Ngành gỗ trước những thay đổi trên thị trường thế giới
Ngày 14/10, đại diện các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đã trao đổi kinh nghiệm chuẩn bị ứng phó với những thay đổi lớn trên thị trường gỗ quốc tế, sau khi Kế hoạch tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ của Liên minh châu Âu có hiệu lực.
Tại hội thảo "Thay đổi thị trường gỗ thế giới và hành động của ngành chế biến gỗ Việt Nam", các doanh nghiệp đã được nghe giới thiệu về kế hoạch hành động nói trên của Liên minh châu Âu (Kế hoạch FLEGT) và cùng thảo luận các bài học kinh nghiệm của các nhà sản xuất và người mua châu Âu và Đông Nam Á.
Ông Hugh Speechly, đại diện Cục Phát triển Quốc tế Anh cho biết, kế hoạch FLEGT được đưa ra nhằm ngăn chặn khai thác gỗ trái phép và thương mại quốc tế các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn gỗ bất hợp pháp. Hiện có 7 quốc gia châu Âu đã xây dựng chính sách về mua sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp hoặc gỗ có chứng chỉ FLEGT gồm Hà Lan, Anh, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha.
Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2007 đạt 2,4 tỷ USD, là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 5 trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào năm 2008 là 3 tỷ USD và mục tiêu đến năm 2010 là 3,4 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu của ngành gỗ đã được mở rộng sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, cụ thể như công nghiệp gỗ đồ mộc có tới khoảng 80% nguồn nguyên liệu là gỗ tròn lớn nhập khẩu.
Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam và Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức, nhằm giúp các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nắm bắt thông tin và có biện pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường quốc tế, đồng thời đóng góp vào nỗ lực hạn chế khai thác và kinh doanh gỗ bất hợp pháp trên thế giới.
ttxvn
|