Cơ hội lớn cho ngành hậu cần ở Hà Nội “mới”
Cơ hội tại thị trường miền Bắc đối với ngành hậu cần Việt Nam sẽ như thế nào trong bối cảnh Hà Nội mở rộng là một đề tài được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước bàn luận tại Diễn đàn Cung ứng Hà Nội 2008, do Vietnam Supply Chain Council tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội ngày 29/10.
Hướng về... Hà Nội
Những năm gần đây, nhóm dịch vụ kho vận hậu cần của Việt Nam đã được quan tâm phát triển và được coi như là một trong những biện pháp làm giảm chi phí xuất khẩu hàng hoá.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong năm 2008, sẽ hỗ trợ vốn vay khoảng 880 triệu USD giúp Việt Nam thực hiện ba dự án xây dựng đường cao tốc và đường bộ nhằm phát triển giao thông và logistics. Tuy nhiên, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam phải đạt 15 - 20% nếu muốn tăng GDP khoảng 7%. Với những khó khăn về nguồn vốn đầu tư của Chính phủ hiện nay, đây sẽ là cơ hội dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
TNT Express Việt Nam, một công ty chuyển phát nhanh của Hà Lan đã đón đầu cơ hội, đầu tư mạnh vào dự án xây dựng mạng lưới đường bộ xuyên Á. Theo Tổng giám đốc TNT Express, ông Mark van Den Assem, các nhà sản xuất luôn tìm kiếm một hướng đi mới hiệu quả cho luồng sản xuất của họ. Vận chuyển hàng hoá trong bối cảnh Hà Nội mở rộng, sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng gia tăng sẽ là một lựa chọn hấp dẫn mà các doanh nghiệp không thể không xem xét.
Ông Mark van Den Assem cho biết: “Tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã khai trương trạm trung chuyển hàng hoá ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Đây là bước chiến lược đầu tư 100 triệu Euro trong vòng 5 năm tới của TNT để phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á”.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài như TNT đang hướng sự quan tâm đến thị trường phía Bắc hoàn toàn có cơ sở. Do đặc điểm địa lý thuận lợi, gần với thị trường các nước Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hơn Tp.HCM. Hà Nội đang nổi lên là một địa điểm hấp dẫn đầu tư, sản xuất. 9 tháng đầu năm 2008, Hà Nội đã thu hút được 1.400 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt trên 18 tỷ USD.
Chi phí nhân công ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cũng thấp hơn 30% so với thị trường lao động tại miền Nam. Sau khi Hà Nội mở rộng từ ngày 1/8/2008, thủ đô mới đã rộng gấp 3,6 lần với 6,2 triệu dân và lọt vào top 17 thành phố, thủ đô lớn của thế giới. Chính sự hấp dẫn đó đang thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến Hà Nội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang không chỉ chú trọng đến việc sản xuất hàng hoá mà còn phải làm thế nào đưa được các sản phẩm đó đến khách hàng của mình một cách hiệu quả nhất. Một trong những điều họ quan tâm là vận chuyển hàng hoá. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, chuỗi cung ứng kho vận hậu cần chưa được phát triển hoàn thiện.
Đẩy mạnh tuyến đường bộ
Tại Diễn đàn Cung ứng Hà Nội, các đại diện công ty hậu cần đã chỉ ra một thực tế: dù Việt Nam có 3.000 km bờ biển, cảng biển luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi cung ứng nhưng do những bất cập trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam nên vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.
Đại diện của Maersk Logistics nói rằng phần lớn cảng biển Việt Nam không được thiết kế cho việc bốc dỡ hàng hóa hiện đại. Nhiều cảng lâu năm được thiết kế cho hàng rời, không có trang thiết bị bốc dỡ container chuyên dụng và không có dịch vụ hàng hải trực tiếp kết nối Việt Nam với các cảng biển tại châu Âu hay Mỹ.
Hạn chế trên dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa đi các thị trường lớn phải thêm công đoạn trung chuyển qua các cảng lớn hơn ở các nước, làm phát sinh nhiều chi phí, mất tính cạnh tranh. Đại diện của công ty hậu cần Schenker nói thêm: Logistics của Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi nạn kẹt xe và công suất hạn chế của nhà ga, sân bay.
Trước thực tế đó, đại diện cho hãng vận chuyển hàng đầu thế giới, Tổng giám đốc điều hành TNT Express, ông Mark van Den Assem đã chỉ ra một xu hướng đang phổ biến ở các quốc gia phát triển là đẩy mạnh khai thác bằng đường bộ. “Ở châu Âu và châu Mỹ hơn 75% các loại hàng hoá được trung chuyển bằng đường bộ nhưng ở châu Á đường biển thịnh hành hơn (77%), còn Việt Nam lại có đến 75% các mặt hàng xuất khẩu được vận chuyển bằng đường hàng không”, ông Mark van Den Assem nói.
Tuy nhiên, ông Mark van Den Assem cũng nhìn nhận việc thuyết phục khách hàng thay đổi thói quen sang sử dụng vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ không phải đơn giản. Phương thức vận chuyển bằng đường bộ ở châu Âu phát triển một phần do mạng lưới đường bộ của họ rất tốt, hơn nữa họ là khối liên hiệp nên phương tiện vận tải qua lại không phải dừng lại làm thủ tục hải quan.
Vì vậy, họ có thể đi thẳng từ Hà Lan sang Tây Ban Nha. Trong khi đó ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, hệ thống đường bộ chưa được đồng nhất và phát triển, phải qua nhiều thủ tục hải quan. Nhưng ông Mark van Den Assem cho rằng chúng ta không thể dừng ở đây bởi vì các nước trong khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực xây dựng một khối đoàn kết mở rộng, thông quan, để giao thương kinh tế tốt hơn.
Khoảng trống năng lực kho vận
Các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng chỉ ra một xu hướng nữa. Đó là tốc độ gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và phát triển sản xuất trong nước thời gian qua đã kéo theo nhu cầu về dịch vụ kho vận tại Việt Nam rất lớn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu và tư vấn Spire, kho bãi dùng để phục vụ công tác hậu cần tại Việt Nam còn kém. Dưới 10% kho bãi có các thiết bị cần cẩu cỡ lớn, có toa móc. Các kho bãi trước năm 1975 vẫn còn được khai thác, nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các kho bãi hiện tại không phù hợp với hàng hóa bốc dỡ nhanh.
Hơn nữa, hiện nay nhiều nhà sản xuất Việt Nam vẫn chưa nhận thức được lợi thế có được khi thuê các công ty kho vận hậu cần thay cho sự đảm nhiệm hoạt động này. Chính vì vậy, vẫn tồn tại tình trạng các doanh nghiệp tự trang bị phương tiện cũng như xây dựng cơ sở vật chất để thực hiện công việc của mình. Từ đó đã làm gia tăng chi phí doanh nghiệp.
“Nếu nhà sản xuất nhìn rộng hơn một chút họ sẽ nhận thức được lợi thế có được khi thuê các công ty tiếp vận thay cho việc tự mình đảm nhiệm hoạt động này”, ông Mark van Den Assem nói.
Ông cho biết thêm: “Không phải “nuôi” cái kho chứa hàng, không phải tự lo các dịch vụ tiếp vận, doanh nghiệp sẽ có thể chuyên tâm vào công việc sản xuất kinh doanh của mình mà không phải bận tâm đến từng khâu vụn vặt trong quá trình vận chuyển. Sử dụng toàn bộ dịch vụ của nhà cung cấp vận chuyển chuyên nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần thông báo lịch giao hàng thì nhà vận chuyển lập tức có xe và nhà kho để vận chuyển kịp thời. Chính điều đó giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí rất nhiều vì không phải trả tiền thuê kho”.
Đoán định thị trường cho dịch vụ kho vận hậu cần ở Việt Nam sẽ bùng nổ khi các công ty chuyên cung cấp dịch vụ này khẳng định ưu thế của mình, TNT đang tiếp tục hoàn thiện bằng việc đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng như trang bị hệ thống xe tải có thiết bị định vị toàn cầu để có thể theo sát lộ trình của xe và có được chứng chỉ an toàn cho hệ thống xe, kho bãi...
“Cách mà TNT thuyết phục khách hàng hiểu được tiện ích của việc sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ cũng như kho vận chính là bản thân TNT phải làm tốt trước đã”, ông Tổng giám đốc TNT nói.
vneconomy
|