Xúc tiến thương mại: Thuyền lội nước ngược!
Xúc tiến thương mại (XTTM) là một mắt xích quan trọng trong khâu tiêu thụ hàng hóa. XTTM thủy sản cũng không nằm ngoài quy luật. Trong dòng chảy cuồn cuộn của hàng hóa thế giới, XTTM như một con thuyền chở hàng hóa Việt Nam tiếp cận dòng chảy này. Tuy nhiên đây vẫn là khâu chưa được thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp. Do đó, con thuyền XTTMTS Việt Nam ở vào tình thế “lội dòng nước ngược”, nếu không nỗ lực đương nhiên sẽ bị đẩy lùi.
Ở đâu cũng yếu
XTTM thủy sản hiện đang được thực hiện bởi nhiều cơ quan, tổ chức: Cục XTTM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VASEP, các trung tâm XTTM tỉnh, các phòng XTTM của doanh nghiệp… Tuy nhiên từ góc độ nào cũng thấy sự yếu kém. Chương trình XTTM quốc gia là một ví dụ. Đó là việc giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Cách thức của các trung tâm này là giới thiệu các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó có thủy sản bằng cách trưng bày catalog và sản phẩm. Đối với mặt hàng thủy sản, duy trì việc gửi sản phẩm đông lạnh sang trưng bày đã là khó, còn việc chỉ đưa ra các catalog mà giới thiệu được với khách hàng tiềm năng của DN lại càng khó hơn. Ông Nguyễn Long Trì, người phát ngôn của Bộ Thủy sản (cũ) từng cho rằng các trung tâm giới thiệu sản phẩm mà Cục XTTM xây dựng không có hiệu quả đối với các DN thủy sản, vì mặt hàng chiến lược của xuất khẩu Việt Nam này không thể qua trưng bày catalog mà thu hút được DN nước ngoài...
Một quan chức Bộ Thương mại chuyên tổ chức đoàn DN XTTM thị trường châu Mỹ cho biết, nhiều lần thấy đại diện DN Việt Nam đi tham dự hội chợ triển lãm-phương thức XTTM giờ được coi là ít hiệu quả đối với DN Việt Nam-mà chỉ ung dung chắp tay sau lưng đi lại vòng quanh gian hàng của mình. Thậm chí trong số đó có nhiều người không biết tiếng Anh, do đó chuyến đi của họ giống như chuyến du lịch. Nếu là người giao tiếp được với khách hàng thì lại không có chuyên môn về thủy sản hoặc về mặt hàng cần được giới thiệu. Cách tiếp nhận thông tin trong mỗi chuyến XTTM cũng không được chú trọng. Khá nhiều doanh nghiệp khi trao đổi thông tin với khách hàng không ghi lại những thông tin mà họ yêu cầu dẫn đến nhầm lẫn về loại cá, độ đông lạnh…
Đó chỉ là một trong số nhiều ví dụ về tính thiếu chuyên nghiệp trong khâu “tiếp thị” sản phẩm theo cách “cổ điển” của doanh nghiệp. Còn đối với sự nhanh nhạy thông tin thị trường thế giới thì doanh nghiệp Việt Nam cũng chào thua. Những thông tin về thị trường, sản phẩm được hầu hết doanh nghiệp chờ “ăn sẵn” từ thông tin mà thương vụ Việt Nam tại các nước cung cấp. Tuy nhiên, thông tin này luôn luôn cũ. Đó là điều khẳng định của nhiều doanh nghiệp thủy sản tại các cuộc gặp gỡ tham tán thương mại được tổ chức định kỳ hàng năm. Các tham tán cũng ghi nhận thực tế này và lý giải là bởi số nhân viên của thương vụ quá ít mà phải bao sân quá nhiều ngành hàng nên không chủ động tìm kiếm thông tin được.
Cách làm hay nhưng vẫn nằm trên giấy
Mặc dù xuất khẩu thủy sản được đưa đường chỉ lối bởi một “hoa tiêu” kém năng lực như vậy nhưng khi một cách làm XTTM mới được xây dựng và trình xin ý kiến thì lại không nhận được sự đồng tình từ phía cơ quan chuyên trách. Năm 2002, Bộ Thủy sản (cũ) đã mạnh dạn “trình làng” một quy chế hoạt động XTTM cho ngành theo hướng hoàn toàn dứt khỏi “bầu vú” bao cấp của Nhà nước. Tất cả kinh phí để thực hiện các hoạt động XTTM của VASEP tuyệt đối không xin tiền từ ngân sách Nhà nước, mà được lấy trực tiếp từ đóng góp của các DN xuất khẩu thủy sản và được tính vào chi phí sản xuất. Quy chế này cho phép các DN thuộc Hiệp hội tự chọn hình thức, nội dung và phương thức thực hiện XTTM ra nước ngoài phù hợp với đặc thù của ngành, nghề. Về hướng đi này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cũng đã khẳng định, phương thức XTTM không dùng ngân sách là giải pháp XTTM tốt nhất đối với tình hình Việt Nam. XTTM sẽ chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi chính những người kinh doanh mặt hàng cụ thể nào đó thực hiện XTTM chính ngành hàng mà họ hiểu biết rõ nhất. Nếu giải pháp này được thực hiện thì hằng năm sẽ tiết kiệm cho Nhà nước cả trăm tỷ đồng, hoạt động XTTM được xã hội hoá, giảm gánh nặng biên chế cho bộ máy... Nhưng đáng tiếc, cách XTTM nhiều lợi ích này đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy!
XTTM còn thiếu đồng bộ, chưa chuyên nghiệp… vẫn là chuyện đã nói đến nhiều lần. Tuy nhiên vẫn cần phải gióng lại hồi chuông bởi thủy sản là thế mạnh xuất khẩu, là mặt hàng xuất khẩu có mặt trên 100 quốc gia và sẽ là lĩnh vực xuất khẩu tiềm năng hơn nữa nếu làm tốt khâu XTTM.
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam số 16/2008
Kinh tế nông thôn
|