấn đến trên 100.000 tấn giảm khủng khiếp nhất - tới 90%, là điều ít người có thể tưởng tượng được. Có thời điểm, chỉ trong một tuần, giá cho thuê định hạn tàu hàng rời trọng tải 74.000DWT từ chỗ 40.000USD/ngày đã giảm xuống còn 19.000USD/ngày.
Thời giá cước vận tải biển ở đỉnh cao, giá cho thuê định hạn một tàu loại này lên tới 70.000USD/ngày. Bây giờ, sau 3 tháng giảm liên tục giá cước chỉ còn từ 10.000 - 12.000USD/ngày".
Từ khoảng đầu tháng 7 đến nay, giá cước vận tải biển bình quân đã giảm từ 30 - 70%. Các tàu hàng loại nhỏ còn có khả năng cầm cự với những lô hàng thường xuyên. Trong khi đó, loại tàu hàng khô có trọng tải lớn gần như không có hàng.
Các tàu chở container cũng giảm cước mạnh, chỉ kém khủng khiếp hơn tàu hàng cỡ lớn. Hiện chỉ có tàu chở dầu là vẫn giữ giá do hàng loạt tàu dầu đáy đơn bị công ước quốc tế của IMO (Tổ chức Hàng hải thế giới) loại bỏ. Vì vậy, tàu dầu đáy đôi mới được đóng bổ sung không nhiều nên cung - cầu vẫn ở mức cân bằng.
Theo ông Tạ Hoà Bình, điều này đã được báo trước từ hai năm qua. ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nguồn hàng luân chuyển sụt giảm mạnh trong một thời gian ngắn chỉ là một trong những nguyên nhân.
Nguyên nhân trực tiếp là các tàu dầu đáy đơn - khi không thoả mãn Công ước IMO, bị hoán cải thành tàu chở hàng loại lớn - đã tạo ra một lượng tải dư thừa đột biến. Các nguyên nhân này cộng hưởng, đã đẩy giá cước vận tải biển rơi khủng khiếp.
Nguy cơ xấu cho vận tải biển VN
Theo nhận định của một số chuyên gia, cơn bão giảm cước này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành vận tải biển quốc tế, mà VN không thể là ngoại lệ. Hiện đội tàu của VN không lớn, không có nguồn hàng ổn định, nên khi việc dư thừa trọng tải xảy ra thì những đối thủ yếu sẽ gần như bị loại đầu tiên.
Mặt khác, đội tàu VN được đầu tư chủ yếu bằng vốn vay, rất ít đơn vị đầu tư bằng vốn tự có, nên áp lực trả nợ quá lớn. Trong đợt giảm giá này, đơn vị nào mới đầu tư tàu - đặc biệt là những tàu hàng rời cỡ lớn, loại tàu bị giảm giá cước mạnh nhất - sẽ phải đối đầu với khó khăn lớn. Chưa thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu tình hình thị trường vẫn cứ đi xuống.
Ông Vũ Hữu Chinh - TGĐ Cty cổ phần vận tải biển VN (Vosco) - cho biết: Hiện các chủ tàu Israel đã chọn phương án tránh thiệt hại - nhất là cho tàu neo nghỉ không khai thác vì giá cước quá thấp, càng chạy sẽ càng lỗ. Thời điểm này, Vosco - một trong những anh cả của làng vận tải biển VN, hội nhập thị trường quốc tế rất sớm và có thương hiệu trong làng vận tải biển quốc tế - cũng khó khai thác hàng cho các tàu có trọng tải lớn. Có những chuyến đã phải ngừng khai thác để giảm lỗ.
Ông Nguyễn Văn Hạnh - GĐ Cty vận tải biển Vinalines - cho biết: Đây là thời kỳ cực kỳ khó khăn đối với DN vận tải biển VN. Tàu thuê định hạn giảm giá. Hàng hoá luân chuyển giảm mạnh. Cầm cự qua được cơn bão giảm giá này cũng là một cố gắng lớn". Đại diện CTCP vận tải biển Vinaship cũng cho rằng, đang phải chèo chống vượt qua sóng lớn. Ba tháng cuối năm, phấn đấu hoà vốn đã là may mắn.
Phần lớn các DN vận tải biển VN hiện vẫn còn cầm cự là do kinh doanh theo phương thức cho thuê định hạn. Những hợp đồng cho thuê ký từ trước, với thời hạn dài vẫn đang được duy trì có thể là "chiếc phao" giúp các Cty vận tải biển trong nước vượt qua thời kỳ đen tối. Song chiếc phao này cũng có thể bị "xì hơi" nếu tình trạng giảm giá cước kéo dài. Bên thuê tàu không thể chịu được, sẽ phá vỡ hợp đồng.
Hai bên sẽ phải thương lượng theo hai hướng, hoặc là huỷ hợp đồng chịu bồi thường, hoặc là tiếp thục thuê nhưng với giá thấp hơn. Tuy nhiên, xét cho cùng thì với phương thức nào chủ tàu VN cũng bất lợi. Ngoài ra, nguy cơ bên thuê tàu phía nước ngoài tuyên bố phá sản mới là khả năng xấu nhất.
Khi đó, các chủ tàu cho thuê đành cay đắng chấp nhận. Mặc dù đây chỉ là những khả năng diễn biến của thị trường, song các DN vận tải biển VN cũng nên tính đến và có kế hoạch ứng phó.
Bích Liên
lao động
|