TPHCM: Tập trung giải ngân vốn, tháo gỡ khó khăn cho DN
Xử lý nghiêm hành vi ghim hàng, trục lợi
Những tháng cuối năm, mọi người cùng phải chạy nước rút, nhu cầu lương thực thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm mùa tết trở nên cấp thiết…
Tại cuộc họp do UBND TPHCM chủ trì vào sáng 27-10 bàn biện pháp giải quyết các nội dung trên, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp là phải bảo đảm ổn định thị trường, bình ổn các mặt hàng thiết yếu, chuẩn bị đủ hàng hóa cung ứng trong dịp tết cổ truyền…
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm: xử nghiêm!
Cuộc họp “nóng” lên với những thông tin: 38 tấn sữa nhiễm melamine đang chờ tiêu hủy; hơn 1/3 số cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Qua số liệu thống kê của UBND TP, 10 tháng qua, trong số 3.800 cơ sở đã được thanh tra, kiểm tra VSATTP thì có đến 1.330 cơ sở vi phạm (chiếm 35%), trong đó 60 cơ sở có vi phạm đến mức phải đình chỉ hoạt động.
Tương tự, kiểm tra hơn 4.000 bếp ăn của các cơ sở, trường học, doanh nghiệp thì hết 1.300 cơ sở vi phạm. Những con số trên cho thấy tình hình VSATTP đang ở mức báo động. Từ đầu năm đến nay, có hơn 1.000 người bị ngộ độc thực phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ.
Một điểm mới nổi lên là tình trạng ngộ độc rượu nghiêm trọng đã diễn ra. Có đến 27 ca ngộ độc rượu, trong đó 9 người bị tử vong. Nguyên do, hàm lượng methanol trong rượu cao gấp 70 đến 120 lần so với mức cho phép. Dù hiện nay, TP đang thu giữ 150.000 lít rượu có hàm lượng methanol cao nhưng việc xử lý nguồn gốc là rất khó vì rượu được mua bán qua nhiều lần từ các tỉnh thành khác chuyển về.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm mà Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân giao cho các đơn vị là phải bảo đảm ổn định thị trường, bình ổn các mặt hàng thiết yếu, chuẩn bị đủ hàng hóa cung ứng trong dịp tết cổ truyền. Cụ thể, các đơn vị phải dự trữ hàng hóa cung ứng trước và sau tết, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ, gây sốt giá. Đồng thời, các sở ngành phải kiểm tra về giá, xử lý nghiêm những người ghim hàng, trục lợi, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là phải kiểm tra gắt gao tình trạng vi phạm VSATTP, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Trung Tín nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu hàng nông sản, lương thực thực phẩm mà ưu tiên thu mua, sử dụng hàng trong nước, hỗ trợ bà con nông dân.
Phải tháo dỡ các “lô cốt” trước tết
Tình hình giao thông cuối năm cũng là vấn đề được lãnh đạo TP quan tâm, nhất là tình trạng các “lô cốt” nằm ì năm này qua tháng nọ ở các tuyến đường. Do vậy, lãnh đạo TP yêu cầu Sở GTVT báo cáo tiến độ tháo gỡ các “lô cốt” và tiến độ thi công các công trình cầu đường trọng điểm.
Theo báo cáo của Sở GTVT, rất nhiều công trình sẽ kéo dài qua những năm sau như: đại lộ Đông Tây đến 2009 mới hoàn thành; cầu Thủ Thiêm (giai đoạn 2) đến đầu năm 2010; mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến quý 3-2009…
“Riêng một số công trình như: cầu Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Công Lý, cầu Khánh Hội, cầu-đường Nguyễn Văn Cừ… phải đảm bảo thông xe trước tết âm lịch” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu. Bên cạnh đó, các sở-ngành, quận-huyện rà soát, chỉ đạo các đơn vị phải hoàn thành và tháo gỡ các “lô cốt” trên đường, nhất là trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, để phục vụ tết cho nhân dân.
Trong việc chăm lo tết, đồng chí Lê Hoàng Quân chỉ đạo, các đơn vị phải thực hành tiết kiệm, không được tổ chức tổng kết, liên hoan cuối năm rình rang, lãng phí.
Giải ngân: vẫn chậm vì... đền bù!
Về nhiệm vụ kinh tế, đến nay, TP đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách, dự kiến đến cuối năm, TP sẽ thu vượt khoảng 6.000 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện nay, dù Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cơ bản xuống còn 13%/năm, nhưng theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM thì lãi suất cho vay vẫn quá cao đối với doanh nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ “khát” vốn vẫn còn, ngân hàng có tiền cho vay nhưng tiền vẫn khó đến tay doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Trung Tín chỉ đạo, các sở ngành phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có thể đề xuất lập phương án thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp không bị ngưng sản xuất, mất việc làm của người lao động. Sự hỗ trợ này sẽ tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển trong những năm tới.
Nếu trước đây, giải ngân đã là vấn đề khó vì vướng đền bù giải tỏa thì nay tình hình giá cả tăng cao càng làm cho tiến độ giải ngân các dự án xây dựng khó khăn hơn. Theo báo cáo liên sở, tổng mức chi cho đầu tư phát triển trong năm 2008 là 15.500 tỷ đồng, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm nhưng vốn giải ngân chỉ mới đạt 7.979 tỷ đồng, tức 51,4%.
Vì vậy, vấn đề giải ngân cũng được lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo. Theo ước tính của các sở ngành, nếu quyết liệt thì đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân của TP sẽ đạt 87% kế hoạch giao.
sggp
|