Xuất khẩu 3 tháng cuối năm 2008
Đối mặt với giá giảm, thị trường bị thu hẹp!
Kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước 9 tháng năm 2008 đã đạt 48,56 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu XK 3 tháng còn lại sẽ đạt khoảng hơn 16 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch XK cả năm lên 65 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với kế hoạch đặt ra là 61,2 tỷ USD.
Để đạt được con số này, cần có nỗ lực rất lớn từ nhiều phía. Đây là nội dung chính của hội nghị giao ban XK 9 tháng của năm, bàn biện pháp đẩy mạnh XK và giảm nhập siêu những tháng cuối năm, được tổ chức tại TPHCM vào ngày 15-10.
* Sẽ cạnh tranh quyết liệt để giành thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, kim ngạch XK các mặt hàng của VN 9 tháng năm 2008 đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2007. Thế nhưng, tình hình XK đang diễn biến hết sức phức tạp. Kim ngạch XK những tháng cuối năm sẽ bị tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tổng cầu thế giới chắc chắn sẽ giảm, kéo theo giá hàng hóa cũng sẽ giảm mạnh. Biểu hiện rõ nhất trong tháng 9, kim ngạch ước tính sẽ đạt 5,5 - 5,6 tỷ USD nhưng kết quả thực hiện chỉ đạt 5,3 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ nhưng lại giảm tới 11,9% so với tháng 8.
Nguyên nhân chính, bên cạnh việc XK bị giảm về lượng ở một số mặt hàng (như dầu thô giảm 279 ngàn tấn, tương đương với kim ngạch mặt hàng này bị giảm tới 395 triệu USD; dệt may giảm 101 triệu USD; giày dép giảm 72 triệu USD) thì giá XK cũng đã bắt đầu giảm mạnh trong tháng 9. Ở mặt hàng gạo, mặc dù sản lượng tăng 39.000 tấn nhưng kim ngạch lại giảm tới 39 triệu tấn; thủy sản cũng bị giảm tới 33 triệu USD. Giá bán cao su cũng đang bị tuột dốc khá mạnh. Nếu như hồi tháng 7, bán 1 lít mủ cao su được 50.000 đồng thì đến tháng 9 chỉ còn từ 7.000-8.000 đồng/lít; dầu thô từ 140 USD/thùng, nay còn xấp xỉ 80 USD/thùng. Vì vậy, những mặt hàng đang được kỳ vọng để tăng lượng hàng XK chính là nông lâm hải sản và thực phẩm chế biến.
Theo đó, việc XK vào các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật và EU cũng đang có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh vì người tiêu dùng đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. 9 tháng, XK vào Mỹ chỉ tăng 16,7%, trong khi đó năm 2007 tăng tới 26,7%.
Ông Nhữ Hồng Hanh, Trưởng phòng XNK Tổng Công ty May Việt Tiến thừa nhận, XK của công ty vào Mỹ hiện nay chỉ tăng được 24% trong khi năm ngoái mức tăng là 35%. Hàn Quốc là thị trường mới của các DN XK thủy sản nhưng ngay từ ngày 1-1-2009, các DN cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì nước này đã ký Hiệp định thương mại song phương với Thái Lan. Theo đó thuế suất của Thái Lan vào Hàn Quốc chỉ còn 0%-5%, trong khi DNVN vẫn phải chịu mức thuế 15%-20%.
Theo dự báo của lãnh đạo Bộ Công thương và các hiệp hội, sẽ có một cuộc cạnh tranh quyết liệt về chất lượng hàng hóa và giá cả để giành thị trường trong 3 tháng còn lại và trong năm 2009. Trong đó, DNVN sẽ phải đối đầu với các đối thủ rất nặng ký như Trung Quốc và các nước ASEAN. Thế nhưng, một khi nhu cầu bị giảm mạnh thì hàng của các nước này có thể sẽ “đổ” vào VN. Điều này đồng nghĩa, ngay tại thị trường nội địa, DNVN cũng sẽ phải cạnh tranh sống còn để tồn tại.
* Phải có cơ chế cho xuất khẩu
Hầu hết ý kiến của các hiệp hội đều cho rằng, XK đang bộc lộ nhiều yếu tố không thuận lợi, song khả năng hoàn thành chỉ tiêu XK năm 2008 là rất khả thi, nếu các bộ ngành chịu lắng nghe để kịp thời gỡ khó cho DN.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN cho biết, đã có 20% các DN của ngành gỗ đã bị phá sản vì không vay được vốn, 50% tạm thời yên ổn và 30% DN là cực kỳ khó khăn. Theo dự báo, khó khăn đã đến nhưng đỉnh điểm của nó sẽ là năm 2009. Mặt khác, yêu cầu từ các đối tác nhập khẩu đồ gỗ đòi hỏi ngày càng cao hơn trong việc hoàn thiện về chất lượng, chứng chỉ, nguồn gốc xuất xứ, môi trường. Trong khi đó, sản xuất trong nước thì nguồn điện vẫn chưa đảm bảo, thường bị cắt điện đột xuất….
Cùng quan điểm này, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN thừa nhận, hầu hết các DNNVV của chúng ta phải đi gia công, lợi nhuận chỉ đạt 10%, trong khi lãi suất ngân hàng lên đến 18%-19%! Đó là chưa kể, DN còn chịu 10% thuế VAT và để được hoàn lại số tiền này cũng phải mất khoảng 3 tháng và phải chịu nhiều chi phí đang tăng khá cao.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú bức xúc khi cho rằng, bình quân 1 ngày DN này XK khoảng 10 container, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan như kẹt cảng, thiếu phương tiện vận chuyển nên Minh Phú chỉ XK được 5 container. Theo đó, hàng loạt DN thủy sản đang lâm vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng và nếu không có những pháp khả thi thì nguồn nguyên liệu sẽ tiếp tục bị ứ đọng…
“Do cúp điện, nên các DN sản xuất bao bì đã không đáp ứng kịp cho các DN sản xuất. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng, DN chế biến phải đi năn nỉ DN sản xuất bao bì. Nếu không đặt hàng trước 20 ngày thì sẽ không có bao bì để đóng hàng” – ông Quang nói.
Để các DN bớt khó, theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cần có cơ chế riêng về vốn vay, lãi suất cho DN sản xuất. Theo ông Mạnh, lãi suất nên duy trì ở mức từ 10%-11% là vừa phải. Cùng với đó, vướng mắc về thủ tục hành chính, hải quan, phí vận chuyển và các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất… cần được tháo gỡ đồng bộ.
Về vấn đề điện, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, nếu các DN vẫn bị cúp điện đột xuất thì gửi văn bản trực tiếp về Bộ Công thương để làm việc lại với ngành điện.
Theo lời khuyên của ông Biên, trong tình hình hiện nay, các DN không nên đầu tư dàn trải mà cần phải đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng hàng hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với các đối tác XK, cần tiến hành rà soát lại các hợp đồng dài hạn, xem lại khả năng thanh toán để tránh rủi ro. Trong trường hợp nghi ngờ, nên liên hệ ngay với các thương vụ để tiến hành xác minh.
Ngoài sự góp sức của các bộ, ngành trong việc đa dạng hóa thị trường XK thì tự mỗi DN cũng cần chú trọng vấn đề này, tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”. Đối với những kiến nghị khác, trong khả năng thì Bộ sẽ giải quyết ngay.
“Bộ sẽ sát cánh cùng DN vượt qua khó khăn để đưa kim ngạch XK năm 2008 đạt 65 tỷ USD. Đây là một con số ấn tượng của VN trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái. Mặt khác, con số này rất có ý nghĩa trong việc đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2008” – Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên kết luận.
10 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD
Theo Bộ Công thương, đến nay đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cụ thể, dầu thô đạt 8,8 tỷ USD, tăng 52%; dệt may đạt 6,8 tỷ USD, tăng 20,2%; giày dép đạt 3,4 tỷ USD; thủy sản đạt 3,3 tỷ USD; gạo đạt 2,4 tỷ USD; đồ gỗ đạt 2 tỷ USD; điện tử và linh kiện máy tính đạt 1,9 tỷ USD; cà phê đạt 1,6 tỷ USD; cao su 1,25 tỷ USD và than đá 1,14 tỷ USD. Đây cũng chính là nhóm các mặt hàng chủ lực để làm nên kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm đạt 48,56 tỷ USD.
Ông Phạm Thế Dũng – Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công thương: Sức ép nhập siêu từ ASEAN và Trung Quốc gia tăng
Kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm đạt 64,1 tỷ USD, tăng 47,6% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch, cả năm chúng ta sẽ nhập khẩu 83 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là ASEAN chiếm 25% và Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng kim ngạch nhập khẩu. Theo dự kiến, do tổng cầu trên thế giới giảm nên khả năng có rất nhiều hàng hóa sẽ đổ vào VN, trong đó chủ yếu là hàng ASEAN và Trung Quốc.
Nguyên nhân chính là mức thuế suất từ ASEAN vào VN đã giảm mạnh, nhiều mặt hàng chỉ còn từ 0%-5%. Theo dự kiến, nhập siêu từ ASEAN năm 2008 có thể lên đến 11 tỷ USD và từ Trung Quốc là từ 11-12 tỷ USD.
Ông Phạm Xuân Hồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Nghiên cứu sớm tác động khủng hoảng tài chính Mỹ đến kinh tế VN
Mỹ là một trong những thị trường chủ lực đối với XK của VN, đặc biệt là ngành dệt may. Sau 9 tháng, XK mặt hàng này vào Mỹ đã bắt đầu giảm khá mạnh. Để giảm thiểu thiệt hại cho các DN, tôi đề nghị Bộ Công thương phải tiến hành nghiên cứu sớm tác động khủng hoảng tài chính của Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung, từ đó trao đổi cụ thể với từng hiệp hội ngành hàng và tìm biện pháp đối phó. Cùng với Mỹ, thị trường Nhật cũng rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Do vậy, Chính phủ cần tiến hành sớm việc ký kết Hiệp định đối tác toàn diện Việt - Nhật. Trong trường hợp Hiệp định này được ký kết thì nhiều mặt hàng, trong đó dệt may sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt và như vậy hàng VN vào Nhật sẽ dễ dàng hơn.
sggp
|