Lao đao vì “bão” melanime
Tâm lý lo ngại của người tiêu dùng do vụ sữa nhiễm melamine đã khiến doanh số của các công ty sản xuất sữa giảm mạnh, rất nhiều nông dân nuôi bò không bán được sữa, hàng ngàn công nhân đang bị giảm thu nhập.
Đang trong chuyến công tác từ Bắc vào Nam để tìm hiểu tình hình thực tế việc tiêu thụ sản phẩm của công ty mình trong "bão" melamine, ông Phạm Ngọc Châu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Hancofood, than trời về tình trạng sụt giảm doanh thu của công ty mình. So với trước thời điểm xảy ra vụ nhiễm melamine, doanh thu của Hancofood đã giảm một nửa. Ông Châu cho biết, công suất của công ty cũng được điều chỉnh lại vì lượng tiêu thụ quá chậm, nếu giữ công suất cũ sẽ dẫn đến tình trạng tồn kho sản phẩm mà điều này thì không thể được.
Bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc Công ty Nutifood - cũng cho biết, những ngày đầu khi xảy ra vụ sữa nhiễm melamine, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Nutifood bị ảnh hưởng mạnh. Nhiều đại lý ngần ngại khi nhập hàng bởi người tiêu dùng rất nghi ngại. Đến thời điểm này, lượng tiêu thụ của Nutifood đã ổn định trở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Còn theo chủ một đại lý sữa tại đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM), lượng tiêu thụ sữa các loại của đại lý này đã giảm mạnh trong thời gian qua.
Người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng các loại sữa khác với thói quen của mình. "Không ít người đã ngưng sử dụng sữa và rất nhiều người khác chuyển sang dùng sữa nhập khẩu 100% từ Mỹ. Trước đây, những người này rất tin tưởng các thương hiệu sữa trong nước" - chủ đại lý này cho biết. Vụ sữa nhiễm melamine đang khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí thái quá. Điều này đã gây khó khăn cho các công ty sản xuất, kinh doanh sữa chân chính, cho nông dân nuôi bò sữa và cả những đại lý tiêu thụ. Tình hình nghiêm trọng đến mức đã có những cảnh báo về việc có thể nhiều công nhân trong ngành sẽ mất việc.
Làm thế nào để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho ngành sữa? Hiện hầu hết các doanh nghiệp sữa Vinamilk, Nutifood, Hancofood… đã chủ động gửi mẫu tất cả các loại nguyên liệu, thành phẩm sữa đi kiểm nghiệm và đã có kết quả chứng nhận không có melamine trong sản phẩm của mình. Ngay sau khi có kết quả, các công ty này cũng gửi cho các cơ quan có thẩm quyền và chờ đợi được chính thức công bố kết quả. Thế nhưng đến thời điểm này, khi Bộ Y tế công bố "Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được sữa nhiễm melamine" thì những công ty vô can trong vụ này vẫn chưa được Bộ Y tế công bố.
Phương pháp tự bảo vệ mình của hầu hết các công ty là gửi kết quả xét nghiệm không có melamine cho các đại lý để thuyết phục người tiêu dùng, đăng quảng cáo kết quả xét nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nói như một người trong ngành "mình tự nói về mình thì chưa đủ thuyết phục. Người tiêu dùng chỉ tin tưởng ở cơ quan chức năng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp giúp đỡ chúng tôi. Phải xác nhận, công bố giúp các công ty sữa làm ăn chân chính giảm thiểu ảnh hưởng, đừng để tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" giết chúng tôi".
Giám đốc một công ty sữa lớn tại TP.HCM cũng cho rằng, việc kiểm tra, phát hiện và công bố các sản phẩm sữa nhiễm melamine là hết sức cần thiết nhưng đồng thời, Bộ Y tế cũng nên công bố những sản phẩm sữa, các công ty sản xuất kinh doanh sữa không nhiễm melamine để người tiêu dùng vững tâm và có sự lựa chọn đúng đắn.
tn
|