Thứ Năm, 16/10/2008 08:30

Mở đường hội nhập

Chưa có con số thống kê rạch ròi, nhưng những đóng góp của các doanh nhân Việt kiều với ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Có thể nói, nhờ họ (doanh nhân Việt kiều) mà ngành công nghiệp này có cơ hội và tốc độ phát triển nhanh hơn.

Những gương mặt điển hình

TMA là doanh nghiệp làm phần mềm thành lập khá sớm, từ năm 1997 với 6 kỹ sư, nay đã có tới trên 850 kỹ sư chuyên về lập trình phần mềm. Từ một doanh nghiệp chỉ có cơ sở tại Việt Nam, hiện doanh nghiệp này đã có trụ sở tại Mỹ, Canada, Nhật Bản… Dù là một doanh ghiệp trong nước nhưng để có được thành công như hôm nay, không chỉ là nội lực mà còn có cả đóng góp của nhiều doanh nhân Việt kiều như ông Nguyễn Hữu Lệ (hiện ông Lệ là Chủ tịch Hội đồng tư vấn của TMA, Việt kiều Canada).

Global Cybersoft (gọi tắt là GCS) là công ty “con” của Global Cybersoft Inc., (có trụ sở tại thung lũng Silicon, Hoa Kỳ) cũng là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm có uy tín của Việt Nam với thị trường thế giới, trong đó có nhiều công đóng góp của trí thức Việt kiều Mỹ, Đức và Pháp đã và đang làm việc tại đây. GlassEgg Digital Media của ông Phil Trần (Việt kiều Mỹ) cũng là một doanh nghiệp phần mềm có nhiều đóng góp cụ thể cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Pyramid Software Development (PSD) của Việt kiều Mỹ Nguyễn Ngọc Thịnh cũng là một doanh nghiệp có tên tuổi trong làng phần mềm Việt Nam mà khách hàng trong và ngoài nước thường tìm đến để đặt hàng.

Vì nhiều lý do mà hiện nay doanh số cụ thể của từng doanh nghiệp phần mềm Việt kiều chưa được tiết lộ nhưng theo giới quan sát trong lĩnh vực này, doanh số của nhiều doanh nghiệp này có thể đạt trên 10 triệu USD/ năm. Còn khá nhiều doanh nghiệp Việt kiều về từ Pháp, Đức, Mỹ, Canada… cũng tham gia vào lĩnh vực này nhưng doanh số còn khá khiêm tốn, nguồn nhân lực còn ít (dưới 50 người) nên họ ngại xuất hiện trước công chúng. Công việc của họ là thực hiện các dự án mà họ kiếm được từ các đối tác truyền thống của họ từ các quốc gia mà họ sinh sống.

Dù chưa thể sánh bằng một số doanh nghiệp trong nước như FPT, CMC… về doanh số cũng như số lượng nguồn nhân lực nhưng vai trò và năng lực hoạt động của các doanh nghiệp Việt kiều trong lĩnh vực sản xuất và gia công phần mềm liên tục tăng trưởng. Trong đó, phần đóng góp quan trọng nhất là tăng trưởng về quy mô hoạt động, trình độ nguồn nhân lực.

Cầu nối quan trọng

Ông Trần Minh Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Công nghệ thông tin (nay trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã từng nhận xét rằng: trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Việt kiều đã đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực này trong nước phát triển. Trước hết, họ nắm bắt được thông tin về công nghệ và thị trường toàn cầu cũng như có nhiều mối quan hệ với các đối tác.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn TMA Solutions đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, đóng góp của các doanh nghiệp Việt kiều với ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam không phải là vốn mà là những giá trị “phi vật thể”: năng lực tổ chức, khả năng tiếp cận về kỹ thuật công nghệ, tiếp thị và quan hệ bền vững với khách hàng. Ông Lệ cho rằng, vốn không phải là vấn đề quan trọng vì hiện có nhiều nhà đầu tư tài chính sẵn lòng mở hầu bao nếu như doanh nghiệp chịu khó làm cũng như chứng minh được vai trò của mình không chỉ ở lĩnh vực phần mềm mà còn nhiều lĩnh vực khác của ngành công nghệ thông tin.

Không quá lời, nhưng các doanh nghiệp phần mềm Việt kiều chính là những người đã hướng các lập trình viên trong nước làm việc theo những phương thức hiện đại như làm việc theo nhóm, năng lực tư duy độc lập và tự chủ, không quá phụ thuộc vào cung cách “cầm tay chỉ việc”. Từ những mô hình làm việc này mà gần đây trên thị trường xuất hiện những doanh nghiệp phần mềm mới mà những ông chủ trẻ này vốn xuất thân từ những doanh nghiệp phần mềm Việt kiều. Giám đốc một doanh nghiệp phần mềm vừa tròn 2 tuổi (đề nghị không nêu tên) tâm sự: “Tôi cảm ơn họ nhiều lắm. Nhờ làm việc ở đó gần 5 năm mà tôi đã học được nhiều điều, từ công nghệ cho đến kinh nghiệm kể cả những quy trình quản lý hiện đại khi còn làm việc trong nước cũng như thời gian được tu nghiệp ở chính đại bản doanh của họ ở nước ngoài”. Từ những kinh nghiệm đó mà doanh nghiệp này hiện được đánh giá là có tiềm năng trong ngành viết trực tiếp phần mềm.

Một trong những đóng góp của các doanh nghiệp phần mềm cần được ghi nhận chính là tư vấn chính sách cũng như họ là cầu nối để các trí thức Việt kiều về nước làm việc trực tiếp trong ngành phần mềm hoặc tham gia giảng dạy đào tạo nguồn nhân lực cho ngành phần mềm (như trường Saigon Tech của Việt kiều Mỹ Nguyễn Văn Sáu).

Cần chính sách thoáng hơn…

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh - Tổng giám đốc PSD cho biết: ngành công nghệ thông tin mà cụ thể là ngành công nghiệp phần mềm là lĩnh vực có thể kêu gọi sự đóng góp của trí thức Việt kiều nhiều nhất nhưng trên thực tế con số doanh nghiệp này chưa nhiều. Thị trường phần mềm trong nước còn quá nhỏ, chỉ tập trung vào những phần mềm đơn giản và các dự án nhà nước, trong khi đó, thị trường tự do chưa có vì vấn nạn vi phạm bản quyền và sự thiếu quan tâm của người tiêu dùng.

So với những lĩnh vực khác, ngành công nghệ thông tin nói chung và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng được hưởng nhiều quyền lợi hơn từ các chính sách ưu đãi khá rõ ràng của nhà nước như giảm thuế (hoặc miễn thuế có thời hạn), ưu tiên mặt bằng cùng cơ sở hạ tầng…. nhưng số lượng doanh nghiệp Việt kiều vẫn chưa được như mong muốn, tầm hoạt động chưa xứng với năng lực của họ là vì hiện nay nguồn nhân lực vẫn còn thiếu và yếu.

Ông Võ Thành Cương, Phó tổng giám đốc Công ty IACP Asia (Việt kiều Pháp) thẳng thắn nói: “Chúng tôi không thiếu hợp đồng từ các đối tác nước ngoài cũng như từ tập đoàn mẹ bên Pháp chuyển sang nhưng chúng tôi không thể làm được gì hơn vì hiện nay quá thiếu người. Lương cao ư? Nhiều chính sách ưu đãi hả? Chúng tôi đã thử đủ cách nhưng không thể tìm ra được người làm việc được như yêu cầu của công ty đặt ra”.

doanh nhân

Các tin tức khác

>   Nhật-Việt sẽ thành lập Uỷ ban Chống tham nhũng ở các dự án ODA (16/10/2008)

>   Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn (16/10/2008)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu lo cho năm tới (16/10/2008)

>   Sẽ xử phạt những giao dịch không qua sàn (16/10/2008)

>   Nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp đi vào hoạt động (16/10/2008)

>   Lao đao vì “bão” melanime (16/10/2008)

>   Tân Hiệp Phát đạt doanh số gần 1.200 tỉ đồng/năm (16/10/2008)

>   Bấp bênh cá da trơn (16/10/2008)

>   Đối mặt với giá giảm, thị trường bị thu hẹp! (16/10/2008)

>   Năm 2009, kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng khoảng 6,5% (16/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật