Quy định đóng phí lưu hành xe: có khả thi?
Một quy định muốn tồn tại và phát huy tác dụng phải bảo đảm hai yếu tố cơ bản: tính hợp pháp và tính hợp lý. Đề xuất thu tiền phí lưu hành xe của UBND TPHCM sẽ được phân tích dưới hai góc cạnh này.
Theo đề xuất của UBND TPHCM, mỗi xe máy phải đóng 500.000 đồng tiền phí lưu hành mỗi năm, đối với ô tô dưới 7 chỗ mức này là 10 triệu đồng và kèm theo đó là phí trước bạ sẽ tăng gấp đôi so với mức hiện hành.
Lý do được đưa ra là nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân đang lưu hành trong thành phố. Mặt khác, số tiền thu được sẽ dùng vào việc nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông.
Điều này thoạt nghe có vẻ hợp lý, tuy nhiên ẩn chứa nhiều vấn đề cần phải bàn bởi vì một quy định muốn tồn tại và phát huy được tác dụng phải bảo đảm hai yếu tố cơ bản: tính hợp pháp và tính hợp lý.
Thứ nhất, tính hợp pháp thể hiện quy định đó là một bộ phận trong chỉnh thể của khung hành lang pháp lý mang tính tổng thể, trong việc tuân thủ các văn bản cấp trên trong cùng phạm vi điều chỉnh, trong việc tạo ra lẽ công bằng, hợp lý giữa các địa phương.
Trong khung cảnh chung của luật, ta chưa thấy có một định hướng hoặc nguyên tắc nào của các quy phạm ở trung ương đặt ra các mức phí đối với phương tiện giao thông với mục đích là giảm thiểu phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn trong nước.
Có lẽ, chưa có một minh chứng thực tiễn nào cho thấy đặt ra các mức phí cao thì sẽ hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông.
Thứ hai, nếu tính hợp pháp đảm bảo cho văn bản quy phạm có giá trị pháp lý và hiệu lực để đưa vào áp dụng, thì tính hợp lý bảo đảm cho các văn bản đó có tính khả thi, có đất sống.
Đối với một quy phạm tác động vào lợi ích vật chất của nhiều cá nhân trong cộng đồng thì chủ thể quản lý trên địa bàn đó phải trả lời được các câu hỏi sau đây:
- Một là, quy định sẽ tác động đến đối tượng nào, ảnh hưởng đến đại đa số quần chúng nhân dân lao động, hay một bộ phận dân cư? Nếu ảnh hưởng đến đa số quần chúng thì có tính đến phương án cho những đối tượng nghèo, cận nghèo? Đối tượng là sinh viên, công nhân từ các vùng quê lên thành phố làm trong các nhà máy, xí nghiệp thì giải quyết ra sao?
- Hai là, loại phương tiện mà chủ thể quản lý muốn hạn chế là phương tiện thiết yếu cho nhu cầu cá nhân hay phương tiện xa xỉ.
- Ba là, nếu là phương tiện thiết yếu cho từng cá nhân, liệu rằng hiện tại và sau khi hạn chế, có phương tiện khác thay thế hay không? Khả năng thay thế và đáp ứng nhu cầu của phương tiện mới như thế nào? Người dân thành phố có lẽ đã quen thuộc với cảnh xe buýt đông nghịt, không có chỗ ngồi, thậm chí đứng chen chúc. Hơn ai hết, người dân thành phố cũng biết rõ rằng hiện tại xe buýt trong nội thành không bao phủ hết tất cả các tuyến đường chính.
- Bốn là, về phương diện kinh tế của từng cá nhân nói riêng và của cộng đồng nói chung đang ở giai đoạn nào, điều kiện kinh tế còn khó khăn hay đã thoải mái. Điều này là yếu tố trực tiếp tác động đến tâm lý người dân. Nếu đang thời buổi kinh tế lạm phát, giá cả tăng cao thì quy định này có thể đem thêm nỗi lo cho người dân lao động.
- Cuối cùng, liệu rằng chủ thể quản lý trên địa bàn có thể chứng minh được khả năng sử dụng số tiền thu được vào việc cải tạo đường sá, cơ sở hạ tầng. Nếu có thì bao nhiêu năm nữa thành phố mới hết kẹt xe mỗi ngày, đường thôi ngập nước, các lô cốt không còn sừng sững khắp nơi?
Nếu câu trả lời cho những câu hỏi trên là chưa tính đến, hoặc chưa chắc chắn đáp ứng được nhu cầu, không thể giải quyết được... thì quy định trên chưa bảo đảm tính khả thi.
Điều này khiến ta nhớ lại quy định ở một thành phố lớn trước đây mà nay đã không còn tồn tại là cấm các xe có biển số của các tỉnh, thành khác vào nội ô của thành phố đó cũng với lý do và mong muốn giảm thiểu các phương tiện giao thông vào trong nội ô thành phố. Tất nhiên, quy định này thể hiện tính bất hợp lý vì nhu cầu vào thành phố không chỉ là nhu cầu của người dân ngoại ô, ngoại tỉnh mà là nhu cầu của chính các cư dân thành phố vì họ cần những bó rau tươi, những trái cây ngọt từ các địa bàn lân cận... Hơn nữa cũng có ý kiến cho rằng quy định đó là bất hợp pháp vì quyền tự do của công dân, trong đó có tự do cư trú, đi lại trong phạm vi cả nước, đã được ghi rõ trong Hiến pháp.
Điều cần thiết là chủ thể quản lý bắt buộc phải tính đến lợi ích của các nhóm xã hội, phải nhìn xa, sâu và rộng vào bản chất và nguyên nhân của vấn đề giao thông thành phố để đưa ra một giải pháp thực sự có khả năng điều chỉnh một cách hiệu quả tình hình giao thông trong thành phố.
TS. PHAN TRUNG HIỀN - Đại học Cần Thơ
tbktsg
|