Hợp tác Việt Nam - Hy Lạp: Cơ hội lớn cho cả hai bên
Trong lúc Việt Nam xác định EU là một trong những đối tác trọng điểm để thu hút đầu tư thì Hy Lạp được xem như một ứng cử viên đầy tiềm năng với nhiều lợi thế bổ sung cho Việt Nam.
Nhất là khi hai nước vừa ký hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/10, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Cộng hòa Hy Lạp và Đại sứ quán Hy Lạp tại Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp Petros Doukas khẳng định Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp của Hy Lạp.
Việt Nam, cầu nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN
Trước bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, khủng hoảng tài chính tại Mỹ cũng như áp lực lạm phát tại châu Âu, tăng giá của dầu mỏ và lương thực... đòi hỏi các doanh nghiệp Hy Lạp có nhu cầu hợp tác mang tính chiến lược và tham gia vào các thị trường mới nổi. Việt Nam là một trong những thị trường mục tiêu trọng điểm được các doanh nghiệp Hy Lạp tính đến.
“Chúng tôi sẵn sàng đón nhận những rủi ro kể cả khi thị trường khó khăn, cơ hội luôn luôn tồn tại trong kinh doanh với Việt Nam”, ông Konstantinos Antonopoulos, thành viên Hội đồng quản trị Liên đoàn doanh nghiệp Cộng hòa Hy Lạp, Tổng giám đốc Công ty Intralot S.A tự tin nói.
Trích dẫn những phân tích quốc tế, ông Konstantinos Antonopoulos cho rằng trong tương lai gần Việt Nam sẽ cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia với số lượng ngày càng tăng. Việt Nam có lực lượng nhân công dồi dào, chăm chỉ cũng như là cơ sở sản xuất mang tính cạnh tranh với chi phí thấp so với Trung Quốc và các nước khác.
Nhiều công ty đã đưa ra chiến lược “Trung Quốc + 1” cho nhiều nhà máy mới của họ trong trường hợp xảy ra rủi ro ở Trung Quốc và Việt Nam là một lựa chọn.
Quyết tâm của ông Tổng giám đốc Công ty Intralot S.A còn được củng cố hơn nữa bởi vì ông nhận thấy Chính phủ Việt Nam có tư tưởng cởi mở cũng như hướng đến doanh nghiệp. Chính vì vậy, Intralot là công ty Hy Lạp đầu tiên đầu tư 100% vốn vào Việt Nam. Mới đây, Intralot đã ký biên bản thoả thuận với Công ty xổ số Tp.HCM để tiến hành hiện đại hoá hệ thống cho công ty này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp, Petros Doukas cũng nhìn nhận tiềm năng thị trường Việt Nam rất lạc quan. Việt Nam đang hướng đến cơ chế kinh tế thị trường, tự do cởi mở hơn, ngày càng có nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, lĩnh vực dầu khí và hoá chất của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nhiều cà phê nhất thế giới cùng với các sản phẩm nông sản khác đang tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Hy Lạp tham gia giao dịch hàng hoá.
Cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Hy Lạp không chỉ bó gọn trong thị trường Việt Nam. Bởi vì ngoài quy mô thị trường lớn với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam còn là cầu nối với khu vực mậu dịch tự do ASEAN và Trung Quốc. Điều đó cũng đã được các doanh nghiệp Hy Lạp đánh giá cao.
Với kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, ông Marios Mitromaras, giám đốc kinh doanh của Intralot châu Á-TBD nhìn nhận: một khi doanh nghiệp Hy Lạp kinh doanh với Việt Nam, họ sẽ tiếp cận được một trong những thị trường lớn nhất thế giới với khoảng 600 triệu dân của ASEAN. Các công ty Hy Lạp có thể hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác này.
Hy Lạp, cửa ngõ quan trọng ở Nam Âu
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội không nhỏ khi kinh doanh với Hy Lạp, bởi vì đất nước này là cửa ngõ quan trọng ở Nam Âu, qua đó có thể tiếp cận vào thị trường EU rộng lớn. Hy Lạp có vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở ngã tư Balkan, Trung Đông, Biểm Đen và Nam Địa Trung Hải.
Các công ty Hy Lạp đi đầu tại thị trường Balkan cũng như là có quan hệ tốt với các nước trong khối Ảrập. Hy Lạp còn là thành viên chính thức, đầy đủ của Liên minh châu Âu cũng như khu vực đồng Euro (Eurozone). Chính vì thế, nơi đây đang là địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế muốn tiếp cận thị trường của Liên minh châu Âu cũng như khu vực Nam châu Âu.
Ông Konstantinos Antonopoulos cho biết Chính phủ Hy Lạp đã có những cải cách mạnh mẽ, tư nhân hoá các cảng biển mở cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế. Hy Lạp cũng đang nâng cấp để trở thành trung tâm năng lượng quan trọng của khu vực với dự án hàng tỉ Euro về xây dựng và đường ống dẫn khí đốt.
Không chỉ có vậy, Hy Lạp còn được biết đến với một trong những đội tàu biển thương mại lớn nhất nhất thế giới. Tàu biển là lĩnh vực hoạt động năng động nhất trong nền kinh tế Hy Lạp, kiểm soát 25% thương mại toàn cầu. Do đó, hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu đang được các doanh nghiệp hai bên rất quan tâm.
Tại diễn đàn này, người sáng lập ra công ty tàu biển Tsakos Shipping&Trading S.A, ông Panagiotis Tsakos, đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối khi thoả thuận hợp tác hàng hải giữa hai nước vẫn chưa được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hy Lạp.
Hướng phát triển cho doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới được ông Konstantinos Antonopoulos đề xuất theo mô hình đa ngành đa nghề. Đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Lê Danh Vĩnh cho rằng cần thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường biển, du lịch.
Theo Thứ trưởng, người Hy Lạp thông minh, đất nước này từng được biết đến là cái nôi văn minh của thế giới cổ đại, chính vì vậy học hỏi những kinh nghiệm của họ, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu sẽ rất hữu ích. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp được tổ chức lần đầu tiên nhân chuyến thăm Hy Lạp tháng 6 vừa qua của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ đóng mới 8 tàu biển trị giá 600 triệu USD.
Khiêm tốn, nhưng đang tăng nhanh
Hiện nay, quan hệ kinh tế Việt Nam - Hy Lạp vẫn còn hạn chế. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hy Lạp trong 5 năm 2001 - 2006 mới đạt hơn 200 triệu USD nhưng đã tăng nhanh trong thời gian qua. Tám tháng năm 2008 đạt 90 triệu USD bằng cả năm 2007.
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp, các con số không thể phản ánh được hết tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn. Bởi vì có rất nhiều doanh nghiệp Hy Lạp đang nóng lòng được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bằng chứng là đã có 150 đại diện đến từ 33 tổ chức và tập đoàn lớn của Hy Lạp tham dự Diễn đàn kinh tế này. Do đó, Thứ trưởng Petros Doukas kêu gọi: cơ hội đang hiện ra, doanh nghiệp hai nước cần bắt tay nhau để tiến nhanh nếu không sẽ bị lùi lại.
tbktvn
|