Thứ Năm, 16/10/2008 09:10

Tìm giá trị thật của thị trường BĐS: "Đánh thuế cao vào tỷ suất lợi nhuận”

Thị trường BĐS được xem là một ngành then chốt, là hàn thử biểu của một nền kinh tế. Nhưng, thời gian qua cũng như hiện tại tình hình thị trường luôn nằm trong tình trạng "đóng băng”. Khi nào và làm thế nào để thị trường hồi phục? Nhưng, đặc biệt là hồi phục, nhưng đúng giá trị thật, có lợi cho Nhà nước, DN, người dân. DĐDN có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội XD Việt Nam.

Thường thì khi nói đến sự hồi phục, sự phát triển của thị trường BĐS, người ta cứ nghĩ đến việc giá BĐS sẽ tăng. Điều này không đúng hoàn toàn. Thị trường hồi phục, phát triển là có nhiều giao dịch thành công - ông Liêm nhấn mạnh.

- Ông đánh giá thế nào về tình trạng suy thoái trong lĩnh vực BĐS hiện nay?

Tôi không nghĩ là suy thoái. Tôi cho đó là suy giảm. Nhưng, suy giảm ở phân khúc nào? Hiện chỉ có suy giảm ở những căn hộ giá cao (thường được xem là căn hộ cao cấp, sang trọng...). Thị trường văn phòng vẫn tiếp tục có nhu cầu. Trong phân khúc thị trường văn phòng cho thuê thì chỉ có thị trường văn phòng cho thuê hạng trung bình (chủ yếu là các DN trong nước thuê) thì hơi khó khăn. Điều này cũng bình thường thôi do các DN đang thiếu kinh phí đi thuê (chi phí thuê văn phòng thường chiếm một khoản tiền lớn). Họ phải tìm cách khác, không thuê hoặc thuê với diện tích nhỏ hơn... Tôi nghĩ, trong tình hình khó khăn chung hiện nay, việc thị trường BĐS đi xuống cũng là điều bình thường.

- Nhưng, theo ông, đã đến lúc chúng ta phải làm gì đó để "vực dậy"?

Đúng, nhu cầu thực sự vẫn lớn, rất lớn, nhất là ở một số phân khúc. Đã đến lúc phải làm cho nó hồi phục. Điều này phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, của các ngành. Cho đến thời điểm này tôi vẫn chưa thấy được một quyết định chính thức nào của các cơ quan có trách nhiệm đưa ra là phải làm sao, làm gì, chính sách nào để "đối xử" với thị trường quan trọng này. Cũng có một vài vị, một vài ý kiến nêu lên một số vấn đề, nhưng đó chỉ là ý kiến.

Tôi nghĩ, bây giờ là thời điểm mà các cơ quan nhà nước phải có chính sách cụ thể cho giai đoạn khó khăn này, làm thế nào để vực dậy thị trường BĐS. (Tôi nhấn mạnh là giai đoạn này chứ không phải là tổng thể).

-Nhưng, cụ thể, hiện nay chúng ta cần làm gì?

Có ba bộ phận quan trọng đối với thị trường BĐS là các tổ chức tài chính, tiền tệ; các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS và người tiêu dùng. Nên xem lại, từ trước đến nay, chúng ta - cụ thể là những bộ phận trên làm gì, đầu tư vào đâu?

Trước hết, Nhà nước phải thấy được vai trò then chốt của thị trường BĐS đối với nền kinh tế. Không phải cứ cho nó then chốt là then chốt. Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay Nhà nước phải tập trung vào phát triển phân khúc thị trường nhà ở, nhà cho thuê giá rẻ (một thị phần lớn nhất mà chúng ta chưa đáp ứng được). Cách duy nhất và cũng là cơ hội hiện nay để cứu thị trường BĐS là phát triển nhà giá rẻ và nhà cho thuê. Nếu phát triển được phân khúc này thì tôi nghĩ chắc chắn thị trường sẽ đi lên. Tôi nói điều này là phải làm ngay, ngay lập tức, phải triển khai các dự án ngay từ bây giờ, làm càng nhanh càng tốt.

- Theo tôi biết, Bộ Xây dựng đã có những đề cập, dự án, đề xuất về vấn đề này rồi?

Đó vẫn chỉ là dự án, dự định. Vấn đề quan trọng là phải làm ngay, thực hiện ngay. Dự định  vẫn phải làm, nhưng nếu để khi thị trường lên các dự án mới đi vào hoạt động thì chẳng giải quyết được gì? Cái ta cần cứu hiện nay là cứu cái sự đi xuống. Các dự án dài hơi càng nhiều cũng tốt, nhưng bây giờ là thời điểm phải hành động cấp tốc. Tôi lấy ví dụ như nhà cho công nhân thuê chẳng hạn. Những nhà này đâu cần phải 5 - 7 - 20 tầng, có thang máy. Chờ đợi được những khu nhà như vậy thì lâu lắm, mà không biết có hiện thực không, trong khi nhu cầu rất lớn đang hiện hữu. Chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này mà không cần phải chờ đợi. Ví dụ khác là nhà giá rẻ. Với mức giá khoảng 300 - 400 triệu đồng/căn hộ, cho dù không phải ai cũng đủ tiền mua, nhưng bù lại có rất nhiều người mua được. Mà nếu có đủ các biện pháp thì đa phần người dân có thể mua được.

- Nếu DN đầu tư vào lĩnh vực này thì được lợi gì?

Tình trạng tâm lý chung của các DN hiện nay là thích đầu tư vào những dự án đạt tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, theo tôi, nếu phát triển nhà giá rẻ, nhà cho thuê thì dù tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng quay vòng vốn nhanh, lại ít rủi ro. Thị trường có lên xuống cũng vẫn ổn. Đó là chưa tính đến yếu tố, ban đầu là nhà cho thuê, nhưng sau đó vẫn có thể bán. Các DN nên nhìn vào yếu tố này, được lợi mà an toàn.

- Điều quan trọng, theo ông là làm thế nào để thị trường hồi phục mà giá hợp lý?

Tôi nghĩ giá BĐS của chúng ta hiện nay cao một cách phi lý. Lỗi này theo tôi là do Nhà nước chứ không phải nhà đầu tư, nhà kinh doanh. Để thị trường hồi phục, nhưng giá hợp lý thì phải đánh thuế mạnh vào tỷ suất lợi nhuận. Nếu căn cứ vào giá thành thì tỷ suất lợi nhuận về BĐS hiện nay quá cao. Phải đánh thuế vào đó, phải hạ tỷ suất lợi nhuận xuống. Làm thế nào để nhà đầu tư hiểu được dù có bán với giá cao thì anh cũng chẳng được lợi gì hơn so với bán ở mức giá hợp lý.

- Xin cảm ơn ông.

dddn

Các tin tức khác

>   Dự án Luật Đăng ký bất động sản: Giấy và sổ cái nào quan trọng hơn? (16/10/2008)

>   Mở đường hội nhập (16/10/2008)

>   Nhật-Việt sẽ thành lập Uỷ ban Chống tham nhũng ở các dự án ODA (16/10/2008)

>   Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn (16/10/2008)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu lo cho năm tới (16/10/2008)

>   Sẽ xử phạt những giao dịch không qua sàn (16/10/2008)

>   Nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp đi vào hoạt động (16/10/2008)

>   Lao đao vì “bão” melanime (16/10/2008)

>   Tân Hiệp Phát đạt doanh số gần 1.200 tỉ đồng/năm (16/10/2008)

>   Bấp bênh cá da trơn (16/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật