Thứ Tư, 15/10/2008 17:19

Xuất khẩu Việt Nam dễ bị tổn thương

Phát biểu tại hội nghị giao ban xuất khẩu được tổ chức sáng ngày 15-10 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2008 thể hiện sự thiếu bền vững và dễ bị tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới. 

Bên lề hội nghị, ông Biên đã dành cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online một cuộc trao đổi nhanh về những yếu tố tác động tới xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng còn lại và năm tới.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Thưa thứ trưởng, tại sao ông lại cho rằng xuất khẩu thiếu bền vững trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được Bộ Công Thương đánh giá là cao so với các nước trong khu vực, trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động?

Xuất khẩu 9 tháng được 48,56 tỉ đô la Mỹ, tăng khá cao, tới 39% so với cùng kỳ, nhưng nếu phân tích sâu thì thấy việc thị trường thế giới tăng giá vào những tháng đầu năm đã tác động mạnh tới tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong 13,6 tỉ đô la Mỹ tăng thêm so với cùng kỳ thì khoản tăng giá lên tới 6,5 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, trừ đi tăng giá, xuất khẩu chỉ tăng hơn 20%.

Trong hai quí đầu năm, do nhập khẩu tăng đột biến mà kinh tế trong nước không hấp thu hết nên phải tái xuất, như sắt thép tái xuất trong quí 2 xấp xỉ 1,5 tỉ đô la Mỹ, vàng nhập khẩu về quá nhiều phải tái xuất 0,5 tỉ đô la Mỹ. Chỉ hai nhóm hàng này đã đóng góp tăng kim ngạch thêm 2 tỉ đô la Mỹ. Đó là chưa kể 1 tỉ đô la Mỹ tăng thêm nhờ tạm nhập tái xuất sang Campuchia, trong đó 700 triệu đô la Mỹ là xăng dầu.

Trừ đi tăng giá và tái xuất thì kim ngạch xuất khẩu tăng thực sự chỉ còn 15%. Theo tôi đây là tăng trưởng xuất khẩu không bền vững, dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường thế giới.

Phải chăng xuất khẩu thiếu bền vững so với mọi năm là do chúng ta thiếu nguồn hàng? 

Phân tích tình hình xuất khẩu trong 9 tháng cho thấy, quí 2 tăng quá mạnh còn sang quí 3 lại đi xuống cả về sản lượng lẫn giá cả do thị trường tiêu thụ thế giới thu hẹp vì khủng hoảng kinh tế. Chẳng hạn xuất khẩu trong tháng 9 chỉ được 5,3 tỉ đô la Mỹ, tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng lại giảm tới 12% so với tháng 8. 

Như gạo xuất khẩu, hiện tại có loại gạo tồn kho và tồn trong dân lên đến 50% sản lượng. Dệt may, da giày, gỗ và các mặt hàng công nghiệp khác đã tới mức sản xuất tối đa hoặc có dấu hiệu thu hẹp sản xuất do đơn hàng chững lại. Dầu thô, than đá không tăng sản lượng được vì giá thế giới giảm và còn phục vụ nhu cầu trong nước. 

Nhìn chung nông lâm, thủy sản chúng ta đã có sản lượng kịch trần nên thời gian tới khó có đột biến, thậm chí có mặt hàng chúng ta còn quay qua nhập khẩu để tái chế xuất khẩu. 

Ngoài ra, còn có khó khăn khách quan là thị trường thế giới đang có xu thế co hẹp, sức mua của người tiêu dùng ở các thị trường lớn cũng giảm sút. 

Ông nhận định thế nào về tình hình xuất khẩu 3 tháng cuối năm nay và cả năm tới? 

Thời gian tới chúng ta có khá nhiều cơ hội chứ không phải là không có. Đầu vào cho sản xuất của nhiều ngành đã giảm, xăng dầu và cước phí tàu, xe vận chuyển cũng giảm, hàng hóa bớt ách tắc, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, tỷ giá ổn định và khó có biến động như những tháng đầu năm. Tuy nhiên, thách thức lại quá nhiều.

Trước hết, nguồn hàng trong nước 3 tháng còn lại khó có đột biến vì đã kịch trần do vậy chúng tôi chỉ đặt mục tiêu mỗi tháng xuất khẩu 5,3 - 5,5 tỉ đô la Mỹ, trong khi bình quân của 9 tháng đầu năm là hơn 6 tỉ đô la Mỹ/tháng. Nông lâm thủy sản đã phát triển kịch trần nên khó tăng kim ngạch, như gạo muốn tăng cũng được nhưng thị trường thế giới đã bão hòa, nhiều nước xuất khẩu gạo khác cũng đã tăng sản lượng.

Về xu hướng giá thế giới, 3 tháng còn lại chỉ có thể giảm chứ khó tăng nhưng quan trọng là có giảm sâu không và khi nào thì phục hồi. Gạo, cà phê, cao su của ta đều có xu hướng giảm.

Giá dầu giảm không chỉ tác động tới xuất khẩu dầu thô của Việt Nam mà còn tác động tới giá cao su thiên nhiên của ta khá rõ. Tháng 7, ta xuất 1 tấn mủ được 58 triệu đồng còn bây giờ chỉ có 30 triệu đồng/tấn mủ. Hơn 3 tháng trước, nông dân cạo mủ bán được 15.000 đồng/lít còn bây giờ chỉ 7.000 - 8.000 đồng. Xin nói thêm, 9 tháng qua, xuất khẩu dầu thô của ta giảm 279.000 tấn đã làm giảm kim ngạch tới 394 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ.

Ngoài kinh tế thế giới, riêng Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khác như thuế chống bán phá giá của Mỹ với hàng cá, tôm, EU loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập cho mặt hàng da giày, thậm chí thuế chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam đang được EU xem xét hành chính, có nghĩa chúng ta còn bị áp thuế chống bán phá giá giày mũ da trong cả năm tới nữa.

Dệt may thì tiếp tục bị giám sát của Chính phủ Mỹ. Trong 9 tháng qua, thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ giảm mà xuất khẩu của ta vào Mỹ vẫn tăng 30% là đáng mừng. Hiện nay chúng tôi phải cấp phép một số mã hàng dệt may nóng sang Mỹ để đề phòng chống bán phá giá, như vậy cũng sẽ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồ gỗ thì gặp khó khăn về quy định xuất xứ hàng hóa, môi trường và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.   

Tuy nhiên không quá khó để đạt mục tiêu 65 tỉ đô la Mỹ của cả năm nay.

Chúng tôi đặt kế hoạch xuất khẩu năm tới là 76,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với ước năm 2008. Và trước tình hình thị trường thế giới suy thoái như hiện nay thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn năm nay.

Xin cám ơn ông!

tbktsg

Các tin tức khác

>   TPHCM:  9 tháng đầu năm, thu hút hơn 8 tỷ USD vốn FDI (15/10/2008)

>   Bán dự án: Tham thì thâm (15/10/2008)

>   Đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng (15/10/2008)

>   Ngành gỗ trước những thay đổi trên thị trường thế giới (15/10/2008)

>   Dream Palace đầu tư xây khu nghỉ dưỡng tại Huế (15/10/2008)

>   Tốc độ xây dựng đang tăng trở lại (15/10/2008)

>   Nhà nước hỗ trợ ngành công nghiệp "hái ra tiền" (15/10/2008)

>   Doanh nhiệp vừa và nhỏ (DNVVN): Yếu tự thân! (15/10/2008)

>   Bất bình đẳng giới trong chứng nhận quyền sử dụng đất (15/10/2008)

>   Ngành gỗ đang đối mặt nhiều rủi ro pháp lý (15/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật