Thứ Năm, 16/10/2008 00:23

Phát triển hạ tầng cảng biển làm tiền đề tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đến làm việc tại cảng Sài Gòn, thăm và tặng quà công nhân khu vực cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, thuyền viên tàu chuyên chở container S.Piooner, sáng 15/10.

Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn Lê Công Minh đã báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình sản xuất kinh doanh thời gian qua cũng như một số vấn đề nổi bật hiện nay của hệ thống cảng lớn nhất nước này. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2008, tổng sản lượng hàng hóa đạt 9,4 triệu tấn, tổng doanh thu 866 tỷ đồng, nộp ngân sách 40 tỷ đồng, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, hiện Cảng Sài Gòn đang tích cực thực hiện công tác di dời, chuyển đổi công năng và đưa cảng hàng hóa ra khỏi khu vực nội thành. Hiện đã hoàn tất công tác lập dự án đầu tư xây dựng cảng mới tại Hiệp Phước với quy mô khoảng 100 ha, tổng chiều dài bến khoảng 1.800 m, năng lực thông qua 18 triệu tấn hàng hóa/năm. Diện tích xây dựng giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành GPMB và có thể đưa vào khai thác từ cuối năm 2011. Việc chuyển đổi công năng Khu Nhà Rồng – Khánh Hội thành cảng tàu khách quốc tế, trung tâm hàng hải, thương mại dịch vụ cũng chuẩn bị triển khai. Cảng Sài Gòn cũng đã chọn lựa đối tác trong các hãng tài lớn và các nhà khai thác cảng biển hàng đầu thế giới để liên doanh đầu tư xây dựng khai thác các cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép – Thị Vải.

Tình trạng ách tắc hàng hóa trong thời gian qua ở cụm cảng khu vực TP. HCM, theo Tổng Giám đốc Lê Công Minh, nay đã cơ bản được giải quyết. Nguyên nhân lớn nhất gây nên ách tắc hàng hóa là tuyến đường kết nối và hạ tầng yếu kém. Cùng lúc, lượng hàng hóa, nhất là hàng container tăng đột biến, lại tập trung vào một số cảng như Cát Lái, kết hợp với tình trạng tích trữ hàng hóa (điển hình là sắt thép) tại các kho bãi và sau đó các chủ hàng gặp khó khăn về tín dụng, thanh toán nên hàng tồn đọng.

Hạ tầng cảng biển phải đi trước một bước

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống cảng biển được Chính phủ tập trung tạo điều kiện đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Lĩnh vực hạ tầng cảng biển cần đi trước một bước, làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư.

Chủ trương di dời hệ thống cảng trong nội đô TP. Hồ Chí Minh là một đòi hỏi tất yếu nhưng nhìn chung tiến trình thực hiện (theo Quyết định 791/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) còn chậm. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chủ quản phải nỗ lực, thúc đẩy các dự án hạng mục đã được quy hoạch, phê duyệt. Trước mắt cố gắng đẩy sớm thời điểm vận hành Cảng Hiệp Phước giai đoạn I thay thế Cảng Sài Gòn hiện nay vào cuối năm 2010.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với các dự án thành phần của Cảng Sài Gòn hiện nay. Đối với Cảng Hiệp Phước giai đoạn I, chủ đầu tư tổ chức thực hiện san lấp, GPMB ngay những diện tích đã giải tỏa, không chờ đến khi hoàn thành giải tỏa 100%; thực hiện sớm quy hoạch xây dựng 1:2000 đối với 9 đơn vị cảng có chủ trương chuyển đổi công năng. “Riêng trường hợp khu Nhà Rồng – Khánh Hội, thực hiện quy hoạch chi tiết phải tính kỹ tới phương án kiến trúc để khu vực này khi trở thành cảng tàu khách quốc tế, trung tâm hàng hải, thương mại và là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Qua một số vấn đề vướng mắc trong hoạt động cảng biển Việt Nam nói chung và cảng biển khu vực TP.HCM nói riêng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xem xét, rà soát cơ chế quy định tiêu chí dự án đầu tư các cảng biển, trong đó chú ý các tiêu chuẩn thực hiện dự án, khai thác cảng phải gắn với các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như giao nhận, kho vận,… Hệ thống văn bản quản lý cảng biển cần rà soát lại cho phù hợp với quy mô, sự đa dạng nguồn đầu tư hiện nay. Bổ sung tiêu chí  các DN hàng hải, giải thích rõ tình trạng tỷ suất lợi nhuận của DN khai thác cảng VN hiện còn thấp, so sánh thời gian, thủ tục dịch vụ cảng với quốc tế để chấn chỉnh,…

Cảng Sài Gòn là một trong các cảng biển được thành lập rất sớm ở Việt Nam (từ năm 1860), là cửa ngõ giao thương quốc tế của TP.HCM và khu vực phía Nam. Sau ngày Miền Nam giải phóng, Cảng Sài Gòn được tiếp quản và cải tạo thành xí nghiệp quốc doanh của ngành Giao thông vận tải. Đến năm 2007, được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước.

Năm 2007, Cảng Sài Gòn đã đạt 13,6 triệu tấn hàng hóa các loại thông qua, là mức sản lượng kỷ lục từ khi thành lập đến nay, với doanh thu 653 tỷ đồng, nộp ngân sách 32 tỷ đồng, thu nhập bình quân 4,4 triệu đồng/người/tháng. Với thành tích đó, Cảng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

chính phủ

Các tin tức khác

>   Tân Cảng-một trong những mô hình phù hợp phát triển hạ tầng cảng biển (15/10/2008)

>   Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành than (15/10/2008)

>   Chủ động thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu (15/10/2008)

>   Quan hệ hợp tác Đà Nẵng - Kawasaki (Nhật bản) ngày càng phát triển (15/10/2008)

>   Nhật Bản coi trọng hợp tác ODA với Việt Nam (15/10/2008)

>   Xuất khẩu Việt Nam dễ bị tổn thương (15/10/2008)

>   TPHCM:  9 tháng đầu năm, thu hút hơn 8 tỷ USD vốn FDI (15/10/2008)

>   Bán dự án: Tham thì thâm (15/10/2008)

>   Đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng (15/10/2008)

>   Ngành gỗ trước những thay đổi trên thị trường thế giới (15/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật