Dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam:
Xây một lúc bốn lò phản ứng là liều lĩnh
Trong khi nhiều nước tiên tiến trên thế giới dè dặt từng bước khi xây dựng cơ sở điện hạt nhân đầu tiên trên đất nước mình thì Việt Nam đang dự định triển khai gần như cùng lúc bốn lò với công suất cực lớn.
Dự thảo kế hoạch này đang được Bộ Công Thương xây dựng để trình Quốc hội, gồm hai nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) cạnh nhau với bốn lò phản ứng, mỗi lò 1.000 MW, để đưa vào vận hành từ năm 2020 đến 2024.
Lần đầu tiên, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã lên tiếng phản đối chủ trương này và khuyến nghị chỉ nên bắt đầu bằng một lò để có thể hoàn thiện.
Tiềm lực non kém
Là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất chủ trương xây cùng lúc bốn lò phản ứng hạt nhân tại Việt Nam, GS Phạm Duy Hiển – một trong những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về vật lý hạt nhân, nhận định, so với những nước hiện đang có ĐHN, tiềm lực hạt nhân của Việt Nam hiện chưa có gì đáng nói.
Số người am hiểu lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, năng lực nghiên cứu chuyên ngành về ĐHN chưa hề có. Điều đáng sợ hơn là tính kỷ luật, tôn trọng quy chế, luật pháp của người dân và hệ thống quản lý còn yếu kém mà các vụ thất thoát nguồn phóng xạ ở một số cơ quan, nhà máy thời gian qua cũng là minh họa tiêu biểu.
“Mặc dù khoa vật lý hạt nhân đã được mở ở một số trường đại học, nhưng đào tạo của ta hiện nay chỉ là “thoát nạn mù chữ” về ĐHN, chứ làm sao gọi là đào tạo chuyên gia được - GS Hiển nói - Toàn bộ nội lực của nền công nghiệp chúng ta chỉ có hạn.
Chính vì chậm tiến độ và trục trặc kỹ thuật ở nhiều nhà máy nhiệt điện và thủy điện mà hiện nay Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN) không cung cấp đủ điện, dân thường xuyên chịu cảnh cúp điện. Cho nên, xây một lúc bốn lò phản ứng công suất 4.000 MW là quá sức và không khả thi. Thậm chí, không khéo sẽ tác hại đến toàn bộ quá trình đưa ĐHN vào Việt Nam”.
GS Hiển cho rằng cần phải có thời gian để học cách tổ chức quản lý, cách thực thi luật pháp thích ứng với một công nghệ có nhiều tiềm năng mất an toàn như ĐHN. “Theo tôi, trước tiên chỉ nên khởi động một lò và cố tận dụng trường học thực tiễn này để xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ chuyên gia, cơ sở hạ tầng, học cách thực thi pháp luật hạt nhân, rồi trong quá trình đó sẽ tính tiếp. Thành công của dự án không chỉ là đưa một lò phản ứng vào hoạt động, mà chính là có được nền tảng bước đầu đủ sức nhân lên cho các bước tiếp theo” – GS Hiển nói.
GS Trần Đình Long, người từng có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành điện Việt Nam, thì cho rằng quá trình đấu thầu hiện nay đang có vấn đề. Theo ông, quá trình lựa chọn thiết bị, công nghệ cho điện hạt nhân phải khác hẳn quá trình đấu thầu điện hiện nay. Ngoài ra, phải có thời gian đào tạo nguồn nhân lực ít 15 năm mới có thể chọn mặt gửi vàng để trao cho đội ngũ này đảm trách vấn đề an ninh quốc gia.
Việc xây một lò để “nghe ngóng”, tính toán và thay đổi phù hợp với biến đổi khí hậu cũng là khía cạnh cần được tính đến. “Kiến thức về biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện vẫn còn rất ít. Phải cẩn thận! Làm một lò để tăng kiến thức và có cơ hội sửa sai. Hi vọng Chính phủ sẽ nghe theo ý kiến các nhà khoa học. Từ không thành có mới khó, chứ từ ít đến nhiều thì dễ” - GS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, bày tỏ.
Chủ quan với an ninh quốc gia?
Theo giới khoa học Việt Nam, dường như các nhà quản lý bắt đầu chủ quan với vấn đề an toàn, an ninh của một lĩnh vực được coi là đặc biệt nguy hiểm: Hạt nhân. Việc chủ quan thể hiện ở chỗ, đang có nhiều luồng thông tin cho rằng ĐHN hiện nay là an toàn.
“Đành rằng với các lò tiên tiến thế hệ thứ ba hiện nay, rất khó xảy ra những thảm họa gieo rắc chất phóng xạ ra phạm vi hàng nghìn cây số do sai sót trong vận hành như sự cố Chernobyl, nhưng xác suất xảy ra sự cố sẽ càng cao khi chưa có kinh nghiệm quản lý đã xây cùng lúc bốn lò phản ứng, như phương án hiện nay của chúng ta” – GS Hiển cảnh báo.
Đồng tình với quan điểm này, giới khoa học cho rằng ĐHN an toàn đến mức nào không chỉ đơn thuần là vấn đề công nghệ, mà phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý tổ chức và trình độ nhân lực. ĐHN có thể khá an toàn ở Pháp, Đức, Phần Lan, nhưng lại rất không an toàn ở một nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam.
Một trong bốn lò phản ứng mà Việt Nam sẽ vận hành sau năm 2020 có công suất nhiệt gấp 6.000 lần lò phản ứng Đà Lạt, lượng chất phóng xạ chứa trong lò cũng nhiều hơn hàng nghìn lần. Nghĩa là nội lực của ta phải nhân lên gấp bội mới đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an toàn cho các nhà máy ĐHN trong tương lai.
Theo GS Chu Hảo, trước sau gì Việt Nam cũng phải dùng ĐHN, nhưng cần nghiên cứu xem nếu không quá cấp bách về mặt năng lượng thì đẩy thời gian vận hành nhà máy ĐHN càng xa càng tốt để hoàn thiện hơn về nhân lực, tiềm lực công nghệ, quản lý, v.v… “Công nghệ vận hành như bây giờ vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Có thể sau này sẽ có công nghệ tiên tiến hơn. Việc xử lý chất thải hạt nhân hiện nay cũng chưa thực sự an toàn” – GS Hảo lo ngại.
Các nhà khoa học cũng đưa ra dẫn chứng về phát triển ĐHN ở các nước tiên tiến. Theo đó, trong lịch sử phát triển ĐHN trên thế giới, chưa có nước nào vào cuộc một lúc với 4.000 MW và 15% tổng sản lượng điện như kịch bản của ta! “Hùng hậu nhất, lại rất khát điện như Trung Quốc cũng không dám” – GS Hiển cho biết - Trung Quốc bắt đầu có nhà máy ĐHN đầu tiên năm 1991 với công suất khiêm tốn 300 MW. Sau ba năm nhà máy này mới đi vào vận hành thương mại và một năm sau mới được cấp chứng chỉ. Sau 17 năm, tại cụm ĐHN này chỉ có thêm 2.800 MW”.
Việc nhấn mạnh điện hạt nhân an toàn, bất chấp năng lực công nghệ và quản lý yếu kém – như đang diễn ra hiện nay - chẳng những là tuyên truyền sai sự thật mà còn làm cho mọi người chủ quan, nhất là các cấp lãnh đạo, và hậu quả sẽ khôn lường
GS Phạm Duy Hiển
TP
|