Vi phạm về đo lường-chất lượng xăng dầu
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ cây xăng
Tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung bài viết: “Vi phạm về đo lường-chất lượng xăng dầu: Người dân còn bị móc túi dài dài!”, đăng trên trang Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi NTD tuần qua. Thực tế, với quy định hiện hành, mức hình phạt cho tội danh gian lận đo lường-chất lượng đối với chủ cửa hàng xăng dầu (CHXD) còn quá thấp, do đó không đủ sức răn đe và ngăn ngừa tội phạm.
Tuy nhiên, theo tôi, căn cứ sát sao và áp dụng mức cao nhất mà luật hiện hành đã quy định thì chủ CHXD có hành vi gian lận trong việc cân đong đo đếm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng (quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự), nếu khách hàng hoặc các cơ quan chức năng chứng minh được người mua xăng dầu bị thiệt hại nghiêm trọng.
Cụ thể, Điều 162 Bộ luật Hình sự quy định: 1/ Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. 2/ Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 3/ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Riêng đối với những chủ CHXD dùng thủ đoạn gắn chíp điện tử để gian lận đo lường xăng dầu trong lúc mua bán mà báo đã nêu thì đã có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ cần xác định thời gian gắn chíp điện tử, giá trị gian lận trên một đơn vị là có thể tính ra ngay giá trị thiệt hại gây ra cho người mua hàng.
Nhưng để xác định chứng cứ phạm tội của tội danh này là điều không dễ vì người mua hàng khó chứng minh mình bị thiệt hại (mua hàng không lấy hóa đơn), các cơ quan chức năng lại thiếu chuyên môn, thiết bị và nhân lực để thực hiện việc kiểm tra hoạt động.
Như vậy, để xử phạt hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu được triệt để nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trước hết cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh kiểm tra, xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các sai phạm trong hoạt động bán lẻ xăng dầu theo hướng nâng cao mức xử phạt.
Mặt khác, tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tích cực tố giác những hành vi vi phạm; thường xuyên công khai danh tính những cửa hàng bán lẻ xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Luật gia Nguyễn Kiều Hưng
sggp
|