VIIF 2008: Cơ hội mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp
Đại sứ quán Ấn Độ đã có 8 lần mở gian hàng quốc gia tham gia Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam (VIIF) và luôn coi đây là một phần quan trọng của chương trình xúc tiến thương mại song phương với Việt Nam hàng năm.
Tại Hội chợ năm nay, khai mạc tại Hà Nội ngày 17/10, có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản, điện, công nghệ thông tin, phụ tùng ô tô gửi catalogue tham gia triển lãm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN nhân dịp này, đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng VIIF có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Ấn Độ, thực sự là cơ hội trực tiếp để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Các doanh nghiệp Ấn Độ đã nhận được khoảng 300 đơn hàng từ phía các doanh nghiệp Việt Nam sau mỗi kỳ hội chợ.
Theo vị đại diện này, việc tham gia VIIF đã góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ. Nếu năm 1999, con số này mới đạt 195 triệu USD thì đến năm 2006 đã tăng lên 800 triệu USD, riêng 9 tháng đầu năm nay, đã tăng lên 1,6 tỷ USD. Chính phủ hai nước đã cam kết đưa tổng mức thương mại hai chiều vượt qua 2 tỷ USD vào năm 2010.
Ấn Độ đã trở thành một trong mười nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hiện ngoài Công ty thép Essar và Tata, nhiều công ty Ấn Độ khác cũng đang tìm hiểu cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất phân bón, dệt may của Việt Nam.
Đại diện cho các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Dong Yang Metal, bà Su Jin Ha cũng cho biết mặc dù là lần đầu tiên tham gia hội chợ, nhưng với nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng, nhất là tiềm năng phát triển công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, “chúng tôi hy vọng sẽ tìm được nhiều đối tác làm ăn trong hội chợ lần này”.
Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đánh coi hội chợ quốc tế hàng công nghiệp là một đầu mối xúc tiến thương mại và phát triển kinh doanh quan trọng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim khí Thăng Long - nhà sản hàng gia dụng hàng đầu Việt Nam - cho biết VIIF đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng 30% mỗi năm về xuất khẩu mặt hàng gia dụng cao cấp từ Inox và thép tấm của doanh nghiệp. Tham gia VIIF năm nay, doanh nghiệp này chú trọng tìm đối tác mới ngoài các đối tác truyền thống tại châu Á và châu Âu.
Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam diễn ra từ ngày 17-21/10, tại Hà Nội, có sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp Việt Nam và trên 100 doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, đại diện ban tổ chức VIIF 2008 cho rằng trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục được đánh giá là thị trường đầu tư có nhiều tiềm năng và phát triển ổn định, vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp tình hình kinh tế thế giới trong thời kỳ khó khăn, hội chợ năm nay sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy hoạt động đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
TTXVN
|