Kiếm triệu “đô” từ hàng phế phẩm
Lâu nay, lõi ngô, rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa... là những thứ phế phẩm nhà nông coi như không còn giá trị.
Thế nhưng, một vài năm gần đây những phế phẩm tưởng chừng bỏ đi đó lại được các doanh nghiệp trong nước biến thành sản phẩm hàng hoá tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, thu về cả... triệu USD.
Ai đã có dịp đi dọc tuyến quốc lộ 1 A, hướng Tp.HCM về miền Tây, đến địa bàn các xã Mỹ Yên, Long Hiệp, huyện Bến Lức (Long An) nhìn về phía bên phải sẽ thấy nhiều cây rơm được chất cao tới 10m. Đó là nguồn hàng của doanh nghiệp tư nhân Minh Nghĩa, được các chủ vựa rơm mua từ đồng lúa các tỉnh ĐBSCL đưa về cung cấp (làm kệ lót) cho các vựa trái cây, xí nghiệp thuỷ tinh; làm thức ăn cho các trang trại nuôi bò sữa.
Giá rơm mua tại ruộng từ 1-1,5 triệu đồng/ha. Giá bán, đối với khách hàng là xe tải chở trái cây ra các tỉnh phía Bắc, đi Trung Quốc, mỗi xe 300-600 ngàn đồng. Riêng loại rơm bán cho các trang trại nuôi bò sữa, mỗi lọn (khoảng 5kg) có giá từ 2.500-3.000 đồng/kg.
Rơm rạ thành ván ép chịu nhiệt
Nhờ có địa bàn thuận lợi (nằm cạnh quốc lộ 1A), hiện nay doanh nghiệp Minh Nghĩa đang ăn nên làm ra, với 200-300 khách hàng lớn, nhỏ từ miền Trung trở vào. Tuy vậy, doanh nghiệp Minh Nghĩa vẫn còn thua xa Công ty Cổ phần Nông sản Bao bì Long An (thị xã Tân An).
Giám đốc Phạm Văn Tỏ cho biết: rơm là nguyên liệu chính để công ty sản xuất ra hơn 1.500 mặt hàng, mỗi năm xuất khẩu khoảng hơn 50 container (loại 40 feet) sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan... thu về khoảng 1 triệu USD. Công ty đang mua 2 loại sản phẩm từ rơm, đó là rơm vàng (sau khi thu hoạch lúa), giá 800-900 đồng/kg; rơm xanh (lấy từ lúa đang thì con gái) giá mua 1.000-1.200 đồng/kg. Mỗi năm công ty mua khoảng 300 tấn rơm từ các hộ nông dân trong tỉnh Long An.
Cách đây không lâu (ngày 26/9/2008), sau khi dự Hội chợ Phát triển Toàn cầu (Global Development Marketplace - DM), tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB, Washington DC), 2 trong 4 dự án của Việt Nam là dự án “Tận dụng rơm rạ” và dự án “Phân vi sinh Biogro” đã được nhận tài trợ 200.000 USD/dự án.
Dự án “Tận dụng rơm rạ” là của ông Nguyễn Minh Quyền, Phó giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành. Ông Quyền kể chuyện “ôm rơm”: “Trong nghề du lịch, tôi có dịp đi khắp miền quê ĐBSCL, mùa về thấy nhà nông đốt rơm rạ ngoài đồng, khói lên tận “thiên đình”, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tôi về mở Công ty Vĩnh Sang (Vĩnh Long) nhằm tìm lối ra cho rơm rạ, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, góp phần bảo vệ môi trường. Mục đích của tôi rất đơn giản: thay vì đốt ngoài đồng, nông dân chở rơm rạ đến bán cho nhà máy. Từ rơm rạ nhà máy ép thành những tấm lợp cách nhiệt và chịu nhiệt, thích hợp với môi trường xây dựng nhà tại ĐBSCL”.
Theo kế hoạch, công ty sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ một công ty ở Mỹ và tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất và lập mô hình nhà ở bằng ván ép rơm rạ tại một số địa phương ở ĐBSCL để giới thiệu với nông dân. Ông Quyền dự kiến, đến năm 2010 sản phẩm ván ép làm từ rơm rạ có khả năng chịu nhiệt, chống cháy, chống thấm... sẽ có mặt trên thị trường.
Mỗi năm Hội chợ Phát triển Toàn cầu có vài chủ đề về phát triển để các nước tham gia xin tài trợ qua các đề án. Năm 2008, có 3 lĩnh vực: liên kết những người nông dân hoạt động qui mô nhỏ với thị trường; cải thiện đất canh tác cho nguời nghèo; tăng cường vai trò của nông nghiệp trong biến đổi khí hậu và giữ gìn đa dạng sinh học.
Mùn cưa, vỏ trấu “lên đời”
Tương tự như rơm rạ, mùn cưa lâu nay vẫn được xem là đổ bỏ đi của ngành chế biến gỗ. Thực tế, hiện nay đây là loại phế phẩm được “săn lùng” nhiều nhất.
Vì, mùn cưa đang được xem là một nguồn năng lượng mới của thế giới. Tại các nước tiên tiến, mùn cưa được nén lại dưới dạng viên (wood pellet) dùng để đốt lò sưởi, nồi hơi, thậm chí là nhà máy nhiệt điện, vì các viên nén này có giá trị năng lượng cao tương đương than đá.
Lâu nay, đa số các công ty xuất khẩu mùn cưa trong nước chỉ làm nhiệm vụ mua mùn cưa từ các đơn vị sản xuất đồ gỗ và sơ chế rồi xuất khẩu mùn cưa thô cho nước ngoài, mỗi container kiếm lời khoảng 5-8 triệu đồng. Ông Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần VIETgo, đã xuất khẩu mùn cưa 2 năm nay cho biết: trung bình mỗi tháng công ty nhận được 20 đề nghị của khách hàng nước ngoài tìm kiếm đối tác cung cấp mùn cưa tại Việt Nam.
Nếu xuất khẩu mùn cưa thô cho lãi 1 thì khi nén giá trị có thể tăng lên 10 lần. Mới đây, một công ty tại quận 8, Tp.HCM đã đầu tư dây chuyền sản xuất viên gỗ nén từ mùn cưa, thay vì chỉ xuất mùn cưa thô.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty này cho biết: cùng một mức giải phóng năng lượng như nhau nhưng sử dụng viên gỗ nén sẽ rẻ hơn khoảng 30%. Hơn nữa, đốt viên gỗ nén ít gây ô nhiễm môi trường hơn nhiều so với than đá, nên sản phẩm này rất được ưa chuộng tại châu Âu và các nước tiên tiến.
Chưa dừng lại, từ kết quả viên gỗ nén, công ty ông Nguyễn Anh Tuấn đã thử nghiệm thành công việc nén trấu thành dạng viên tương tự viên nén từ mùn cưa. Qua phân tích kỹ thuật, viên nén trấu cho kết quả rất khả quan. Nếu so với than đá, sử dụng viên gỗ nén rẻ hơn 30%, nhưng sử dụng viên trấu nén tiết kiệm tới 40-50% chi phí.
Sau khi chế tạo thành công viên nén từ trấu, ông Tuấn đã xúc tiến giới thiệu sản phẩm với khách hàng châu Âu và bước đầu nhận được 6 hợp đồng làm hàng mẫu. Theo kế hoạch, ông sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy chế tạo viên trấu nén tại ĐBSCL - vựa lúa và cũng là vựa trấu của cả nước. Ông đang xúc tiến bán sản phẩm viên trấu nén cho các nhà máy nhiệt điện. “Hi vọng, viên trấu nén của Việt Nam sẽ được sử dụng trong các ngành nhiệt điện ở châu Âu, châu Á” - ông Tuấn nói.
Xin được nói thêm, một năm Việt Nam sản xuất được khoảng 36-37 triệu tấn lúa; 17-18 triệu tấn mía và 4,5 triệu tấn ngô (giá lõi ngô thị trường thế giới 100 USD/tấn)... Ước tính tổng số phế phẩm trong nông nghiệp tạo ra trên 50 triệu tấn. Đây là kho tài nguyên cho những ai biết cách tận dụng và khai thác, phế phẩm thì sẽ biến thành... triệu “đô”.
tbktvn
|