Căn bệnh “mãn tính”
Ở TPHCM có hai công trình lớn, thi công kéo dài làm ảnh hưởng đến giao thông đô thị và môi trường sống của cư dân.
Công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khởi công từ năm 2004, theo kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2006. Nhưng do thi công chậm trễ, sau khi thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới là đơn vị tài trợ vốn vay, dự án được Chính phủ cho phép triển hạn đến năm 2009, nhưng đến nay (tháng 10-2008) mới chỉ hoàn thành được 30% khối lượng công việc.
Công trình xây dựng đại lộ Đông-Tây và cải tạo môi trường nước ở TPHCM khởi công vào đầu năm 2005, theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 12-2008. Đến nay, đại lộ Đông-Tây vẫn còn dở dang và hàng trăm “lô cốt” mọc lên trên đường phố từ Công trình cải tạo môi trường nước làm ùn tắc giao thông. Liệu hai công trình này có thể hoàn tất vào năm 2011 theo kế hoạch đã được triển hạn?
Đây chỉ là hai ví dụ. Trong cả nước, nhiều công trình sử dụng vốn ODA hoặc vốn ngân sách nhà nước chậm trễ, trì trệ trong thi công, gây lãng phí nghiêm trọng về cả thời gian và tiền bạc.
Trong báo cáo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ ngành, địa phương từ năm 2005-2007” đọc trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 22-9, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nhấn mạnh “việc lãng phí thời gian, vốn liếng trong xây dựng cơ bản là “căn bệnh mãn tính”, ngày càng nặng hơn”.
Theo khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với dự án nhóm A là 42 tháng, nhóm B là 29 tháng và nhóm C là 23 tháng. Như vậy cộng thêm thời gian thi công khoảng 5-7 năm nữa thì một dự án nhóm A mất hơn 10 năm mới hoàn thành. Với trên 13.000 dự án sử dụng vốn ngân sách, mỗi năm có 50.000-70.000 tỉ đồng không giải ngân, gây lãng phí rất lớn.
Lãng phí còn diễn ra trong quá trình thi công, không thực hiện đồng bộ giải phóng mặt bằng và triển khai thi công, làm chậm trễ tiến độ. Bên cạnh đó còn để xảy ra tiêu cực như chạy thầu, thông thầu; năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công quá kém.
Giá trị đền bù giải phóng mặt bằng của một số công trình quá lớn làm ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu quả của dự án. Chẳng hạn, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mở rộng (TPHCM), giá trị xây dựng chỉ có 68 tỉ đồng, trong khi giá trị đền bù giải phóng mặt bằng là 654 tỉ đồng; đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) giá trị xây dựng 222 tỉ đồng nhưng giá trị đền bù giải phóng mặt bằng lên đến 667 tỉ đồng...
Mặc dù đã được đưa ra thảo luận trước Quốc hội nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ nào cho vấn nạn thủ tục hành chính rườm rà, thi công dây dưa, lãng phí và tiêu cực trong xây dựng cơ bản.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc giải ngân triển khai các dự án có vốn đầu tư nước ngoài chậm lại là điều khó tránh khỏi. Nhưng đối với dự án sử dụng vốn ODA hoặc ngân sách chúng ta có những điều kiện chủ động về giải ngân, vấn đề là việc quy hoạch, quản lý và kiểm soát việc triển khai các dự án phải được mổ xẻ thấu đáo để tìm liều thuốc chữa trị có hiệu quả căn bệnh mãn tính này. Đó là câu hỏi lớn cần được đặt ra.
tbktsg
|