Có tăng, sao không có giảm?
Khảo sát của PV Tuổi Trẻ trên thị trường TP.HCM vừa cho hay giá một số thuốc ngoại nhập tiếp tục tăng trong tháng qua. Có loại thuốc trong vòng một tháng rưỡi đã tăng giá hai lần, tổng mức tăng 17%.
Báo cáo mới đây của Cục Quản lý dược cũng cho thấy các tổ liên ngành về giá thuốc đã cho tăng giá khoảng 240 loại thuốc trong vòng ba tháng qua. Lý do các “yếu tố đầu vào” như giá xăng, tỉ giá ngoại tệ, giá thị trường chung... đã biến động mạnh trước đó.
Tuy nhiên hiện tại, khi các yếu tố đầu vào này đã trở về thời điểm trước tháng 7-2008, tức là trước thời điểm hơn 1.000 loại thuốc được đề nghị tăng giá, đặc biệt là giá xăng dầu và tỉ giá ngoại tệ đã giảm mạnh. Thế nhưng lại có rất ít thông báo giảm giá thuốc, kể cả với những thuốc đã tăng giá với lý do là “yếu tố đầu vào” thay đổi trong ba tháng vừa qua! Khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược VN cũng cho thấy từ tháng 7 đến tháng 10-2008, có 3,69% mặt hàng tăng giá, nhưng số thuốc giảm giá chỉ là 0,12%!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Y tế cho rằng do quá trình xem xét cho điều chỉnh giá thuốc kéo dài, các yếu tố đòi hỏi cần tăng giá thuốc đã xuất hiện từ tháng 3-2008, nhưng cơ quan này mới xem xét cho điều chỉnh giá từ tháng 7-2008. Tăng giá có lộ trình nên giảm giá không thể ngay lập tức. Cũng theo vị này, các tổ công tác liên ngành đã ngừng nhận xem xét việc điều chỉnh giá của gần 1.000 thuốc đã có hồ sơ đề nghị. Việc tăng giá thuốc ngoài thị trường là nằm ngoài khả năng điều chỉnh của các quy định hiện có, do lẽ Nhà nước chỉ quy định quản lý giá thuốc tới giai đoạn bán buôn, còn việc tăng giá ngoài thị trường bán lẻ thì... đành chịu!
Rõ ràng, cách giải thích kể trên chứng tỏ các quy định hiện có về quản lý giá thuốc mới nửa vời. Người dân không thể được hưởng lợi trọn vẹn từ các chính sách quản lý giá thuốc nếu 39.000 quầy thuốc, tiệm thuốc tây trên cả nước vẫn mỗi nơi một giá và tăng giá nếu họ muốn. Tình hình báo cáo nói giá thuốc không tăng nhưng thị trường vẫn tăng như thời gian qua đã chứng minh điều này.
Những biểu hiện gần đây như giá gas giảm, giá xăng dầu, giá cước vận chuyển giảm... là những động thái cần thiết và sát hợp hơn với quy luật thị trường. Trong khi đó giá thuốc lại rất ít khi giảm, lên thì lên đều đặn, nhất là thời điểm giữa năm 2008 khi xuất hiện nhiều biến động về giá cả. Có người nhận xét rằng dược phẩm như một loại “con cưng”, khi biến động giá thì sẵn sàng cắt nguồn cung, khiến hàng loạt bệnh viện thiếu thuốc. Nhưng khi thuận lợi thì hiếm thấy những biểu hiện chủ động giảm giá cho tương ứng với tình hình thị trường. Vì sao vậy? Vì chưa có thói quen giảm hay vì thiếu quy định pháp lý?
LAN ANH
tuổi trẻ
|