Thứ Ba, 28/10/2008 06:33

Cạnh tranh không lành mạnh - Góc nhìn từ quyền lợi NTD

Vài năm gần đây, thị trường hàng hóa tăng trưởng nhanh với sự hiện diện đa dạng các mặt hàng phục vụ cho người tiêu dùng, chất lượng nhiều sản phẩm không ngừng được nâng cao. Để thành công, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chính sách kinh doanh và phương pháp tiếp thị mới mẻ, mang lại hiệu ứng tốt từ xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh vẫn tồn tại một số hình thức “đấu đá” nhau trên thương trường. Thiết nghĩ, kiểu kinh doanh không lành mạnh này cần sớm được nhận diện để giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Gần đây nhất, cùng lúc trên nhiều tờ báo xuất hiện những bài viết na ná nhau về bột ngọt và hạt nêm, trong đó đề cập đến việc các loại hạt nêm trên thị trường chứa khoảng 30% bột ngọt kèm theo một số thông tin kiểu như “dùng bột ngọt có thể gây dị ứng hoặc không nên dùng bột ngọt cho trẻ em dưới 3 tuổi” từ một số người làm việc trong ngành liên quan.

Không trách các cơ quan báo chí bởi lẽ hầu hết các nguồn tin này được cung cấp từ những người có trách nhiệm, và dĩ nhiên, hiệu ứng từ xã hội sẽ tạo ra một mối nghi ngờ về sự nguy hại của sản phẩm bột ngọt, hạt nêm.

Ngay thời điểm đó, trên thị trường lại xuất hiện một loạt quảng cáo về sản phẩm hạt nêm mới tự công nhận là “Đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế”, “làm từ sườn non và hạt sen” khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng đây là sản phẩm hạt nêm duy nhất đạt chất lượng và không chất bột ngọt.

Câu hỏi đặt ra là chiến dịch quảng bá sản phẩm hạt nêm này liệu có liên quan đến phương thức kinh doanh, cạnh tranh hay không? Câu trả lời đã “hiện diện” ngay sau đó khi hàng loạt doanh nghiệp khác kinh doanh trong lĩnh vực bột ngọt, hạt nêm “phản ứng” đến các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí và cho rằng doanh nghiệp trên đã thực hiện quảng cáo không đúng với sự thật.

Thông tin từ phía các doanh nghiệp này cho thấy: Ủy ban Hỗn hợp các chuyên gia về Phụ gia thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (JECFA) và Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) đánh giá bột ngọt là an toàn cho mục đích sử dụng và có liều lượng sử dụng hàng ngày là không xác định. “Các thí nghiệm mù kép có đối chứng được kiểm soát không tìm ra được mối liên hệ giữa “Hội chứng Cao lâu Trung Quốc” với việc hấp thụ bột ngọt”- các chuyên gia từ JECFA nhận định.

Ngoài ra, quá trình chuyển hóa bột ngọt ở trẻ em và người lớn là như nhau và không có khuyến cáo sử dụng bột ngọt đối với phụ nữ mang thai và trẻ em. Riêng đối với trẻ em dưới 12 tuần tuổi thì không nên cho dùng bất kỳ loại phụ gia thực phẩm nào.

Trong quá trình tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ của CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP (SACC), bên cạnh rất nhiều trường hợp người tiêu dùng thực sự bức xúc vì lý do quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại thì cũng có một ít trường hợp khiếu nại có dấu hiệu “bất bình thường”.

Đó là những vụ việc kiểu như: Một người tiêu dùng mang 1 hộp bánh Trung thu đến khiếu nại vì bánh bị mốc nghiêm trọng (nhìn rất rõ bên ngoài). Người khách hàng này chỉ trích doanh nghiệp sản xuất bằng nhiều lý lẽ, đề nghị được bồi thường 100 triệu đồng.

Khi phía SACC giải thích chặt chẽ pháp lý và yêu cầu người tiêu dùng cung cấp giấy tờ tùy thân thì người này tìm mọi cách khoái thác và ra về. Sau đó, khi SACC đối chứng với doanh nghiệp sản xuất lô hàng này thì phát hiện nhiều “khuất tất” khác từ nguồn gốc người khiếu nại, và dĩ nhiên, những thông tin do người này cung cấp hoàn toàn sai lệch.

Thật ra việc một doanh nghiệp tìm chỗ đứng cho sản phẩm của mình trên thị trường bằng cách tìm ra phân khúc thị trường mới hoặc một phương thức quảng bá thương hiệu mới là điều bình thường, nhiều nhãn hàng đã thành công với phương thức này.

Tuy nhiên, tìm chỗ đứng bằng cách nói xấu sản phẩm doanh nghiệp khác hoặc tự tạo ra những ngộ nhận không tốt về sản phẩm của “đối thủ” thỉnh thoảng vẫn được một số doanh nghiệp sử dụng, dù biết rằng điều này vi phạm đạo đức kinh doanh! Thành công hay thất bại khi áp dụng phương thức này tùy vào mức độ nhận thức và đánh giá của người tiêu dùng và đặc biệt là vào sự nhìn nhận từ cơ quan có thẩm quyền về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.

Rõ ràng, người tiêu dùng cần được minh bạch thông tin nhưng cũng cần phải bình tĩnh để không bị nhiễu thông tin và bị lợi dụng khi các doanh nghiệp “đấu đá” lẫn nhau để giành thị trường. Điều quan trọng là mọi người phải trang bị những kiến thức chuẩn xác để thực sự là người tiêu dùng thông thái trước nhiều thông tin trái ngược nhau.

Theo định nghĩa tại khoản 4, Điều 3 Luật Cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Điều 39 Luật Cạnh tranh đã liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; xâm phạm bí mật kinh doanh; ép buộc trong kinh doanh; gièm pha doanh nghiệp khác; gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; phân biệt đối xử của hiệp hội; bán hàng đa cấp bất chính; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh do Chính phủ quy định.

sggp

Các tin tức khác

>   Bỏ giá sàn, doanh nghiệp được XK tự do và hỗ trợ LS thu mua (28/10/2008)

>   Thị trường điện máy vẫn “nóng” (28/10/2008)

>   Vẫn còn hai công ty gas chưa giảm giá (28/10/2008)

>   Giá gas giảm lần thứ tư trong vòng 3 tháng (27/10/2008)

>   Ra mắt Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số VN (27/10/2008)

>   Chú ý tác động của khủng hoảng đến xuất khẩu (27/10/2008)

>   “Dự án trễ vì yếu quản lý hợp đồng sau đấu thầu” (27/10/2008)

>   Khắc phục hậu quả hỏa hoạn, sớm đưa nhà ga trong nước Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào hoạt động ngày 28/10 (27/10/2008)

>   Vietnam Airlines bỏ phụ thu nhiên liệu nội địa (27/10/2008)

>   Tạm đóng cửa ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất do cháy (27/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật