Ra mắt Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số VN
Ngày 27/10, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc quản lý của Bộ TT-TT đã chính thức ra mắt hoạt động, sau một thời gian tiếp nhận cơ sở vật chất, kinh phí và tuyển dụng nhân sự.
Chức năng của Viện này là giúp Bộ TT-TT nghiên cứu, xây dựng và tham gia triển khai chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ phần mềm, nội dung thông tin số.
Báo cáo định hướng hoạt động của Viện, do Viện trưởng Hoàng Lê Minh đưa ra khá nhiều mục tiêu, tham vọng cho nền công nghiệp phần mềm và nội dung số của Việt Nam. Trong lĩnh vực nghiên cứu - triển khai, Viện sẽ tập hợp một đội ngũ chuyên gia CNTT giỏi đầu ngành của Việt Nam, và người Việt Nam ở nước ngoài. Viện cũng hỗ trợ và hợp tác với doanh nghiệp triển khai các đề án nghiên cứu thị trường, nghiên cứu công nghệ, phát triển và kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ CNTT-TT. Nghiên cứu thị trường ứng dụng các sản phẩm máy tính di động; nghiên cứu các công nghệ phần mềm bảo mật mạng không dây và bản quyền nội dung số; nghiên cứu các công nghệ tích hợp thông tin truyền thông số hoá (voice, video, data); nghiên cứu nền tảng phát triển phần mềm nhúng và ứng dụng cho máy tính di động; nghiên cứu ứng dụng công nghệ đồ hoạ 3D, xử lý văn bản số hoá dạng ảnh, tính toán đám mây, xây dựng các trung tâm dữ liệu nội dung số.
Đối với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành CNTT VN lâu nay. Ông Hoàng Lê Minh dự định, sẽ triển khai các chương trình đào tạo theo chuyên đề, đào tạo ngắn hạn, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức hướng tới các lĩnh vực phát triển năng lực nghiên cứu – triển khai. Tiếp nhận các công nghệ mới, sản phẩm mới, nâng cao trình độ quản lý và cải tiến quy trình sản xuất phần mềm, nội dung thông tin số và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng.
Công việc này sẽ được thực hiện tại Trung tâm Đào tạo – Tư vấn CNTT-TT. Hiện Viện này đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với một số doanh nghiệp và tổ chức đào tạo về CNTT có uy tín, nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, theo chương trình đào tạo của các công ty đa quốc gia như IBM, Intel, Microsoft (Hoa kỳ), tổ chức Learning Tree (EU), các tổ chức CICC, AOTS (Nhật Bản), Học viện I.I.I. (Đài Loan), SIPA (Thailand), SaigonCTT (Việt Nam).
Tuy nhiên, ông Minh cũng bày tỏ, con đường để thực hiện các định hướng trên sẽ còn rất dài và chắc chắn sẽ còn nhiều trở ngại, khó khăn mà trong đó có chất lượng của nguồn nhân lực. Kinh nghiệm, năng lực tổ chức và quản lý dự án phần mềm, trình độ và khả năng tiếp nhận, chuyển giao công nghệ cao, kỹ năng kinh doanh và tiếp thị sản phẩm trong lĩnh vực CNTT-TT đang là những trở ngại lớn nhất.
Trong thư chào mừng nhân ngày ra mắt Viện Công nghệ Phần mềm và Nội dung số (CNPM và NDS), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Phát triển ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số không đòi hỏi phải đầu tư lớn ban đầu về cơ sở vật chất, thiết bị máy tính, nhưng lại cần có nhiều kỹ sư lập trình thành thạo, nhiều chuyên gia thiết kế, gia công phần mềm, số hoá nội dung thông tin.
Để tập hợp và đào tạo được các chuyên gia trình độ cao, thiết kế sản phẩm mới, giải mã, chuyển giao và sáng tác các công nghệ mới trong ngành CNTT thì cần có các tổ chức đào tạo và nghiên cứu trình độ cao như Viện CNPM và NDS. Đó là bài học phát triển của ngành CNPM đi từ gia công xuất khẩu, chuyển qua sáng tạo sản phẩm tại các cường quốc CNTT châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc…”.
Trong ngày 27/10, Viện CNPM và NDS đã ký kết hợp đồng, thỏa thuận với một số đối tác đầu tiên như: Công ty Công nghệ phần mềm số hoá văn bản Laserfiche (Mỹ), Công ty Hệ thống Bảo mật T-SS (Nhật Bản), chuyên về công nghệ phần mềm bảo mật mạng máy tính và bản quyền nội dung số).
Ngoài ra, Viện CNPM và NDS cũng đặt cơ sở cho các hợp tác lâu dài với các hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành CNTT-TT Việt Nam như Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, các DN nước ngoài như: Microsoft, IBM, Intel...
vnn
|