Thứ Tư, 12/11/2008 11:45

Quản lý điện nông thôn ở Hải Phòng

Chồng chéo và bất hợp lý

Điều đáng quan tâm là tình trạng cố tình trì hoãn, không chịu bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý theo qui định trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, hầu hết các xã ở Hải Phòng đã có lưới điện quốc gia tạo thuận lợi cho người dân sản xuất và sinh hoạt. Tuy vậy, việc quản lý và kinh doanh điện nông thôn Hải Phòng vẫn còn nhiều bất hợp lý. Và điều đáng quan tâm là tình trạng cố tình trì hoãn, không chịu bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý theo qui định trên địa bàn thành phố.

Chập chờn, bất ổn, tổn thất cao

Đến nay, vùng nông thôn thành phố Hải Phòng vẫn tồn tại nhiều hình thức quản lý, kinh doanh điện dẫn đến tình trạng “năm cha, ba mẹ” chồng chéo lên nhau, thiếu thống nhất. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng, đơn vị có chức năng quản lý, kinh doanh điện lại chỉ quản lý 18 xã và 9 thị trấn, chiếm 12,6% tổng số xã. Trên 80% số xã còn lại được “phóng tay” trao quyền cho nhiều thành phần kinh tế khác tham gia quản lý, kinh doanh như: Công ty Cổ phần Xây lắp điện Hải Phòng quản lý 24 xã, Công ty Cổ phần Điện nước lắp máy quản lý 4 xã, Xí nghiệp Cấp nước và dịch vụ xây lắp Cát Hải quản lý 5 xã, đặc biệt các HTX dịch vụ điện và dịch vụ tổng hợp quản lý 92 xã, ngay các công ty tư nhân, cá thể cũng được quyền kinh doanh bán điện với 36 mô hình quản lý nằm rải rác tại 14 xã.

Quản lý chồng chéo và manh mún, điện Nhà nước đã rơi vào tay tư nhân khiến người dân phải chịu nhiều thiệt thòi về giá cũng như chất lượng điện. Vì thế mới xảy ra tình trạng: Điện từ công tơ tổng về đến hộ dân cách xa từ 3 - 4km, tổn thất cao, chất lượng xấu. Anh Nguyễn Văn Cường, thôn 3 Hòa Nhuận, xã An Hòa, huyện An Dương, Hải Phòng bức xúc nói: “2 tháng trở lại đây, vào giờ cao điểm - tầm từ 6 giờ đến 6 rưỡi - người dân ở đây hầu như không có điện, bóng tiết kiệm điện, nồi cơm và quạt nhiều khi không thể lên nổi. Điện ở đây do trưởng thôn quản lý. Tại khu vực này, những nhà có ổn áp Lioa mới kích được điện lên, còn nếu bình thường như các nhà quanh đây, không có nhà nào lên được điện”.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến điện yếu, bất ổn định là do hệ thống lưới điện nông thôn thành phố Hải Phòng xây dựng cách đây từ 20 - 40 năm. Trong quá trình khai thác sử dụng, hệ thống lưới điện hầu như không được bảo dưỡng, sửa chữa, các đơn vị chỉ tận dụng khai thác, không chịu bỏ kinh phí đầu tư. Vì thế, đến nay, lưới điện đã cũ nát, xuống cấp không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tổn thất điện năng thường xuyên từ 20 - 30%. Ông Nguyễn Hữu Viên, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng bày tỏ: “Hệ thống điện hiện nay phập phù, không ổn định, mà hao nhiều quá. Cho nên, vừa rồi, khi nghe ngành điện đầu tư, thanh lý đường điện này, chúng tôi nhất trí ngay”.

Mới đây, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hải Phòng và các cơ quan hữu quan còn phát hiện tình trạng: tất cả các đơn vị, cá nhân kinh doanh điện ở ngoại thành Hải Phòng không chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về đo lường và chế độ kiểm định thiết bị điện. Hầu hết hệ thống đo đếm điện năng do các đơn vị quản lý đều mua trôi nổi trên thị trường, với nhiều chủng loại khác nhau mà chủ yếu là công tơ Trung Quốc. Công tơ lắp đặt vào các hộ dân không có cầu chì, át-tô-mát bảo vệ và đầu nối thẳng từ công tơ đến các phụ tải. Công tơ lắp đặt trong các can nhựa, hộp gỗ, hộp sắt tự tạo, không đảm bảo an toàn.

“Miếng bánh” từ lưới điện cũ nát

Trước tình trạng này, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng chỉ đạo các Điện lực trực thuộc chủ động đến làm việc với chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân bán điện ở nông thôn thoả thuận việc bàn giao lưới điện hạ áp để công ty đầu tư cải tạo và bán điện đến từng hộ dân. Việc bàn giao thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện không ép buộc. Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Giám đốc Điện lực Thủy Nguyên cho biết: “Hiện nay, Điện lực Hải Phòng cũng như Điện lực huyện Thủy Nguyên có chủ trương tiếp nhận tất cả các xã trong huyện để thực hiện quản lý bán điện trực tiếp nhằm đảm bảo cho tất cả người dân đều được hưởng chính sách giá ưu đãi của Chính phủ, tức là trợ giá cho người nghèo. Xã nào đồng ý bàn giao, chúng tôi sẽ sẵn sàng tổ chức tiếp nhận”.

Thế nhưng, trên thực tế, phần lớn chính quyền các xã dù không có chức năng quản lý điện, nhưng vẫn viện nhiều lý do để trì hoãn việc bàn giao. Tại sao lại như vậy? Qua tìm hiểu, thấy rất rõ lý do các đơn vị không chịu buông phần quản lý điện bởi lẽ họ đang được hưởng nguồn lợi từ chênh lệch giá điện. “Miếng bánh” có được từ lưới điện dẫu là cũ nát cũng khó có thể nhả ra một cách dễ dàng. Theo quy định, người dân chỉ phải trả 700 đồng cho 1 số điện, nhưng thực tế nhiều năm nay họ vẫn phải trả tới 1.000 đồng/1 số điện. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng cho biết, Sở Công thương đã có văn bản báo cáo UBND thành phố Hải phòng về tình trạng quản lý điện nông thôn và kiến nghị thành phố chỉ đạo các huyện đẩy nhanh việc bàn giao lưới điện cho công ty quản lý. Phía công ty xây dựng phương án cụ thể để việc bàn giao được triển khai đúng kế hoạch. Mong rằng, người dân vùng ngoại thành thành phố Hải phòng sớm được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ./.

Nguyễn Hằng - Hải Hà

vov

Các tin tức khác

>   Tổng công ty Sông Đà đạt 83% kế hoạch doanh thu (12/11/2008)

>   Các hạng mục đầu tư của dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên (12/11/2008)

>   Các dự án cao ốc của Petro Vietnam chỉ xem xét khi đã đủ vốn (12/11/2008)

>   Gỡ khó cho xuất khẩu thời khủng hoảng (12/11/2008)

>   Vidamco tiếp tục giảm giá xe (12/11/2008)

>   Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành CN giảm (12/11/2008)

>   Lượng khách du lịch đến Hội An giảm gần 30% (12/11/2008)

>   Định giá 503 tỉ đồng khu đất vàng "Co.op Mart" (12/11/2008)

>   135 tỉ đồng làm các công trình đê, kè biển cấp bách (12/11/2008)

>   Nhiều hãng vận tải phía Bắc giảm giá cước 10% (12/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật